Áp lực dạy trường chuyên: Có giáo viên từ chối khi được phân công dạy đội tuyển

07/11/2022 06:54
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thầy cô giáo cũng chịu phải áp lực rất lớn khi dạy học sỉnh giỏi. Thực tế có không ít thầy cô giáo đã từ chối khi được phân công dạy đội tuyển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Theo dự thảo, hệ thống trường chuyên trung học phổ thông gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.

Quy định mỗi tỉnh một trường chuyên phải căn cứ vào điều kiện nguồn lực thực tế của địa phương

Dự thảo quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Văn Sơn - nguyên Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Bình Long (tỉnh Bình Phước) cho rằng quy định này phải căn cứ theo nguồn lực hiện tại của mỗi địa phương.

“Tôi cho rằng tùy hoàn cảnh từng tỉnh, tùy nhu cầu của từng địa phương, chứ không nhất thiết bắt buộc mỗi tỉnh một trường. Vì nếu mở ra mà không đảm đương được, không có nguồn nhân lực - bao gồm học sinh và các thầy cô giáo thì rất khó để duy trì và phát triển bền vững. Chưa kể, nếu có trò giỏi mà không có thầy giỏi đảm đương thì cũng là vấn đề rất lớn”, thầy Sơn nêu quan điểm.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 14/12/2022. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 14/12/2022. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đồng quan điểm với thầy Trịnh Văn Sơn, ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đắk-Glong (tỉnh Đắk Nông) cũng cho rằng nên căn cứ vào tình hình, nhu cầu của địa phương để quyết định. Ông Thành chia sẻ:

“Mô hình trường chuyên rất tốt, được coi là mẫu mực để các trường khác học tập và phấn đấu theo. Tuy nhiên, việc mỗi tỉnh một trường thì theo tôi điều này còn phụ thuộc vào tình hình thực tiễn cùng nhu cầu của mỗi địa phương”.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trong các trường này có thể có các lớp không chuyên (theo thông tư 06/2012/TT-BGDĐT). Nghĩa là học sinh các lớp không chuyên vẫn học chương trình như các trường ngoài, nhưng do các giáo viên trường chuyên giảng dạy và được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường.

Tuy nhiên, dự thảo mới của Bộ quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Nội dung này cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Theo thầy Trịnh Văn Sơn, các em học sinh lớp không chuyên về cơ bản đều là những học sinh giỏi toàn diện. Một kỳ thi thì không thể đánh giá hết năng lực của các em, nhiều em học sinh do tâm lý thi cử không tốt nên trượt cơ hội vào lớp chuyên. Việc các em được học tại các lớp không chuyên sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội để bồi dưỡng năng lực, phát triển toàn diện hơn.

“Học sinh ở lớp không chuyên được xem như là lớp nguồn cho các lớp chuyên. Rất nhiều kỳ thi có sự tham gia của học sinh lớp không chuyên và các em đều đạt giải cao, điều này phản ánh năng lực của các em lớp không chuyên”.

Do vậy, theo thầy Sơn, việc giữ hay bỏ các lớp không chuyên trong trường chuyên nên phụ thuộc vào nguồn lực của mỗi địa phương. Cụ thể:

“Theo tôi, việc bỏ các lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ là phương án phù hợp với những trường lực lượng mỏng. Còn đối với các trường có lực lượng hùng hậu thì việc bỏ đi thì sẽ gây lãng phí nhân lực.

Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta tuyển ồ ạt các lớp không chuyên, thay vào đó mỗi khối nếu có một lớp không chuyên nhằm tranh thủ nguồn lực bồi dưỡng thêm, các em giỏi toàn diện nhưng chỉ vì kém may mắn, điều này theo tôi hoàn toàn hợp lý và nhân văn”.

Là người đã có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục ở cả cương vị là giáo viên và người quản lý, nếu trường chuyên chỉ tập trung vào mũi nhọn, đào tạo học sinh theo kiểu “gà chọi” thì hệ quả sẽ rất khó lường. Theo thầy Sơn, trường chuyên cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ đào tạo học sinh toàn diện, không nên chỉ chạy theo thành tích mà không chú trọng đến giáo dục thực sự cho các em.

“Chúng ta không nên nghĩ rằng tất cả các em học ở trường chuyên đều là những học sinh xuất chúng. Mô hình trường chuyên theo tôi chỉ là hỗ trợ, đóng vai trò khích lệ, giúp các em có quyết tâm phấn đấu ngay từ nhỏ.

Chất lượng đầu ra được quyết định bằng hai yếu tố, gồm chất lượng đầu vào và quá trình giáo dục. Hàng năm vẫn có khoảng 2-3% học sinh chuyên phải về trường làng do không theo được. Do vậy vào trường chuyên nếu các em không có nỗ lực phấn đấu thì rất khó để nâng cao năng lực”, nguyên hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Bình Long chia sẻ.

Tuyển được giáo viên giỏi đã khó, giữ được giáo viên còn khó hơn

Là mô hình trường chất lượng cao, đóng vai trò đầu tàu cho địa phương cả về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đến tổ chức các hoạt động giáo dục, điều này đồng nghĩa với việc các thầy cô giáo ở trường chuyên cũng phải chịu rất nhiều áp lực.

Trường trung học phổ thông chuyên Bình Long (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Website nhà trường

Trường trung học phổ thông chuyên Bình Long (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Website nhà trường

Từng giữ vai trò ở cương vị người quản lý giáo dục chuyên, thầy Sơn cho biết, hiện ở các trường chuyên tuyển giáo viên giỏi đã khó, giữ chân được giáo viên giỏi càng khó hơn.

Hiện nay cơ chế chính sách dành cho đội ngũ cán bộ nhà giáo nhìn chung vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của các thầy cô. Mức lương hiện tại của giáo viên dạy trường chuyên cao hơn so với các trường trung học phổ thông khác, tuy nhiên theo thầy Sơn, với áp lực dạy học sinh chuyên thì mức đãi ngộ hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được.

Học sinh trường chuyên năng lực ngày càng giỏi, do vậy để dạy được học sinh, yêu cầu thầy phải thực sự giỏi, có năng lực để đảm đương. Tuy nhiên, do cơ chế chính đãi ngộ hiện nay nên rất nhiều học sinh giỏi đều không lựa chọn học sư phạm. Do đó, việc tuyển được thầy giỏi là một bài toán khó với nhiều địa phương.

Tuy nhiên, tuyển được đã khó, giữ chân giáo viên lại càng khó hơn. Hiện nhiều địa phương đã giao quyền tự chủ cho các trường, việc tuyển giáo viên dạy trường chuyên nhiều nơi không cần qua thi tuyển, do vậy cạnh tranh giữa các trường càng gay gắt.

Thầy Sơn lấy dẫn chứng đối với các tỉnh thuộc vùng trũng giáo dục - tức là tỉnh xa đô thị lớn, nhiều trường vừa tuyển được giáo viên giỏi dạy thì đã bị trường chuyên khác cạnh tranh mời gọi giáo viên ngay.

Điều này do chế độ chính sách thu hút giáo viên dạy trường chuyên, tùy vào điều kiện nguồn lực các địa phương, do đó việc thu hút được giáo viên giỏi về dạy ở các tỉnh khó khăn luôn là bài toán khó.

Ngoài ra, do công việc dạy học ở môi trường chuyên thực sự chịu áp lực rất lớn. Thầy Sơn lấy dẫn chứng đề thi luôn đổi mới, trong khi các thầy cô giáo thì ngày một già đi, việc đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi các kì thi lớn gây ra rất nhiều áp lực cho thầy cô giáo.

"Thực ra chúng ta cứ nghĩ rằng thi học sinh giỏi thì học sinh là người áp lực nhất, tuy nhiên các thầy cô giáo cũng đang phải chịu những áp lực rất lớn, từ cả kỳ vọng của gia đình, nhà trường, rồi lãnh đạo tỉnh,... và cả từ phía học sinh nữa. Thực tế có không ít thầy cô giáo đã từ chối khi được phân công dạy đội tuyển...", thầy Sơn trăn trở.

Bài toán về chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút nhân tài cho ngành giáo dục vẫn luôn là trăn trở của nhiều nhà giáo. Làm sao để thu hút người giỏi phục vụ cho giáo dục trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn?

Doãn Nhàn