Bài viết của tác giả Nhật Khoa cần được nghiên cứu thấu đáo

18/01/2021 07:11
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu tăng tiết dạy cho giáo viên bậc phổ thông để có cơ sở tăng lương trong thời gian tới.

Ngày 14/1/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường” của tác giả Nhật Khoa nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của bạn đọc.

Hầu hết bạn đọc cho rằng, nếu giáo viên làm việc 8 giờ/ngày ở trường học là không phù hợp bởi những lí do như: không có thời gian dành cho chuyên môn và các hoạt động bổ trợ chuyên môn, giáo dục học sinh; giảng bài liên tục cả ngày thì không chịu nổi; ở vùng cao, thầy cô phải bỏ thời gian vận động học sinh đi học…

Dĩ nhiên, những ý kiến phản biện của bạn đọc – đa phần là giáo viên, đều có lí có tình và ai cũng thấy rằng, nghề giáo hiện nay là một nghề nặng nhọc, vất vả, trách nhiệm lại lớn nhưng nhận về đồng lương chưa tương xứng, vì thế tăng thời gian làm việc là bất khả thi.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kĩ, thấu đáo vấn đề thì bài viết của tác giả Nhật Khoa rất cần được các cấp có thẩm quyền quan tâm, nghiên cứu để có phương án bố trí thời gian làm việc của giáo viên sao cho hợp lí, từ đó mới có cơ sở tăng lương một cách thuyết phục.

Cần nghiên cứu tăng thời gian làm việc giáo viên bậc phổ thông để có cơ sở tăng lương trong thời gian tới. (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Cần nghiên cứu tăng thời gian làm việc giáo viên bậc phổ thông để có cơ sở tăng lương trong thời gian tới. (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Cần tăng thời gian làm việc thế nào cho hợp lí?

Hiện nay, giáo viên bậc tiểu học đa phần dạy cả ngày nên chúng tôi chỉ bàn đến thời gian làm việc của giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cụ thể, giáo viên bậc trung học cơ sở phải dạy 19 tiết/tuần và giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.

Ở các tỉnh thành thành khác, chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu, nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung giáo viên bậc phổ thông được sắp thời khóa biểu khá gọn gàng, khoa học, hợp lí nên thầy cô chỉ dạy (và làm công tác chủ nhiệm nếu có) khoảng 3 ngày/tuần là xong nhiệm vụ.

Đồng nghiệp của chúng tôi đa phần đều có thời gian thỉnh giảng ở các trường tư thục, trung tâm bồi dưỡng văn hóa hoặc làm thêm nghề “tay trái” khác nhưng cuối kì, cuối năm vẫn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vậy nên, theo ý kiến cá nhân người viết cần tăng tiết dạy cho giáo viên ở cả hai bậc học này thêm 9 tiết/tuần (tương đương 1 ngày công làm việc). Như thế giáo viên bậc trung học cơ sở sẽ dạy 28 tiết/tuần và giáo viên bậc trung học phổ thông dạy 26 tiết/tuần (kể cả kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm).

Cụ thể, lúc này giáo viên làm việc khoảng 4 ngày/tuần – vẫn còn 2 ngày dành cho các hoạt động chuyên môn và bổ trợ chuyên môn là tương đối hợp lí.

Điều đáng nói là, thời gian làm việc của giáo viên tăng lên 1/3 nên mức lương phải được tăng theo sao cho hợp lí – có thể tăng lương gấp rưỡi (theo hệ số lương) trên tổng số tiết tăng (xem như làm việc tăng ca).

Một vài giải pháp đề xuất

Muốn tăng thời gian làm việc cho giáo viên như đã đề cập ở trên thì các cấp lãnh đạo cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất, cơ sở giáo dục cần thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế và hạn chế tối đa tuyển dụng mới viên chức. Khi đó, giáo viên ngoài tiết dạy chuẩn theo quy định sẽ dạy thêm tiết vượt định mức tùy theo nhu cầu của mỗi trường.

Việc làm này tuy có khó nhưng không phải không thực hiện được bởi hai lí do: thứ nhất, hầu như đơn vị nào cũng tồn tại một lượng không nhỏ giáo viên yếu kém chuyên môn, nghiệp vụ; thứ hai, giáo viên được tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 sẽ không còn biên chế suốt đời (ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng).

Thứ hai, hiệu phó chuyên môn cần sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên thật gọn, khoa học, tránh dàn trải tiết dạy cả tuần như nhiều trường đang làm hiện nay – khiến giáo viên rất bức xúc.

Một hiệu phó chuyên môn (xin không nêu tên) ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, trường thầy có quy mô hơn 2000 học sinh và 100 giáo viên nhưng mỗi thầy cô chỉ đến trường tối đa 3 ngày/tuần. Thầy cũng cho biết, việc việc xếp thời khóa biểu như thế này không hề khó, chỉ cần lãnh đạo có cái tâm và chịu khó một chút là được.

Thứ ba, việc tăng tiết dạy cho giáo viên hiện nay là hoàn toàn khả thi, bởi cách kiểm tra đánh giá học sinh và quy định về hồ sơ sổ sách giáo viên cũng được giảm tải nhiều.

Cụ thể, học sinh chỉ còn các cột điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì (bỏ kiểm tra 1 tiết); giáo viên còn lại 4 loại sổ “Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)”.

Cùng với đó, cần số hóa hồ sơ sổ sách như Sổ ghi điểm cá nhân; Sổ gọi tên và ghi điểm; học bạ… giáo viên chỉ cần một thao tác kí tên là xong.

Thứ tư, cần giảm tải các cuộc họp ở cấp tổ, cấp trường – thay vào đó là làm việc qua mail, online (trực tuyến).

Tôi cho rằng, tổ chuyên môn và hội đồng sư phạm chỉ cần họp 5 lần/năm học: đầu năm mới; giữa học kì 1; cuối học kì 1; giữa học kì 2; cuối năm (hoặc cũng có thể hơn một chút) là cơ bản giải quyết hết các công việc ở nhà trường.

Hiện tại, giáo viên phải họp tổ chuyên môn 2 lần/tháng; họp chủ nhiệm (với giáo viên chủ nhiệm); họp hội đồng sư phạm 1 lần/tháng và nhiều cuộc họp khác dẫn đến quá tải. Họp hành là cần thiết, nhưng các cuộc họp phải có chất lượng, làm sao để chuyên môn nhà trường ngày càng đi lên mới là điều thiết thực nhất.

Thứ năm, giáo viên cần thay đổi triệt để phương pháp giảng dạy truyền thống kiểu thầy giảng trò nghe, rồi thầy đọc trò chép, kể cả chiếu chép.

Thay vào đó, giáo viên phải cho học sinh hoạt động nhiều, nghĩa là các em phải làm chủ trong việc tìm tòi kiến thức – giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ. Như thế, người thầy cũng không phải mất quá nhiều sức để có thể dạy cả ngày 8, 9 tiết.

Qua bài viết, tác giả rất mong bạn đọc quan tâm thảo luận để góp thêm một tiếng nói cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành liên quan, cốt làm sao phát huy được chất xám của giáo viên một cách hiệu quả nhất, đồng thời người thầy được tăng thêm một khoản thu nhập so với đồng lương rất eo hẹp hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/rat-nhieu-giao-vien-pho-thong-lam-viec-khong-du-8-gio-ngay-tai-truong-post214383.gd

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-bo-nhieu-ho-so-so-sach-nhung-ban-giam-hieu-van-bat-giao-vien-phai-lam-sao-post213892.gd

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-buc-xuc-voi-so-sanh-vien-chuc-lam-8-tieng-ngay-post214912.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên