Báo cáo viên phải đóng 10.000.000 đồng là chưa hợp lý
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trong quy chế Hội nghị Khoa học và Công nghệ Tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XXI nêu rõ: “Mỗi đề tài tham gia báo cáo sẽ đóng 10.000.000 VNĐ. Đối với đơn vị chỉ tham gia 1 báo cáo hoặc chỉ tham gia với tư cách là quan sát viên thì mức đóng góp là 15.000.000 VNĐ”.
Trao đổi với phóng viên về nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên) cho rằng: “Việc tính phí đối với các đề tài khoa học ở đây cũng nhằm thực hiện xã hội hóa, có kinh phí mới có thể tổ chức được hội nghị. Tuy nhiên, đóng phí phải ở mức phù hợp, cần xem xét lại một cách hợp lý nhất”.
“Nếu như Ban tổ chức hội nghị yêu cầu các cá nhân báo cáo đề tài phải đóng 10.000.000 đồng, theo tôi, là hoàn toàn không hợp lý. Số tiền ấy quá lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên) cho rằng, nếu báo cáo viên phải đóng phí thì số tiền đó là tương đối lớn. (Ảnh: FBNV). |
Bởi lẽ, để hoàn thiện một đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ, vốn dĩ đã phải trải qua rất nhiều thời gian, bỏ rất nhiều công sức, chất xám. Vậy mà phải bỏ ra một số tiền lớn (10.000.000 - 15.000.000 đồng), chỉ để báo cáo ở một hội nghị như vậy thì thực sự chưa phù hợp” - Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung bày tỏ.
Hình thức chung tay cùng đơn vị đăng cai
Trước những băn khoăn của dư luận về mức phí đối với các đề tài báo cáo ở hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình) đã nêu một quan điểm.
Cụ thể, vị Trưởng phòng Quản lý Khoa học cho biết: “Hội nghị Khoa học và Công nghệ Tuổi trẻ ngành Y tế là do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, năm nay cũng đã 40 năm tổ chức, 2 năm 1 lần.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình). (Ảnh: NVCC). |
Tuy nhiên, ở đây, có một nội dung đang được dư luận quan tâm, đó là mức phí đối với các đề tài đăng ký báo cáo tại hội nghị. Gọi là chi phí “mỗi đề tài tham gia báo cáo sẽ đóng”, nhưng thực tế là các trường cùng chung tay với trường đăng cai tổ chức. Trường nào tham gia thì đăng ký và đóng tiền để cùng san sẻ với trường đăng cai, thực chất các báo cáo viên không cần phải đóng tiền”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình cũng phân tích thêm: “Chẳng hạn, một trường có 5 đề tài tham gia báo cáo, thì đơn vị trường phải đóng 50 triệu đồng, chứ không phải các cán bộ có đề tài báo cáo phải đóng tiền. Nếu báo cáo viên chỉ đi báo cáo mà phải bỏ tiền túi ra đóng 10.000.000 đồng thì e là không ai dám đi.
Đó được xem như một hình thức chung tay với trường đăng cai. Bởi, trường đăng cai tổ chức cũng rất tốn kém, phải hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở cho người tham gia, cho hội đồng, rồi cơ cấu giải thưởng và rất nhiều vấn đề khác. Vì vậy, nếu để riêng trường đăng cai chi trả thì sẽ không đủ sức.
Đồng thời, đây cũng là sự đóng góp của các trường để đưa các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ của trường mình đi giao lưu với các đơn vị ngành trên toàn quốc. Bản thân các trường đóng góp như vậy cũng là tạo điều kiện, tạo sân chơi, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu và động viên hoạt động công bố các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ”.
Theo Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, thời gian tới, hội nghị cũng đề xuất mở rộng thêm báo cáo đề tài bằng tiếng Anh để trau dồi thêm ngoại ngữ cho các báo cáo viên.
“Các báo cáo viên khi đạt giải, sẽ được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, vì toàn là các báo cáo viên trẻ nên đây còn cơ hội mở rộng giao lưu hoạt động Đoàn. Đặc biệt, với báo cáo viên có đề tài giành giải đặc biệt, sẽ được Huân chương Tuổi trẻ sáng tạo do Trung ương Đoàn cấp... Có thể thấy, tham gia hội nghị, các báo cáo viên cũng có rất nhiều quyền lợi.
Bên cạnh đó, những đề tài báo cáo còn được tính vào thành tích, kê vào lý lịch khoa học của các báo cáo viên. Sau này, những thành tích báo cáo tại hội nghị cũng có thể trở thành “điểm cộng” trong quá trình xét phong học hàm, học vị cho cá nhân đó. Đây cũng là một động lực rất lớn để thúc đẩy phong trào” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm.
Với chủ trương mở rộng phạm vi và quy mô tổ chức, Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XXI sẽ có sự tham gia của các Học viện, trường đại học, cao đẳng y, dược toàn quốc, các bệnh viện từ cấp tỉnh, tương đương tỉnh trở lên, bệnh viện tư nhân từ hạng 2 trở lên và các Viện Nghiên cứu và phát triển, Viện Y học dự phòng, Viện kiểm nghiệm, Viện kiểm định... Dự kiến quy mô đại biểu, số lượng đơn vị, số công trình khoa học tham gia báo cáo tại hội nghị lần thứ XXI sẽ tăng gấp 2 -3 lần so với các Hội nghị trước, số lượng khách tham dự khoảng 1.500 người.