Tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

24/03/2017 15:39
Vũ Thu
(GDVN) - Sáng 24/3, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác quý I/2017. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh chủ trì hội nghị.

Cùng dự còn có các Phó Tổng Giám đốc cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 3/2017, toàn quốc có khoảng 13,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bắt buộc (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016); 11,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

235.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng 17,6% so với cùng kỳ 2016) và 76,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỉ lệ bao phủ 82% dân số).

Cùng với đó, số thu bảo hiểm xã hội toàn ngành ước đạt 63.616 tỉ đồng (đạt 22,5% kế hoạch được giao và tăng 12.672 tỉ đồng). Trong đó: Thu bảo hiểm xã hội 43.932 tỉ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp được 2.997 tỉ đồng và thu bảo hiểm y tế được 16.687 tỉ đồng.

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác quý I/2017 - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị giao ban công tác quý I/2017 - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đáng chú ý, bên cạnh việc đôn đốc thu, phát triển đối tượng; cắt giảm thủ tục, quy trình thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Còn bảo hiểm xã hội các địa phương chủ động tham mưu cho hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cho các huyện, thị và đưa vào chỉ tiêu đánh giá thi đua của địa phương; mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện đến thôn, bản, tổ dân phố;

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng (Thuế, Kế hoạch – Đầu tư, Lao động – Thương binh và xã hội) xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động.

Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng chủ động triển khai công tác thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội; phối hợp với cơ quan Thuế tăng cường công tác quản lý, tập hợp thông tin về đơn vị, cá nhân nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng chiếm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Mặc dù số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng; song theo ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng ban Thu, một số địa phương chưa thực hiện chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng từ ngân sách năm 2016 cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, gây khó khăn cho công tác thu của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế những tháng đầu năm tăng so với cuối năm 2016…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu toàn Ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

Giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, người tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện rà soát, bàn giao sổ bảo hiểm xã hội, cho người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, các ban nghiệp vụ (thu, cấp sổ thẻ) kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động; tham mưu phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội trình phương án khoanh nợ tại các đơn vị giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn...

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, toàn Ngành cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng, tập trung vào những vấn đề nóng của Ngành như: Công tác cải cách hành chính, thực hiện giao dịch điện tử, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Vũ Thu