Ở bài viết trước (Trắc nghiệm mà “cộng dồn các câu hỏi đúng” là vô nghĩa) tôi đã trình bày vắn tắt quan điểm của Jean Piaget về trắc nghiệm trí thông minh.
Trắc nghiệm trí thông minh bắt nguồn từ quan niệm coi “thông minh” (intelligent) đồng nghĩa với “lanh” hay lanh lợi, nhanh trí (smart) và như thế người ta đã coi thông minh là vấn đề của “giác quan” và do đó đương nhiên người ta không thể trắc nghiệm được “nhận thức” (cognition).
Bộ đo nghiệm Binet-Simon, bộ đo nghiệm đầu tiên của thế giới, được thiết kế để phân biệt trẻ em có trí óc bình thường và trẻ em trí óc chậm phát triển!
Sau đó, trong một thời gian dài người ta đã lạm dụng công cụ này, vì một mặt nó tiện lợi và mặt khác vào những giai đoạn đó thì Tâm lý học (nhất là tâm lý học về nhận thức và khoa học thần kinh, neuroscience) cũng chỉ mới phát triển tới trình độ ấy.
Thực ra, công cụ trắc nghiệm ngày nay vẫn được dùng trong một vài lĩnh vực, chẳng hạn trong sát hạch lấy bằng lái xe, trong tuyển quân và … trong tuyển lựa các con vật để huấn luyện cung cấp cho các rạp xiếc …
Nhưng dùng trong nhà trường thì không, và ngày nay phương pháp người ta cứ gọi một cách dễ dãi là trắc nghiệm đã được quan niệm và được thiết kế theo cách hoàn toàn khác, chí ít là ở nền giáo dục Mỹ, như bài viết này sẽ cố gắng chỉ ra.
Trắc nghiệm trí thông minh bắt nguồn từ quan niệm coi “thông minh” (intelligent) đồng nghĩa với “lanh” hay lanh lợi, nhanh trí (smart). (Ảnh: huffingtonpost.com) |
Năm 1983, Howard Gardner xuất bản cuốn "Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligence"s, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt năm 1993, "Cơ cấu trí khôn: Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn", sau đó được tái bản nhiều lần, dịch giả là nhà giáo Phạm Toàn người sáng lập nhóm Cánh Buồm).
Thuyết về nhiều dạng trí khôn của Howard Gardner đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm giáo dục:
(1) thay đổi một cách triệt để quan niệm về trí thông minh; từ đó (2) thay đổi đường lối xây dựng chương trình học;
(3) thay đổi quan niệm về nhà trường, từ bỏ nhà trường đồng phục (“uniform school, chữ của Howard Gardner) để chọn nhà trường của nhiều dạng trí khôn (school of multiple intelligences) và; (4) cuối cùng, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá người học.
Ngày 5/9/1986 Howard Gardner có một bài nói chuyện dài nhân kỷ niệm 350 năm ngày thành lập Đại học Harvard.
Trắc nghiệm mà "cộng dồn các câu hỏi đúng" là vô nghĩa |
Bài nói chuyện sau đó được in trong Harvard Educational Review, Vol. 57, No. 2, May 1987.
Trong bài nói này Howard Gardner nói đến ba cái “sính” hay “định kiến” của giáo dục: sính Tây (Westism), tức lấy phương Tây làm trung tâm (dĩ Tây vi trung), sính tinh hoa (Bestism) và sính trắc nghiệm (Testism).
Căn nguyên của ba cái “sính” này nằm ở quan niệm truyền thống ngàn đời về trí thông minh.
Truyền thống Tây phương, tạm tính từ Socrates, đề cao, đặt lên bệ thờ trí thông minh lôgic, tư duy suy lý (rationality), và cái mà người Hy Lạp cổ đại gọi là tài hùng biện, tức đề cao trí thông minh ngôn ngữ.
Điều này được thấy quá rõ ở trong nhà trường kể cả đến tận ngày nay: nhà trường đề cao và ưu tiên trí thông minh toán học và trí thông minh ngôn ngữ.
Howard Gardner gọi đó là kiểu nhà trường đồng phục (uniform school).
Người ta xây dựng một chương trình học cốt lõi (core curriculum), tức một tập hợp những kiến thức mà mọi học sinh phải biết.
Người ta dùng các công cụ đánh giá sử dụng “cây bút và tờ giấy” (thực chất là các biến thể của đo nghiệm IQ) cốt để chọn lựa những học sinh xuất sắc nhất để có thể đi tiếp vào đại học và sau này (chỉ là có thể thôi, chưa chắc) sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn những ai không qua được các “trắc nghiệm” (sính “tinh hoa”).
Cách đánh giá này quả thực cũng có lợi cho một dạng người học nào đó. Howard Gardner (bản thân là một giáo sư tại Harvard) nói rằng Harvard là một bằng chứng hùng hồn cho điều này.
Howard Gardner cho rằng điều nguy hiểm là ở chỗ người ta xưa nay vẫn tin rằng chỉ có một cách tiếp cận duy nhất cho mọi vấn đề, và đó là cách tiếp cận của tư duy lôgic-toán.
Vì lẽ đó nhà trường chỉ tập trung vào “đánh giá” những khả năng nào hay “cách tiếp cận” nào dễ dàng trắc nghiệm được (đúng/sai).
Nếu “khả năng” hoặc cách tiếp cận nào không thể trắc nghiệm được (tested) thì nói chung nhà trường cố tình bỏ qua hoặc không quan tâm (sính trắc nghiệm).
Quan điểm của Howard Gardner là phải tìm lại nguồn gốc tự nhiên của trí thông minh người. Thế nào là nguồn gốc tự nhiên?
Đó là những khả năng đặc thù người (human skills) xuất hiện và tiến hóa qua hàng nghìn năm để sản sinh ra các dạng trí thông minh khác nhau (intelligences).
Đổi mới giáo dục - gợi mở từ học thuyết nhiều dạng trí khôn |
Tức là, trong cuộc tiến hóa của mình con người đã hình thành nhiều dạng trí khôn khác nhau để giải quyết các vấn đề và nhờ đó mà loài người mới sống sót đến tận hôm nay.
Đó là cái cách mà bộ não hay hệ thần kinh đã tiến hóa. Các nghiên cứu về sự tổn thương bộ não và khoa học thần kinh đã chứng minh quan điểm trên của Howard Gardner là đúng.
Thuyết về nhiều dạng trí khôn gợi ra một số câu hỏi sư phạm:
Câu hỏi 1: Nếu, chẳng hạn, ta dạy cho một người giỏi kỹ năng A thì liệu có thể chuyển giao việc dạy ấy sang dạy cho người ấy giỏi kỹ năng B được không?
Ví dụ, giỏi toán thì có giúp giỏi âm nhạc hay không? Câu trả lời là KHÔNG. Tất cả các dạng trí thông minh đều bình đẳng và đều có quyền đòi sự ưu tiên.
Câu hỏi 2: Năng lực (competence) là gì? “Năng lực” có phải là cái ai cũng cần phải có và cần phải giỏi? Câu trả lời là KHÔNG PHẢI.
Năng lực của một người (nếu nhà trường phải là nhà trường lấy cá nhân làm trung tâm, individual-centered school, chứ không phải kiểu nhà trường đồng phục) là dạng trí khôn mạnh nhất của người ấy được phát huy tối đa.
Từ đây suy ra câu hỏi phụ (câu hỏi này dễ gây tự ái cho đại đa số): có phải ai ai cũng đều giỏi mọi thứ, biết mọi thứ, đa tài, bác học (như mẫu con người lý tưởng thời Phục Hưng – polymath).
Câu trả lời là KHÔNG. Mỗi cá nhân chỉ có thể giỏi “nhất” về một dạng trí khôn. Nói thế không có nghĩa là, giỏi toán chẳng hạn thì dốt văn và ngược lại.
Mà, giỏi hay “giỏi nhất” một thứ là trong mối tương quan giữa các dạng trí khôn khác nhau ở mỗi cá nhân.
Câu hỏi 3 (liên quan đến việc kiểm tra, thi cử): đánh giá bằng trắc nghiệm có “công bằng” không? Câu trả lời là KHÔNG.
Trắc nghiệm (đúng/sai) chỉ có tác dụng với dạng trí thông minh lôgic-toán, mà thực ra (theo Piaget) thì cũng vẫn “vô nghĩa” khi chỉ đánh giá được một cách “cơ học” mà không đánh giá được sự “nhận thức” (cognition).
Chín mươi chín cái “tích” vào câu trả lời đúng có khi không giá trị bằng một cái “tích” vào một câu trả lời sai.
Howard Gardner kết thúc bài nói bằng câu chuyện vui ông mượn từ cuốn sách xuất bản năm 1972 nhan đề “The Best and the Brightest” của nhà báo David Halberstam viết về nguồn gốc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (Thượng nghị sĩ John McCain viết Lời nói đầu cho cuốn sách này).
Nhà trắng có mời giới tinh hoa của trường đại học tinh hoa (Harvard) tới cố vấn cho Tổng thống John F. Kennedy về vấn đề Việt Nam.
Kết quả là Tổng thống Kennedy tuyên bố chiến tranh với Việt Nam! Giới tinh hoa do nhà trường sính “tinh hoa” đào tạo chỉ biết có độc một cách giải quyết!
Howard Gardner nói đến ba cái “sính” của giáo dục vào năm 1986 (thế kỷ 20). Giáo dục Việt Nam hiện đang ở năm 2017 thế kỷ 21.