Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay đã hoạt động đúng vai trò?

20/08/2022 06:49
DIỆU ANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại diện cha mẹ học sinh là thành phần không thể thiếu trong Hội đồng trường, tổ chức quản trị nhà trường, là cầu nối giữa phụ huynh với trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay có hoạt động đúng vai trò?

Thông qua phản ánh của phụ huynh cũng như những bài viết trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng: việc bầu ra ban đại diện cha mẹ học sinh chủ yếu để tập trung vào quản lý các khoản đóng góp như quỹ lớp, tài trợ cho lớp, nhà trường.

Thậm chí có ý kiến phản ánh, Ban đại diện cha mẹ học sinh giúp nhà trường huy động các khoản đóng góp, tài trợ một cách hợp pháp.

Không chỉ vậy, trong các buổi họp phụ huynh đầu năm, rất ít phụ huynh chủ động tự ứng cử để vào Ban đại diện, nhiều trường hợp miễn cưỡng nhận nhiệm vụ nên hiệu quả hoạt động không cao.

Những việc đó, làm mất đi ý nghĩa của việc bầu chọn, thành lập và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh là "cánh tay nối dài" của nhà trường (Ảnh: Diệu Anh)

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh là "cánh tay nối dài" của nhà trường (Ảnh: Diệu Anh)

Điều lệ trường học quy định rõ: Đại diện cha mẹ học sinh là thành phần không thể thiếu trong Hội đồng trường - Một tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, cùng chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường.

Chung tay huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục, phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngày 22/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 55 để giúp Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, thiết thực.

Đây là bước ngoặt trong công tác phối hợp giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với giáo viên, nhà trường để góp phần cho sự phát triển của ngành giáo dục.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, Hiệu trưởng một trường ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh đóng vai trò cầu nối quan trọng để giáo viên, nhà trường có thể sát sao việc học tập của học sinh cũng như việc các em có vướng mắc, khó khăn ở đâu để kịp thời có biện pháp.

Các hoạt động như liên hoan, ngoại khoá của lớp cũng nhờ có sự chung tay của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà được tổ chức trọn vẹn hơn.

Khi được hỏi về việc có ý kiến: Ban đại diện cha mẹ học sinh giúp nhà trường huy động các khoản đóng góp, tài trợ một cách hợp pháp, Hiệu trưởng này cho rằng đa số các ý kiến phản hồi như vậy đều xuất phát từ việc tập thể lớp chưa thống nhất được 100% sự ủng hộ của phụ huynh.

Còn theo cô giáo Lê Thị Thuý, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (huyện An Lão, Hải Phòng) cho biết, nếu hoạt động đúng chức năng và nhiệm vụ trong Điều lệ trường học, Thông tư 55 quy định thì sự phối hợp của Ban đại diện cha mẹ học sinh với giáo viên, nhà trường sẽ mang lại hiệu quả cao.

Nhiều năm qua, tại Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện, Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp và của nhà trường luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với giáo viên và nhà trường trong việc giáo dục con em.

Theo đó, học sinh nhà trường thực hiện nội quy nghiêm túc, thường xuyên đối thoại với phụ huynh trong vấn đề nuôi dưỡng, giáo dục con em.

Chia sẻ quan điểm về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, anh Nguyễn Tiến Đức (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng, nếu không có cầu nối là Ban đại diện cha mẹ học sinh thì gánh nặng về các hoạt động ngoại khoá, liên hoan sẽ dồn lên giáo viên chủ nhiệm.

"Ở trường học, nhiệm vụ quan trọng nhất là học tập và giáo viên phải dành phần lớn thời gian để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ban đại diện thực chất là công việc hỗ trợ các thầy, cô giáo, hỗ trợ chính các con để các con có những hoạt động liên quan đến học tập một cách tốt nhất.

Cá nhân tôi cảm thấy nếu có ý kiến gì trong hoạt động của Ban đại diện, hay có ý kiến với thầy cô thì bậc phụ huynh có thể góp ý thẳng thắn tại các cuộc họp chứ không nên để sự việc ầm ĩ trên mạng xã hội. Mục tiêu quan trọng nhất là các con vừa học tập tốt vừa vui vẻ!" Anh Đức chia sẻ.

Làm sao để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả?

Để Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể hoạt động đúng với trách nhiệm có hiệu quả, cô Phạm Thị Thanh An – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (huyện An Lão, Hải Phòng) nêu quan điểm, Thông tư 55 cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung như quy định rõ hồ sơ cần có của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.

Thực tế hiện nay, hồ sơ của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa đồng nhất gây khó khăn khi có đoàn thanh, kiểm tra nên thủ tục hồ sơ cần đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý.

Bên cạnh đó, cần bổ sung chế độ chi kinh phí cho các phụ huynh tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường, của lớp.

Nếu hoạt động đúng chức năng và nhiệm vụ như quy định thì sự phối hợp của Ban đại diện cha mẹ học sinh với giáo viên, nhà trường sẽ mang lại hiệu quả cao (Ảnh minh hoạ: Diệu Anh)

Nếu hoạt động đúng chức năng và nhiệm vụ như quy định thì sự phối hợp của Ban đại diện cha mẹ học sinh với giáo viên, nhà trường sẽ mang lại hiệu quả cao (Ảnh minh hoạ: Diệu Anh)

Vì thực thế, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã phối hợp với giáo viên, nhà trường thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả mà mất nhiều thời gian, công sức nhưng chưa có chế độ chi kinh phí để động viên khích lệ họ tích cực hơn.

Tại Trường Tiểu học Quang Trung, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích cho học sinh như giáo dục đạo đức, hoạt động ngoại khóa.

Đồng thời, thường xuyên khuyến khích, giúp đỡ học sinh yếu kém, trò có hoàn cảnh khó khăn và khích lệ học sinh giỏi.

Ban đại diện cha mẹ học sinh còn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giáo dục tới cha mẹ học sinh toàn trường để nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục con em.

Ngoài ra, Ban đại diện cha mẹ học sinh còn phối hợp với nhà trường làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục huy động các nguồn lực xây dựng phát triển nhà trường.

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão cho biết thêm, căn cứ Thông tư 55 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Ban giám hiệu các trường trên địa bàn huyện đã quan tâm đến công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chỉ đạo giáo viên chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác giảng dạy, giáo dục.

Thời điểm dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp khiến học sinh phải tạm dừng tới trường, học trực tuyến tại nhà, Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với phụ huynh các lớp đã chủ động liên hệ với giáo viên để kết hợp giáo dục con em hiệu quả.

DIỆU ANH