Hiện nay, hầu hết tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống đều có sự liên quan và chịu sự tác động của công nghệ thông tin. Ngành Công nghệ thông tin đang là ngành hot được nhiều bạn trẻ ưu tiên lựa chọn.
Ngành Tâm lý học là ngành học đã ra đời từ lâu, từng có thời điểm nó là "ngành hot" với các bạn trẻ. Vậy ở thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, tâm lý học có bị giảm sức hút trong thị trường lao động?
Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia để hiểu rõ hơn về ngành này và cơ hội việc làm thực tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam (chuyên gia về tâm lý học, thành viên Hiệp hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) cho hay, trong thời đại công nghệ 4.0, mảng lập trình viên cũng có thể được ChatGPT thay thế 46-50%. Trong khi đó những ngành nghề liên quan đến sáng tạo, như ngành Tâm lý học thì rô bốt chỉ thay thế được 4%.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam (Ảnh: ĐHGD- ĐHQGHN) |
Tiến sĩ Nam đánh giá, ngành Tâm lý học rất khó để trí thông minh nhân tạo thay thế. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, nhiều người quan tâm đến tâm lý sức khỏe tinh thần nhiều hơn, nên lĩnh vực về tâm lý đang ngày càng có nhu cầu cao.
"Để kiểm tra xem rô bốt có thể thay thế công việc của bạn hay không, bạn vào đường link willrobotcheckmyjob (liệu rằng rô bốt có thể thay thế nghề của tôi được không)", Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ.
"Trong tương lai, ngành Tâm lý học là ngành có rất nhiều tiềm năng, tác đến nhiều lĩnh vực đời sống. Ví dụ như trong việc bán hàng, tâm lý học lâm sàng... thậm chí thủ đoạn lừa đảo trên mạng, điện thoại vừa qua, kẻ xấu cũng sử dụng quy luật tâm lý.
Ngành Tâm lý học có quy mô rất rộng, đó có thể là tâm lý học xã học, nó nghiên cứu về tâm lý đám đông, thị hiếu... hoặc các quy luật của xã hội lên cao trào xong biến đổi ra sao. Hay như Tâm lý quản trị kinh doanh để tạo động lực cho người lao động làm việc hiệu quả; Tâm lý học tội phạm cũng liên quan đến việc hỏi cung...
Trong kỷ nguyên số, ngành nào cũng sẽ liên quan đến công nghệ thông tin, bởi vậy có kiến thức tâm lý sẽ giúp cho bạn có tư duy phản biện, sáng tạo tốt hơn", Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ.
Tiến sỹ Bùi Hồng Quân (giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, ngành Tâm lý học chưa bao giờ hết "hot", bởi vì các vấn đề tâm lý nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng trong bối cảnh cuộc sống hiện đại phải chịu áp lực càng nhiều.
"Vai trò, vị trí của những người làm chuyên môn về tâm lý càng ngày càng nhiều hơn", thầy Quân nhận định.
Chia sẻ về việc đào tạo ngành Tâm lý học, Tiến sỹ Bùi Hồng Quân cho biết, ngành học này được xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và tính giá trị.
Hình ảnh minh họa. (Ảnh: ĐHVL) |
"Chương trình đào tạo đều được tham khảo chương trình các nước trên thế giới và phù hợp với người học Việt Nam. Bởi vậy, chương trình học cũng không có gì là quá khó", Tiến sỹ Quân nói.
Vị này cho biết, do liên quan đến đời sống tinh thần càng nhiều nên cơ hội việc làm của ngành học này rất rộng mở. Tuy nhiên, nó sẽ khác với ngành khác, nên người học nếu chỉ học "cho có, cho xong" thì khó có sự hiệu quả. Người học cần sự nghiêm túc đầu tư và dành thời gian để học tập, trải nghiệm, lúc đó các bạn sẽ có được kinh nghiệm phục vụ cho công việc.
"Ngành tâm lý học có thể được ứng dụng trong việc tổ chức nhân sự cho các tổ chức, doanh nghiệp, hay truyền thông - marketing, làm tư vấn trong các nhà trường hoặc nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu...", thầy Quân cho hay.
Tiến sĩ Quân nhấn mạnh thêm rằng, tỉ lệ sinh viên ngành Tâm lý học của nhà trường tốt nghiệp làm đúng chuyên ngành chiếm tỷ lệ khá cao.
Vì vậy, các em học sinh yêu thích, mong muốn theo học ngành Tâm lý học ở các trường đại học hoàn toàn có thể yên tâm về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Quan trọng là chính các bạn học sinh có mong muốn, đam mê được theo đuổi ngành học này.