Bác sĩ lo ngại khi trường ĐH ồ ạt mở ngành y, xét tuyển tổ hợp "lạ"

26/05/2023 09:13
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đưa môn Văn vào xét tuyển phải chăng chỉ để gia tăng tính cạnh tranh của một số trường đại học chưa có bề dày đào tạo ngành Y khoa?

Vừa qua, có 04 trường đại học ở Việt Nam đã gây bất ngờ trong mùa tuyển sinh đại học 2023 khi thông báo dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển ngành Y khoa gồm Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường Đại học Tân Tạo (Long An) và Trường Đại học Duy Tân.

Trước vấn đề trên, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Theo thầy Công, nhìn vào thực tế tại nhiều nước trên thế giới, việc tuyển chọn người học vào học bác sỹ rất gắt gao, thậm chí, ở nhiều nước, để vào học ngành y, người học bắt buộc phải có bằng đại học ở các môn khoa học với điểm số xuất sắc. Một số nước khác còn sử dụng các bài thi gồm nhiều nội dung: năng khiếu, kĩ năng; khoa học ứng dụng, viết…

Thạc sĩ Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội) (Ảnh: NVCC).

Thạc sĩ Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội) (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, các trường đại học đưa môn Văn vào xét tuyển mới đây ở nước hầu hết là chưa có bề dày đào tạo ngành Y khoa được như Trường Đại học Y Hà Nội hay Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Vậy nên, mặc dù học sinh học giỏi môn Văn cũng có thể có tư duy và lập luận sắc bén - là một đặc tính tốt của bác sỹ, nhưng rất có thể sức hút của các trường này chưa đủ để kéo được các học sinh giỏi Văn mà chỉ được các thí sinh có năng lực đều ở tầm trung của các môn học. Từ đó, có thể dẫn đến các kiến thức, kỹ năng,…dù trên phương diện khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên cũng thiếu hụt, gây ra khó khăn trong đào tạo và khó đảm bảo được chất lượng đầu ra.

Mặt khác, nhiều học sinh học giỏi Văn thường là các học sinh với nhiều mơ mộng, tâm hồn bay bổng… các em sẽ lựa chọn các ngành học khác thay vì vào ngành y, một ngành học đầy rẫy những thực tế với nhiều khó khăn, vất vả trong một khoảng thời gian rất dài.

Nếu lựa chọn môn Văn để xét tuyển, các thí sinh thực sự giỏi Văn sẽ không vào ngành y. Và nếu các thí sinh có trình độ không giỏi, chỉ ở mức độ trung bình sẽ dẫn tới khó khăn trong đào tạo, khó khăn trong chính quá trình học của các em vì “học y không phải trò đùa” - các em phải đánh đổi thời gian, sức khỏe, thanh xuân… trong một khoảng thời gian dài, đối mặt với khó khăn, gian khổ mà chưa chắc các em đã theo được đến cuối con đường.

Thậm chí, nếu các em hoàn thành chương trình học có thể để lại hệ lụy là đào tạo ra các bác sỹ chuyên môn không cao và ảnh hưởng đến ngành y.

“Môn Văn là một môn học quan trọng, cần có cho bất kì ngành nghề nào nhưng ngành Y có những tiêu chuẩn cốt lõi riêng liên quan đến kiến thức khoa học tự nhiên, toán học, logic và tâm lí. Đưa môn Văn vào xét tuyển chỉ là một hình thức gia tăng tính cạnh tranh của một số trường chưa có bề dày thành tích đào tạo Y khoa mà thôi.

Và việc tuyển sinh không dựa trên những kiến thức cốt lõi thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến một số hệ lụy khôn lường”, thầy Công nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y khoa bởi xã hội đòi hỏi ngày càng cao với bác sĩ, ngoài chuyên môn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, chia sẻ, thầy Công bày tỏ quan điểm:

“Vậy phải chăng các bác sỹ không thi môn Văn sẽ có thái độ không tốt, không có khả năng lắng nghe và chia sẻ? Hay các bác sỹ đầu vào bằng môn Văn sẽ có thái độ tốt, có khả năng lắng nghe và chia sẻ tốt hơn? Có lẽ việc trả lời câu hỏi này cũng đã thấy được vấn đề đặt ra.

Thái độ, khả năng lắng nghe và chia sẻ tốt không chỉ đến từ môn Văn mà đến từ tính cách của mỗi con người. Tính cách này được hình thành từ sự tổng hòa nhiều yếu tố chứ không phải chỉ mỗi môn Văn.

Do vậy, để có yếu tố này, theo quan điểm của tôi, hãy tạo điều kiện tốt cho các bác sỹ làm việc, tránh để họ rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức, áp lực kéo dài, công việc quá nhiều và … có một chế độ đãi ngộ tốt”.

Thầy Công cho rằng, một phần môn Văn có thể được đưa vào bài thi tuyển trong trường hợp các bài thi đánh giá năng lực tư duy toán, năng lực tư duy khoa học, năng lực giải quyết vấn đề và bài thi viết. Môn Văn chỉ có thể là 1 phần bổ trợ thêm để đánh giá, không thể thay thế cho các kiến thức và năng lực cốt lõi cho ngành.

Cũng theo thầy Công, các nghề thuộc lĩnh vực y nói chung và nghề bác sỹ nói riêng đòi hỏi các cá nhân có kiến thức uyên bác về khoa học sức khỏe và các lĩnh vực liên quan, có tư duy logic, có khả năng chịu đựng áp lực lớn, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần tốt và có khả năng ra quyết định đúng lúc và đúng thời điểm, đặt tính mạng người bệnh lên hàng đầu và có tinh thần “lương y như từ mẫu”.

Không những vậy, người học muốn xét tuyển vào ngành y cần có sức khỏe tốt, kiến thức về khoa học tự nhiên, các kĩ năng giải quyết tình huống, kĩ năng làm việc độc lập, kĩ năng làm việc nhóm, khả năng chịu đựng áp lực và có tinh thần cứu giúp người bệnh.

Đặc biệt trong đó, môn Sinh học là một thành phần trong các môn khoa học tự nhiên, giúp đánh giá thí sinh những kiến thức, hiểu biết về thế giới sống nói chung và con người nói riêng, nó là tiền đề, là nền tảng để xây dựng các kiến thức chuyên sâu hơn trong đào tạo y khoa như giải phẫu, sinh lí, kí sinh trùng, phôi, … nếu có nền tảng tốt về môn Sinh thì việc học y sẽ trở nên dễ dàng hơn.

“Thông thường, khi nói đến thi tuyển vào ngành Y khoa, người ta vẫn thường nhắc đến tổ hợp truyền thống từ bao năm nay là khối B00 gồm Toán, Hóa, Sinh. Trong đó, môn Toán cung cấp cho người học một công cụ quan trọng trong tư duy, tính logic, khả năng suy luận, phán đoán… Môn Hóa và môn Sinh cung cấp kiến thức nền về khoa học tự nhiên từ đó có thể đi sâu vào các khía cạnh liên quan đến nghề y ở 2 môn học này.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, một số cơ sở đào tạo chọn thêm tổ hợp D07 (Toán, Hóa, Anh) hay D08 (Toán, Sinh, Anh), việc coi trọng môn tiếng Anh như một công cụ cho phép người học tiếp cận với các nguồn tài liệu tiếng Anh”, thầy Công nói thêm.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Đức Cảnh, công tác tại Bệnh viện K cơ sở 1 cho rằng, việc cho môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa như vậy là không hợp lý bởi không nên lấy môn Văn để đánh giá năng lực của thí sinh vào ngành y sánh ngang với các môn học trong tổ hợp truyền thống vào ngành y là Hóa học, Sinh học, Toán học.

“Có thể cho môn Văn vào làm môn phụ để sàng lọc thí sinh khi điểm các môn học như Toán, Hóa, Sinh theo tổ hợp vào ngành y của các em đang bằng điểm nhau chứ không nên đưa vào trong trong tổ xét tuyển như vậy”, bác sĩ Cảnh nói.

Bác sĩ Trần Đức Cảnh (ở giữa), công tác tại Bệnh viện K Trung ương, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nội soi chẩn đoán và can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa (Ảnh: drcanh.vn).

Bác sĩ Trần Đức Cảnh (ở giữa), công tác tại Bệnh viện K Trung ương, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nội soi chẩn đoán và can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa (Ảnh: drcanh.vn).

Theo bác sĩ Cảnh, những học sinh học tốt môn Văn giúp các em có thể tự tin trong giao tiếp, ứng xử, hay làm các bài báo nghiên cứu khoa học,...

Tuy nhiên, môn Văn không phải là môn học chính đối với kiến thức ngành y mà kiến thức ngành y chủ yếu cũng đến từ nền tảng từ 2 môn chủ đạo là Sinh học và Hóa học và các nghiên cứu khoa học của ngành y cũng rất khác so với Văn học. Không những vậy, ngành y cũng là ngành học đòi hỏi sự logic, lập luận trong vấn đề chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân nên việc dùng môn Toán để xét tuyển là phù hợp.

Bên cạnh đó, thường những bạn thích học môn Sinh, yêu thích những vấn đề liên quan đến di truyền, lai, sức khỏe con người,… mới đam mê, khao khát theo ngành y nhiều hơn, còn những bạn học giỏi hay thích học Văn cũng thường lựa chọn theo hướng khác.

Hơn nữa, trong thực tế, các bạn thiên hướng theo khối khoa học tự nhiên cũng thường có tính cách mạnh mẽ hơn so với các bạn yêu thích môn Văn hay có tính cách mơ mộng, bay bổng. Và tính cách mạnh mẽ rất quan trọng đối với một bác sĩ, đặc biệt là khi làm học hay làm giải phẫu là việc làm trực tiếp trên xác con người.

Ngoài ra, việc một bác sĩ có thể lắng nghe chia sẻ với bệnh nhân đó là vấn đề liên quan đến tính chất giáo dục nhân cách con người. Khi học tại trường y vẫn luôn có những môn về đạo đức y khoa, tâm lý học,… dành riêng cho bác sĩ để lắng nghe những vấn đề của bệnh nhân nên không phải chỉ có các bạn giỏi Văn mới là biết lắng nghe, cảm thông với người khác.

Cũng theo bác sĩ Cảnh, không những ở tổ hợp xét tuyển, việc quá nhiều trường đại học hiện nay mở ra ngành y, việc xét tuyển tràn lan, đưa ra những tiêu chí xét tuyển không hợp lý và có thể quy chuẩn về đào tạo không biết có bị thay đổi hay không đang là vấn đề báo động lớn.

Tường San