Nếu có lớp thường ở trường chuyên thì cần điều chỉnh phụ cấp cho GV lớp chuyên

02/11/2022 06:54
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số thầy, cô tại trường THPT chuyên cho rằng nên có thêm phụ cấp riêng cho giáo viên dạy lớp chuyên nếu vẫn duy trì lớp không chuyên trong trường chuyên. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (trường chuyên). Về nội dung bỏ lớp không chuyên trong các trường chuyên của dự thảo, nhiều thầy, cô giáo đang giảng dạy trực tiếp tại các trường trung học phổ thông chuyên đã có ý kiến đóng góp.

Cần điều chỉnh phụ cấp cho các thầy cô dạy lớp chuyên

Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) nêu quan điểm:

“Theo quan điểm của tôi, nếu vẫn duy trì lớp không chuyên trong trường chuyên thì nên có thêm chế độ đãi ngộ dành riêng cho các giáo viên dạy lớp chuyên trong trường.

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Sinh, Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, Phú Thọ (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Sinh, Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, Phú Thọ (Ảnh: NVCC)

Theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cán bộ, giáo viên công tác tại trường trung học phổ thông chuyên được hưởng phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc, cùng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Do vậy, giáo viên trong trường chuyên dù dạy lớp chuyên hay lớp không chuyên thì đều đang được hưởng phụ cấp như nhau. Điều này chưa phù hợp với năng lực và sự cống hiến của các thầy cô đang giảng dạy lớp chuyên. Như Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), hiện tại có các giáo viên chỉ dạy lớp không chuyên, trong khi đó lại có các thầy cô vừa dạy lớp chuyên, vừa dạy cả lớp không chuyên.

Đặc thù với các lớp chuyên là ôn thi học sinh giỏi và các cuộc thi nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước nên giáo viên dạy lớp chuyên có áp lực, vất vả hơn rất nhiều so với giáo viên dạy tại các lớp không chuyên.

Vậy nên, tôi mong rằng giáo viên dạy tại lớp chuyên được hưởng thêm chế độ đãi độ riêng ngoài 70% phụ cấp mà bất kỳ giáo viên nào trong trường chuyên cũng được hưởng. Việc có thêm chế độ đãi ngộ tốt, sẽ khuyến khích các thầy cô giảng dạy tại lớp chuyên cống hiến hơn nữa để bồi dưỡng, phát hiện, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cho quốc gia.

Hiện nay, theo tôi được biết, ngoài quy định chung, một số địa phương có thêm chế độ đãi ngộ đối giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, khu vực, quốc tế. Ví dụ giáo viên trường chuyên có thành tích duy trì chất lượng cũng như số học sinh giỏi qua nhiều năm và đạt được các tiêu chí chỉ tiêu nội bộ đưa ra thì họ có thể có thêm nguồn thu nhập khác.

Tôi hi vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn quốc để những giáo viên dạy lớp chuyên có nhiều cống hiến cho cơ sở và địa phương có thể yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của trường, của tỉnh và quốc gia, không phải lo vấn đề cơm, áo, gạo, tiền nữa”.

Thầy Khánh tin rằng, việc có thêm khoản thu nhập với riêng các thầy cô dạy lớp chuyên tại trường chuyên sẽ không khiến các thầy cô dạy lớp không chuyên hay các giáo viên của trường trung học phổ thông không chuyên khác có phàn nàn gì, bởi mục tiêu nhiệm vụ và yêu cầu kết quả đạt được đối với người học của các giáo viên chuyên và không chuyên là khác nhau.

Nên có kỳ thi riêng, quyền lợi ưu đãi riêng cho học sinh trường chuyên

Về đánh giá học sinh trường chuyên, thầy Khánh nêu quan điểm: “Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học nên có bài kiểm tra đánh giá năng lực khác biệt cho học sinh chuyên so với học sinh đại trà.

Bởi học sinh chuyên học chương trình nâng cao, học sách chuyên, các kiến thức chương trình chuyên nặng hơn, thời lượng môn chuyên nhiều hơn nhưng lúc kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh vào trường đại học thì lại tương tự như các học sinh không chuyên khác.

Sẽ có câu hỏi rằng: học sinh chuyên phải dành rất nhiều thời gian học chuyên sâu, nhưng cuối cùng thì bài kiểm tra đánh giá, đầu ra cũng như học sinh khác, không có khác biệt gì".

Do vậy, nên tạo ra sự khác biệt trong đánh giá cho các học sinh lớp chuyên bằng kỳ thi sát hạch riêng gắn theo đó là những quyền lợi như ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu Việt Nam nếu đạt mức điểm sát hạch quy định, để học sinh trường chuyên thêm động lực phấn đấu.

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Nguồn: Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương)

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Nguồn: Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương)

Ngoài ra cũng nên có những quy định rõ ràng về chế độ thu hút học sinh lớp chuyên như học bổng, ưu đãi học tập...

Cũng theo thầy Khánh chia sẻ, năm nay đã bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10 nhưng chưa có sách giáo khoa và chương trình dành riêng cho các em học môn chuyên nên cũng mong Bộ Giáo dục và Đào sẽ triển khai sớm, để cho cả học sinh và giáo viên giảng dạy được thuận lợi hơn trong quá trình cung cấp kiến thức cũng như đào tạo môn chuyên - đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, theo xu thế phát triển chung của xã hội.

Học sinh của khối chuyên và không chuyên có thể hỗ trợ nhau phát triển

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu tồn tại cả mô hình lớp chuyên và không chuyên trong trường chuyên, vẫn có những ưu điểm nhất định.

Học sinh học trong trường không chỉ đơn thuần về kiến thức mà các em còn phát triển nhiều kỹ năng khác như: kỹ năng mềm, kỹ năng sống cũng như việc tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Do vậy, nếu trong trường có đa dạng các hình thức lớp (chuyên, không chuyên, chất lượng cao...) thì có thể tạo ra một trường chuyên đa dạng hơn, nhiều sắc màu hơn, góp phần tạo ra giá trị tích cực cho cả nhà trường, giáo viên và học sinh.

Nếu chỉ có riêng lớp chuyên, nhà trường sẽ tập trung để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học, tính học thuật được đẩy mạnh. Các hoạt động kỹ năng sống khác có thể sẽ bị yếu hơn. Bởi qua thực tế tôi quan sát, thì học sinh tại các lớp chất lượng cao, lớp không chuyên của trường tôi tham gia hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ rất tích cực.

Chúng ta nhìn vào tác động hai chiều sẽ thấy, hoạt động phong trào của các lớp chất lượng cao, lớp không chuyên sẽ cổ vũ học sinh lớp chuyên phát triển thêm về các kỹ năng xã hội.

Mặt khác, học sinh lớp chuyên luôn có ý chí phấn đấu học tập sẽ lan tỏa động lực học tập, khích lệ các học sinh lớp khác cố gắng học tập tốt hơn. Như vậy, việc tồn tại cả 2 lớp chuyên và không chuyên có thể giúp các em học sinh của hai nhóm lớp này hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển toàn diện", thầy Nguyễn Duy Khánh nói.

Thầy Khánh cho rằng, mô hình nào cũng có ưu, nhược điểm khác nhau nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tính toán phương án rõ ràng để học sinh luôn là ưu tiên số 1.

Dù chọn lựa tổ chức trường chuyên theo phương án nào, duy trì lớp thường hoặc bỏ thì cũng cần đánh giá trên nhiều lăng kính, cũng như phải đặt mình vào vị trí của người quản lý, người giáo viên, cả phụ huynh, học sinh và xã hội để làm sao có kế hoạch dài hơi và tối ưu nhất, hiệu quả nhất trong việc phát triển trường chuyên.

Trà My