Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (trường chuyên). Trong đó, đề xuất không tổ chức các lớp không chuyên.
Trường chuyên sẽ chỉ duy trì các lớp theo môn học thuộc chương trình phổ thông, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Thực tế, thời gian qua, việc tồn tại các lớp không chuyên trong trường chuyên đã bộc lộ nhiều tồn tại bất cập về mô hình quản lý, ngân sách đầu tư cho các trường đặc thù, mô hình này nên chấm dứt như dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý.
Ảnh minh họa - Phạm Linh |
Theo người viết, dưới đây là các nguyên nhân đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên là hoàn toàn hợp lý.
Thứ nhất, tránh lãng phí ngân sách
Trường chuyên được nhà nước ưu tiên đầu tư nguồn lực, các trường chuyên được nhà nước tài trợ, không đóng học phí.
Chưa kể, lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ làm hao tổn nguồn lực, khiến ngân sách đầu tư chưa đến đúng người thụ hưởng, lãng phí ngân sách lớn.
Hơn nữa, việc phân công giáo viên dạy cả lớp chuyên và không chuyên tạo sự chồng chéo, bất hợp lý trong việc chi trả các ưu đãi từ ngân sách nhà nước.
Quy định của Nghị định 61/2006/NĐ-CP áp dụng cho cả giáo viên dạy trong trường chuyên, không phân biệt dạy lớp nào thì đều được hưởng phụ cấp không bắt buộc phải là dạy lớp chuyên hay lớp thường.
Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 61 quy định về phụ cấp ưu đãi như sau:
“2. Mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật."
Và, tại Điều 6 quy định phụ cấp trách nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường chuyên biệt được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương tối thiểu, tương đương hiện nay 0,3 x 1,49 triệu đồng = 447.000 đồng/tháng.
Như vậy, ngoài việc lớp không chuyên trong trường chuyên được nhà nước đầu tư như lớp chuyên, giáo viên dạy cả 2 loại hình chuyên, không chuyên, thậm chí giáo viên dạy toàn bộ lớp không chuyên trong trường chuyên vẫn được hưởng đầy đủ chế độ giống như giáo viên dạy lớp chuyên là không phù hợp, dẫn đến ngân sách đầu tư, chi cho trường chuyên không đúng mục đích, lãng phí ngân sách.
Thứ hai, bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên để giáo viên và học sinh chuyên ra chuyên
Việc lẫn lộn giữa lớp chuyên, không chuyên trong trường chuyên ngoài việc bất cập về kinh phí ngân sách đầu tư, kinh phí chi trả lương, phụ cấp đặc thù mà còn khiến mô hình trường chuyên nửa vời.
Theo quan điểm người viết, trường chuyên phải ra trường chuyên, lớp chuyên phải ra lớp chuyên, giáo viên và học sinh chuyên ra chuyên thuận tiện cho công tác quản lý, phân biệt rõ ràng giữa hai loại hình.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên và học sinh thật sự là chuyên, đúng là nơi đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và là nguồn quan trọng để tham dự các kỳ thi học sinh giỏi, olympic trong nước và quốc tế.
Giáo viên vừa dạy chuyên và không chuyên khó đạt hiệu quả cao nhất, khó nghiên cứu chuyên sâu đáp ứng nhu cầu cao của học sinh chuyên.
Không còn lớp không chuyên trong trường chuyên, lúc này trường chuyên mới trở về đúng ý nghĩa, chế độ chi đúng đối tượng, tăng trách nhiệm của giáo viên và học sinh trong trường chuyên, phù hợp xu thế đào tạo trường chuyên của các nước trên thế giới.
Trả các lớp không chuyên về các trường phổ thông khác, đào tạo trường chuyên phải ra chuyên là hoàn toàn phù hợp và người viết hoàn toàn tán đồng với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mong sớm thành hiện thực.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.