Từ năm học 2019-2020, thực hiện Hướng dẫn số 511/SGDĐT-TCCB của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, tất cả các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn các trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông đều bắt buộc phải trực tiếp dạy đủ số tiết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cấp tiểu học dạy đủ 23 tiết; cấp trung học cơ sở đủ 19 tiết; cấp trung học phổ thông đủ 17 tiết. Việc giáo viên dạy đủ tiết theo quy định cũng là một việc rất bình thường. Có điều, ở nhiều trường học, những môn thừa giáo viên thì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cũng được phân công dạy đủ số tiết.
Trong khi đó, một số giáo viên cùng tổ chuyên môn dạy thiếu rất nhiều tiết, thậm chí có giáo viên chỉ dạy khoảng một nửa, thậm chí không đến một nửa định mức. Điều này khiến cho số lượng tiết dạy của chính giáo viên trong một tổ không cân đối, trong khi đó, lương của giáo viên dạy thiếu tiết định mức vẫn nhận đầy đủ như vậy.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã ban hành Hướng dẫn số 5593/SGDĐT-TCCB, theo đó, đối tượng tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không bắt buộc phải trực tiếp dạy đủ số tiết theo quy định như trước đây.
Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không còn bắt buộc phải dạy đủ số tiết quy định
Hướng dẫn số 5593/SGDĐT-TCCB về việc triển khai thực hiện chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, phổ thông đã hướng dẫn như sau:
“Thông tư số 19/2023/TT-BGĐT ngày 30/10/2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGĐT ngày 30/10/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, phổ thông công lập quy định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý bao gồm: hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không thuộc danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, quy định tại các thông tư trên.
Do đó, không áp dụng quy định tại điểm c, khoản 1 Điều I của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23 tháng 01 năm 2006 đối với tổ trưởng tổ phó chuyên môn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập”.
Điều này cũng đồng nghĩa các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không bắt buộc phải dạy đủ 19 tiết- nếu trường, tổ chuyên môn đó thừa giáo viên. Các tổ chuyên môn, nhà trường có thể căn cứ vào tình hình nhân sự thực tế để phân bổ, bố trí nhân sự hài hòa số tiết giữa các giáo viên với nhau.
Với hướng dẫn này, đã tránh được tình trạng tổ trưởng, tổ phó chuyên môn dạy đủ tiết nhưng các tổ viên khác trong tổ ở một số trường học mà thừa giáo viên thì chỉ dạy 2/3 hoặc hơn ½ số tiết theo định mức.
Vì thế, nhiều thầy cô giáo đang kiêm nhiệm chức vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn rất đồng tình vì nó tạo ra sự công bằng về phân công công việc ở nhiều trường học. Thực tế, những năm gần đây, khi triển khai chương trình 2018, nhiệm vụ của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn khá nặng, nhất là tổ trưởng chuyên môn.
Một tổ trưởng Ngữ văn cấp trung học cơ sở chia sẻ với người viết rằng, trường giáo viên này là trường loại III, chỉ có 9 lớp nhưng hiện có 4 giáo viên Ngữ văn. Tuy nhiên, bản thân giáo viên này mấy năm nay được phân công dạy 4 lớp (16 tiết) và kiêm nhiệm tổ trưởng (3 tiết) là vừa đủ 19 tiết theo quy định.
3 giáo viên còn lại chỉ còn có 5 lớp. Giáo viên nào kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm (4 tiết) thì dạy thêm 1 lớp Ngữ văn (4 tiết) nữa; giáo viên không chủ nhiệm thì được phân công dạy 2 lớp Ngữ văn (8-9 tiết (Ngữ văn lớp 9 chương trình 2006 có 5 tiết/tuần/lớp).
Năm học này, chương trình 2018 được áp dụng toàn bộ ở cấp trung học cơ sở thì các giáo viên còn lại trong tổ cơ bản vẫn được phân công số lớp như trước đây vì lớp học được giữ nguyên và được phân công thêm một số tiết phân môn Ngữ văn ở môn Nội dung giáo dục địa phương.
Nhưng số tiết Nội dung địa phương cũng rất ít, thành ra các thầy cô không kiêm nhiệm tổ trưởng cũng chỉ dừng lại dao động bình quân mỗi tuần 10-15 tiết/tuần. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với một số môn học khác trong trường vì giáo viên thừa nhiều.
Hướng dẫn số 5593/SGDĐT-TCCB tạo ra sự hài hòa số tiết giữa các giáo viên với nhau
Từ năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã ban hành Hướng dẫn số 511/SGDĐT-TCCB quy định: “Hằng năm, căn cứ vào quy mô phát triển, số người làm việc hiện có tại các vị trí việc làm,việc đánh giá phẩm chất, năng lực viên chức của đơn vị để phân công nhiệm vụ và bổ nhiệm chức vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cho phù hợp đúng quy định của Điều lệ nhà trường.
Việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức quản lý tại đơn vị (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ phó chuyên môn) cần thực hiện nghiêm túc theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều I của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23 tháng 01 năm 2006”.
Trong khi đó, điểm c, khoản 1 Điều I của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn: “Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền”.
Với quy định này, tất cả các tổ trưởng chuyên môn đều được phân công dạy đủ số tiết theo quy định hiện hành. Đối với cấp tiểu học là 23 tiết, cấp trung học cơ sở 19 tiết và trung học phổ thông 17 tiết/ tuần.
Lúc bấy giờ, có một số giáo viên thắc mắc vì tổ trưởng, tổ phó chỉ là chức danh kiêm nhiệm thì được hiệu trưởng giải thích tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là “cán bộ quản lý” vì được hiệu trưởng bổ nhiệm và có tiền phụ cấp chức vụ.
Vì thế, gần 6 năm học qua, tất cả các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đều được phân công dạy kịch khung- dù môn đó thừa giáo viên, một số giáo viên trong tổ chỉ dạy thiếu nhiều tiết nhưng tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vẫn phải “gương mẫu” dạy đủ số tiết theo quy định.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang ban hành Hướng dẫn số 5593/SGDĐT-TCCB đã tạo được sự đồng thuận cho nhiều nhà giáo đang kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở nhiều trường học bởi văn bản này đã tạo ra sự hài hòa về số tiết dạy giữa các giáo viên trong tổ, trong trường với nhau.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.