Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Abbott |
Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 9 tháng 6 đăng bài viết nhan đề "Nhật muốn phá vỡ hạn chế xuất khẩu vũ khí mũi nhọn, tiếp thị tàu ngầm cho Australia chống lại Trung Quốc".
Bài viết dẫn tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore đưa tin, Nhật Bản và Australia có thể sẽ đạt được một thỏa thuận hợp tác quân sự trong tuần này, do Nhật Bản xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hoặc chế tạo tàu ngầm mới cho Australia, điều này cũng có nghĩa là Nhật Bản sẽ phá vỡ hạn chế chặt chẽ về xuất khẩu vũ khí mũi nhọn.
Ngày 11 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera và Ngoại trưởng Fumio Kishida Nhật Bản sẽ tổ chức hội đàm 2+2 vòng thứ 5 với Bộ trưởng Quốc phòng Johnston và Ngoại trưởng Bishop của Australia.
Xuất khẩu công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản là một trong những nội dung quan trọng của cuộc hội đàm, Nhật Bản có kế hoạch bán công nghệ tàu ngầm cho Australia, thậm chí có thể bán một lô tàu ngầm tàng hình hoàn toàn do Nhật Bản chế tạo.
Căn cứ vào chiến lược quốc phòng dài hạn của Australia, trong mấy năm tới, Australia sẽ từng bước thay thế 6 tàu ngầm động cơ thông thờng lớp Collins hiện có, toàn bộ chương trình dự kiến sẽ tiêu tốn 37 tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Mỹ-Australia-Nhật Bản bên lề Đối thoại Shangri-La 2014 |
Chuyên gia công nghiệp đóng tàu cho rằng, công tác thiết kế tàu ngầm mới cần thời gian khoảng 10 năm, trong khi đó, thời gian chế tạo mỗi chiếc tàu ngầm khoảng 5 năm, điều này có nghĩa là nếu Nhật Bản-Australia thực sự đạt được thỏa thuận hợp tác liên quan, trong mấy chục năm tới, hai nước sẽ tiến hành chia sẻ và giao lưu về khoa học công nghệ quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tiết lộ, theo yêu cầu của Australia, trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Johnston, Nhật Bản sẽ sắp xếp cho ông Johnston tham quan tàu ngầm Nhật Bản.
Ông Itsunori Onodera cũng nhấn mạnh, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận hợp tác quân sự, có lợi cho bảo đảm Đông Á duy trì hòa bình và ổn định.
Có nhà phân tích cho rằng, Nhật Bản ra sức tiếp thị công nghệ tàu ngầm cho Australia, một mặt là muốn phá vỡ hạn chế chặt chẽ về xuất khẩu vũ khí trong nhiều năm qua của Nhật Bản, tranh thủ đóng vai trò tích cực hơn trên vũ đài quốc tế, mặt khác là muốn hỗ trợ cho công nghiệp quân sự Nhật Bản như công nghiệp nặng Mitsubishi và công nghiệp nặng Kawasaki tiến ra thị trường vũ khí mũi nhọn cỡ lớn của thế giới.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo |
Trước đó, trong tháng 4, Thủ tướng Australia Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký kết hiệp định hợp tác thương mại và bảo đảm an ninh.
Giáo sư chính trị học quốc tế Yamamoto Takehiko, Đại học Waseda Nhật Bản cho rằng, liên minh Nhật Bản-Australia đang sơ bộ hình thành, Nhật Bản dùng công nghệ chế tạo tàu ngầm cao cấp của họ đã thu hút được sự chú ý của Australia.
Ông cho rằng, 2 đồng minh Mỹ có đường bờ biển dài này cùng với New Zealand và Ấn Độ cùng thuộc một cấu trúc bảo đảm an ninh rộng mở, mục đích chính là muốn đối kháng Trung Quốc.
Giáo sư chính trị học Koichi Nakano, Đại học Sophia Nhật Bản cho rằng, ông Shinzo Abe ra sức thúc đẩy công nghiệp quân sự, cho thấy ông muốn kết hợp giữa chấn hưng kinh tế với mở ra không gian ngoại giao.
Ông nói: "Chính quyền Shinzo Abe có lẽ hy vọng đạt được một thỏa thuận ngầm với chính quyền Abbott - cùng thuộc phái bảo thủ, tiến tới gây áp lực với Trung Quốc".
Theo bài báo, Nhật Bản cố gắng lôi kéo các nước thành viên ASEAN như tự nguyện cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines, trợ giúp hai nước đối kháng với Trung Quốc trong "tranh chấp chủ quyền Biển Đông" (thực chất là Trung Quốc nhảy vào cướp biển đảo của Việt Nam và các nước ven Biển Đông).
Tàu tuần tra cỡ lớn do Nhật Bản chế tạo |