Bà mẹ ở Hà Nội thừa nhận con mình không biết gì về Bà Trưng, Bà Triệu

13/12/2012 13:22
Độc giả Như Quỳnh
(GDVN) - Buồn lòng vì con, đến khi xem những clip của Báo Giáo dục Việt Nam, tôi mới nhận ra rằng, con mình đang thiếu hụt rất nhiều. Cháu hiện tại cũng đang học lớp 4, và nếu có một PV đến hỏi cháu những điều như trong clip thì cháu sẽ lúng túng không biết phải trả lời thế nào.
LTS: Trước thực tế thu được từ clip trắc nghiệm dành cho học sinh lớp 4, lớp 5 cấp tiểu học, các em không biết hoặc rất mù mờ về kiến thức lịch sử, tiếng Việt, đời sống. Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam có nhận được thư của một phụ huynh có con học lớp 4, tại Hà Nội chia sẻ về những suy nghĩ, trăn trở trong cách dạy con của mình có nhiều thiếu sót.

Một năm đôi lần tôi đưa con về quê, cho cháu hít  thở không khí trong lành. Lần đầu tiên đưa cháu về quê, đứng trước cánh đồng bạt ngàn gió. Lần đầu tiên về quê, tôi hỏi cháu:

- Con có biết chúng ta đang đứng trước nơi nào không?

- Không, mẹ ạ.

- Cánh đồng con ạ. Ở đó trồng lúa. Lúa để cho ra hạt thóc! - Tôi tận tình giải thích cho con.
- A, con biết rồi, hạt thóc chỉ để cho chim bồ câu nhà mình ăn, phải không mẹ?
Đấy, con tôi thậm chí không biết hạt thóc dùng để xát gạo nấu cơm hàng ngày. Thế mà tôi cứ nghĩ, con tôi là đứa trẻ thông minh, biết nhiều lắm khi hàng ngày cháu đều cập nhật thông tin trên internet. Thì ra, tôi đã dạy con sai hướng.

Vào dịp nghỉ hè, nhiều gia đình ở Thủ đô cho con cái trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn để chúng hiểu hơn những kiến thức đời thường và giá trị cuộc sống.
Vào dịp nghỉ hè, nhiều gia đình ở Thủ đô cho con cái trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn để chúng hiểu hơn những kiến thức đời thường và giá trị cuộc sống.
Buồn lòng vì con, đến khi xem những clip của Báo Giáo dục Việt Nam, tôi mới nhận ra rằng, con mình đang thiếu hụt rất nhiều. Cháu hiện tại cũng đang học lớp 4, và nếu có một PV đến hỏi cháu những điều như trong clip thì cháu sẽ lúng túng không biết phải trả lời thế nào.

Con tôi không biết bánh chưng được gói bằng lá dong, càng không thể biết con trâu, con bò khác nhau như thế nào? Nếu hỏi con kể tên 5 vị anh hùng dân tộc thì chắc chắn con sẽ ấp úng, nhưng nếu bảo con kể tên 5 anh em siêu nhân thì con sẽ kể vanh vách. Đó là chưa kể, những kiến thức về lịch sử như bà Triệu đánh giặc gì, Hai Bà Trưng đánh giặc gì, con tôi càng không biết. 
Tôi luẩn quẩn bởi câu hỏi: Vì đâu nên nỗi này? Lỗi tại ai?
Ngẫm lại bản thân mình, tôi chỉ có một cậu con trai, vì thế quý cháu như cục vàng. Tôi cũng coi công việc làm mẹ là nghề nghiệp chính của mình, ngoài thời gian ở công sở tôi giành hết cho gia đình. Sáng tôi đưa con đi học, chiều đưa cháu về nhà, tẩm bổ cho con mọi đồ ăn ngon, tối thì dạy cho con học bài. 
Tôi nâng niu con từ "chân tơ kẽ tóc", cho con ăn ngon mặc đẹp, học ở trường cao cấp. Ngay từ khi cháu còn nhỏ, tôi đã luôn sợ cháu ốm nên không cho con nghịch đất, không cho ra gió, tắm nắng, không để con tự sang đường, ngoài giờ ở trường cũng nhốt chặt con trong nhà vì sợ... bị bắt cóc. Sân chơi không có nên những thứ cháu biết về cuộc sống chỉ là sách vở và Internet.

Đã nhiều lần tôi với mẹ chồng bất đồng vì cách dạy con khác nhau. Mẹ bảo: "Thằng bố nó đẻ rơi, đẻ vãi, lớn lên ngoài cánh đồng, quanh năm chăn trâu, cắt cỏ nên bây giờ mới to khỏe như vậy. Ai như con nó bây giờ, được nuôi như gà công nghiệp".
Tôi không để tâm lời mẹ nói, mỗi thời đại sẽ có cách giáo khúc khác nhau mà. Thấy con đầy đủ về vật chất, sống trong môi trường an toàn nên tôi nghĩ, mình đã mang lại điều tốt nhất cho con, tin cách giáo dục con của mình là đúng đắn.
Không những quá chiều con, tôi còn luôn cứng nhắc. Khi con hư thì tôi dọa đánh, khi con không nghe lời tôi cũng dọa đánh, không ăn cũng dọa đánh. Ngoài giờ đi học, đi chơi cùng gia đình thì hầu hết thời gian còn lại hầu hết cháu bị giới hạn sau cánh cửa gia đình với những phương tiện công nghệ. Có những hôm đổi gió tôi đưa con đi đến siêu thị, công viên. Tôi không biết rằng, việc này sẽ khiến con tôi dần xa cách, chỉ thích làm bạn với sách vở, tivi, điện tử dần dần đâm ra lì lợm, ít nói. Mỗi dịp nghỉ hè, tôi có thêm nhiều nỗi lo cho con mình, rằng con sẽ chơi ở đâu? Bởi ở Hà Nội, tôi không tìm kiếm nổi chỗ chơi cho con nên lại nhốt con ở nhà cho an toàn. 
 
Thì ra con tôi đang bị “nhốt” trong sự vô tâm của người lớn. Để lại hậu quả của cách dạy con của tôi là bây giờ, cháu đã học lớp 4 nhưng tôi vẫn phải nhắc nhở con từng tý một vì cháu không biết gì cả, ngu ngơ như... gà công nghiệp.

Việc học ở trường của con khá nặng nề và cứng nhắc. Hàng ngày, cháu phải vác trên vai một cặp nặng đựng sách giáo khoa, trong đó có những bài học lịch sử mà đến chính tôi cũng không thể tiếp thu được. Những buổi thực tế, những bài học kỹ năng mềm, cách cư xử sao cho văn hóa, văn minh cháu đều rất ít tiếp xúc. Ngoài học chính hai buổi ở trường, một tuần có đến ba buổi cô giáo chủ nhiệm tổ chức lớp học thêm ở nhà cháu cũng theo học. 
Tôi cũng chỉ biết giao phó con cho nhà trường. Một ngày con tôi ở trường 10 tiếng đồng hồ, còn lại thời gian ở nhà với cha mẹ chủ yếu là ăn, ngủ, nghỉ. Chưa kể, ngày nào con tôi cũng dán mắt vào ti vi và máy tính, nhốt mình trong phòng riêng, ít trò chuyện với bố mẹ, ông bà. 

Thì ra, những người lớn như tôi và thầy cô đều có lỗi trong cách giáo dục con. Bây giờ, tôi lại bắt tay dạy lại cháu, từ chuyện cai truyện tranh, cai game đến chuyện làm thế nào để cháu thích đọc sách, tuy khó khăn bởi tờ giấy trắng đã bị chính người lớn vẽ lên những nét không đẹp nhưng cũng chưa phải là muộn màng.
Báo Giáo dục Việt Nam thực hiện loạt clip trắc nghiệm kiến thức học sinh tiểu học tại Thủ đô nhằm giúp độc giả có thêm một góc nhìn mới về việc nuôi dạy con của nhiều gia đình, nhà trường. Trân trọng kính mời độc giả gửi những clip, bài văn, bài sử... hài hước về Báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi yếu kém và lạc hậu

Giáo viên đánh học sinh gây mầm mống tội ác

Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày 20/11

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Như Quỳnh