Bằng TS học ở nước ngoài muốn tham gia giảng dạy cần được Bộ GD&ĐT công nhận

30/12/2023 06:40
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo các chuyên gia, cần quy định “cứng” buộc tiến sĩ học ở nước ngoài, tham gia giảng dạy phải thực hiện công nhận văn bằng.

Thời gian qua, lùm xùm về vấn đề bằng cấp tiến sĩ học ở nước ngoài chưa được công nhận của một số giảng viên tại các trường đại học tư thục đang khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi. Trong đó, thậm chí có người viện lý do “cơ sở đào tạo không yêu cầu”, hay “chưa có nhu cầu công nhận văn bằng”...

Các chuyên gia cho rằng, công tác trong các lĩnh vực đặc thù như giáo dục và đào tạo, cần có đội ngũ thực sự chất lượng. Vì vậy, văn bằng học ở nước ngoài nếu không thuộc các trường hợp miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng thì buộc phải làm thủ tục công nhận, mới đủ điều kiện tham gia giảng dạy.

Cần thiết quy định buộc phải công nhận văn bằng khi hoàn thành chương trình

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận: “Tình trạng giảng viên chưa đủ trình độ tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt tại một số cơ sở giáo dục tư thục vẫn đang là một vấn đề thực tế hiện nay.

Đây là một vấn đề cần được cả ngành giáo dục và đào tạo quan tâm, giải quyết. Theo tôi, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự quản lý lỏng lẻo và một phần do việc mở trường, mở ngành ồ ạt”.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Theo nữ đại biểu, việc quản lý lỏng lẻo như vậy đã ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn hệ thống giáo dục nói chung, bởi: “Cho dù công nghệ hiện đại đến đâu, cho dù có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ, thì những người giáo viên, giảng viên đứng lớp vẫn là trung tâm, là “linh hồn” của một hoạt động giáo dục. Phải có những người thầy giáo, cô giáo thực sự có chất lượng thì mới đào tạo ra được những học trò thực chất và có thể đóng góp cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Không chỉ đối với đào tạo đại học, mà đối với đào tạo sau đại học lại càng đòi hỏi chất lượng của người thầy nhiều hơn.

Chính vì vậy, những tình trạng như trên cần phải được chấn chỉnh trong thời gian tới, để tạo ra một môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, thực sự có chất lượng”.

Tại điểm c Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, đã nêu rõ: “Thông tư này áp dụng đối với: ... c) Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam”.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phân tích: “Điều này có nghĩa, một khi đã sử dụng bất kỳ văn bằng nào tại Việt Nam, không chỉ là trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng như trong các cơ quan nhà nước mà kể cả trong các doanh nghiệp, thì văn bằng đó buộc phải được công nhận.

Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 3. Nguyên tắc công nhận văn bằng lại nêu: “1. Công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng (sau đây gọi chung là người đề nghị công nhận văn bằng).

Đồng thời, nội dung tại Khoản 1 điều này được dự thảo trong thông tư thay thế Thông tư số 13 như sau: “1. Công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng. Người có văn bằng chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của văn bằng”.

Bày tỏ quan điểm về trách nhiệm của người có văn bằng, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng: “Cần thiết phải có quy định “cứng”, buộc phải công nhận văn bằng đối với mỗi cán bộ, giảng viên làm việc trong các môi trường đặc thù như giáo dục và đào tạo”.

Nữ đại biểu lý giải: “Có hàng chục nghìn cơ sở giáo dục đại học trên cả trăm quốc gia có chương trình đào tạo tiến sĩ, và không thể biết được tường tận về chất lượng đào tạo của từng cơ sở đào tạo này. Chính vì thế, một khi bằng cấp đó, đặc biệt là bằng tiến sĩ khi đã về tới Việt Nam, cần phải được công nhận theo một quy trình cụ thể, mới có thể sử dụng trong các hoạt động nghề nghiệp tại Việt Nam.

Nếu Thông tư số 13 hiện đang quy định chưa rõ, còn có sự “chéo nhau” giữa Điều 1 và Điều 3, đề nghị sớm có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Bởi, tôi cho rằng, đã sử dụng văn bằng trên đất nước Việt Nam, thì đều phải được công nhận chứ không phải chỉ khi có nhu cầu mới công nhận. Như vậy để tạo ra một sự sàng lọc cơ bản và cần thiết trước khi văn bằng đó được người lao động sử dụng trong quá trình công tác”.

Đồng tình với ý kiến trên, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp (Trường Đại học Giao thông vận tải) cũng chia sẻ: “Cần thiết phải có quy định yêu cầu mỗi người đã học tiến sĩ ở nước ngoài phải chịu trách nhiệm về giá trị văn bằng của mình. Song, theo tôi, trước hết, từng cơ sở đào tạo phải tự kiểm tra nội bộ trước, vấn đề nguồn nhân lực đào tạo tại cơ sở phải tự kiểm chứng một cách nghiêm túc, lãnh đạo quản lý tại cơ sở đào tạo không nể nang, bao che, hay mập mờ làm ảnh hưởng chất lượng đội ngũ. Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cần phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng quản lý nhà nước trong vấn đề này, để kiểm soát chất lượng của văn bằng”.

Bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Trong hoạt động giáo dục và đào tạo, luôn đòi hỏi sự nghiêm túc, thực chất và trách nhiệm cao của các cơ sở đào tạo. Vì vậy, bất cứ cơ sở nào tuyển dụng và sử dụng tiến sĩ chưa chính thức (hay nói cách khác là chưa đảm bảo quy trình đào tạo) đã đưa ra giảng dạy, chính là vi phạm nguyên tắc nghiêm trọng. Chưa kể, văn bằng tiến sĩ phải được công nhận mới đảm bảo quy định tối thiểu, chứ chưa hẳn đủ điều kiện giảng dạy.

Đối với các cơ sở đào tạo nhất là ngoài công lập nếu cứ chạy theo lợi nhuận như vậy, vô hình trung sẽ làm mất uy tín, tạo ra một cái nhìn không tốt về sản phẩm đào tạo, lại trở thành bất lợi trong tương lai. Chuyện lâu dài là phải giữ được thương hiệu, tạo ra sự hợp tác và phát triển uy tín của cơ sở trong quá trình đào tạo.

Chính vì vậy, việc yêu cầu bắt buộc công nhận văn bằng tiến sĩ trong đào tạo là hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng, đâu đó trong quy định còn có chỗ chưa thực sự hợp lý, khiến có người có thể lợi dụng “lỗ hổng”, chứ không có chuyện quy định tiến sĩ chưa được công nhận văn bằng mà đã được đào tạo đại học, thậm chí đào tạo sau đại học.

Bên cạnh quy định của cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng, dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn, để những cơ sở đào tạo không còn dám buông lỏng đầu vào tuyển dụng”.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cơ sở đào tạo phải công khai toàn bộ lý lịch khoa học giảng viên

Bên cạnh những phân tích trên, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh cũng đề cập đến một số giải pháp “siết” chất lượng trong hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt đào tạo sau đại học: “Thứ nhất, về hoạt động quản lý nhà nước: Xuất phát từ tình trạng cơ sở giáo dục đại học mở ngành ồ ạt dẫn đến thiếu giảng viên, các trường lại phải tính đến “giật gấu vá vai”, bổ sung khắp nơi để tuyển dụng đủ số lượng giảng viên cơ hữu theo quy định. Chính vì vậy, cần phải quy hoạch trường lớp một cách cụ thể.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2021 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Quyết định số 209 này, vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo tôi, trước hết, cần sớm có quy hoạch mạng lưới, từ đó, có bức tranh tổng thể về số lượng giảng viên hiện có, tính toán được nhu cầu giảng viên cụ thể của các cơ sở giáo dục cần đào tạo bao nhiêu, tránh tình trạng mở trường không theo quy hoạch, tuyển dụng cả giảng viên chưa đủ trình độ.

Thứ hai, thực tế, hành lang pháp lý đã khá đầy đủ, tuy nhiên khâu yếu kém nhất từ trước đến nay vẫn nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Cần tăng cường quản lý từ phía cơ sở đào tạo để đảm bảo quy trình tuyển dụng và sử dụng giảng viên được thực hiện một cách minh bạch và nghiêm túc, cơ sở tuyển dụng phải là nơi đầu tiên có trách nhiệm.

Thứ ba, thực hiện kiểm định và công nhận bằng cấp theo đúng quy định của Thông tư số 13, tại một số điểm chưa hợp lý cần điều chỉnh lại theo tinh thần: Thực hiện quy trình kiểm định, công nhận bằng cấp phải là việc bắt buộc và tiên quyết, nhất là đối với những vị trí việc làm tại các cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, cần nâng cao sự công khai minh bạch của các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên, bởi nên nhìn nhận và đánh giá qua cả bề dày hoạt động chứ không chỉ qua bằng cấp. Cho nên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo đều phải công khai lý lịch khoa học trên website để phụ huynh, sinh viên cũng như cả cộng đồng có thể tìm hiểu và đánh giá.

Ngoài ra, các trường cũng cần phải có cơ chế để cộng đồng và sinh viên có thể phản biện, báo cáo những vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục, chất lượng giảng viên. Vấn đề này ở nước ngoài được thực hiện rất tốt, tuy nhiên vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Từ đó, phải phát triển một hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục”.

“Mặt khác, hiện nay, các trường đại học, đặc biệt các trường có chương trình đào tạo sau đại học đều phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo tôi, các trường cần phải đẩy mạnh hơn nữa và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có cơ chế để các trường phải đẩy mạnh chất lượng giáo dục. Phải có những biện pháp quản lý, giám sát các cơ sở kiểm định, để đảm bảo những chứng nhận kiểm định là thực chất, khi đó mới đáp ứng được niềm tin của cộng đồng, phụ huynh và sinh viên” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Mộc Trà