Trong khi đó, một công văn khác của Bộ giáo dục là công văn số 2794 ký ban hành ngày 30/6/2017 lại quy định không thu các khoản thu ngoài học phí.
Thu theo tinh thần công văn 6890
Theo công văn số 2794 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “báo cáo và thực hiện giá dịch vụ năm học 2017 – 2018”, đối với giáo dục mầm non và phổ thông cam kết không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong nhà trường.
Trường tiểu học Vĩnh Ninh (thành phố Huế) thu tiền "tự nguyện" của các phụ huynh học sinh học trái tuyến. Ảnh: TL |
Theo tinh thần của công văn này thì ngoài học phí ra sẽ không thu thêm các khoản thu nào khác.
Về vấn đề này, ông Đoàn Quý - Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Lợi (thành phố Huế) cho hay, hiện vẫn chưa nhận được công văn này nhưng có nghe chủ trương từ Sở.
“Khi đi họp tổng kết ngành thì có nghe bộ có ban hành việc ngoài thu học phí ra sẽ không có khoản nào khác.
Nhưng đồng chí Thành (Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Thành) phát biểu tại buổi tổng kết rằng nếu không có xã hội hóa thì làm sao giáo dục phát triển được nên anh Thành cho phép thu tiền ủng hộ theo tinh thần công văn 6890 của Bộ Giáo dục”, ông Quý nói.
Phụ huynh trái tuyến phải đóng hàng triệu tiền "tự nguyện xây dựng trường" |
Cũng theo Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Lợi thì số tiền nhà trường thu được từ “ủng hộ” của phụ huynh không nằm trong danh mục các loại tiền mà Bộ Giáo dục cấm thu.
“Theo công văn của Bộ thì ngoài học phí ra không được thu thêm các khoản phí khác.
Nhưng việc xã hội hóa giáo dục thì Bộ đâu có cấm. Nhờ vận động từ người dân để chung tay xây dựng giáo dục”, ông Quý thông tin.
Ông Lâm Thủy – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế cho biết, việc thu tiền “ủng hộ” của phụ huynh học sinh được dựa trên công văn số 6890 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với các trường hợp học sinh ngoại tuyến, do không thuộc vùng tuyển sinh của trường nhưng vì nhận thấy trường vẫn còn thiếu chỉ tiêu trong khi phụ huynh các em này vẫn có mong muốn cho con em mình vào học trường này nên trường sẵn sàng nhận vào.
Vận động tự nguyện nhưng tránh gây hiểu nhầm (!?)
Theo ông Thủy, việc phụ huynh không đóng tiền cũng được nhưng thực tế không có ai lại không đóng cho con mình.
Nếu trường thu các khoản ngoài học phí, phụ huynh hãy "giơ" công văn này |
Theo giải thích của ông này thì những phụ huynh có con em học ngoại tuyến không nằm trong tuyến tuyển sinh nhưng lại có nhu cầu cho con mình học tại các trường có chất lượng cao.
Bởi vậy, ít nhiều gì cũng có “ủng hộ” cho nhà trường trong việc xây dựng cơ sở vật chất.
Trong khi đó, đối với các em nội tuyến thì vốn đã nằm trong nguồn dự trù kinh phí xây dựng địa phương hỗ trợ, người dân đóng góp nên không cần phải “ủng hộ” cho nhà trường nữa.
“Họ đến xin trường cho con vào học ngoại tuyến, còn những em trong tuyến, trường phải huy động ra hết để học.
Anh ở địa bàn khác, anh vốn đã có chỗ cho con anh rồi nhưng không muốn con anh học tại địa bàn đó, anh muốn con mình về trung tâm cho thuận lợi mà trường còn chỉ tiêu vẫn còn tiếp nhận được thì anh xin vào.
Xin thì có khoản đóng góp tự nguyện thì ít nhiều gì anh cũng đóng góp.
Còn không đóng góp cũng không sao, có ai không đóng góp mà trường lại trả hồ sơ lại đâu. Nhưng qua nắm tình hình thì chẳng có ai lại không đóng góp”, ông Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, kinh phí chi cho các trường hàng năm chỉ có lương cho giáo viên, các hoạt động giáo dục, mua sắm thiết bị và tu sửa nhỏ.
Việc các trường muốn xây thêm phòng học gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
Theo tính toán của ông Thủy, mỗi phòng học cũng 500-600 triệu đồng, nếu không huy động xã hội hóa từ phụ huynh thì ngân sách hàng năm không thể làm được, số tiền chi về hàng năm chỉ vài chục triệu để tu sửa.
“Việc huy động thì ai cũng đồng ý nhưng chỉ không đồng ý vào cách nói, cách vận động từ phía giáo viên.
Chính vì vậy phụ huynh cứ tưởng đó là sự áp đặt nên cảm thấy bực mình. Chúng tôi có mời hiệu trưởng lên để làm việc để nói về cách vận động tránh việc hiểu nhầm từ phụ huynh”, ông Thủy cho hay.
Theo nội dung của công văn 6890 ban hành ngày 18/10/2010 của Bộ giáo dục có quy định đối với việc vận động, đóng góp xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh.
Giải pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp.
Trong đó quy định rõ: việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp của xã hội cho các trường phải quán triệt nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên.
Nhà trường không được coi bất kỳ hình thức đóng góp nào như là một điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được qui định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp.
Đồng thời, bên đóng góp cũng không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.
Các trường khi tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích các nguồn thu đã huy động” – công văn nêu.
Như vậy, nếu chiếu theo công văn trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà trường đã thu tiền đóng góp “tự nguyện” đối với phụ huynh học sinh trái tuyến là vi phạm khi “đặt ra điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục”.