Báo chí cung cấp góc nhìn đa chiều về thực tiễn triển khai tự chủ đại học

24/06/2022 06:27
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-GS.TS Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh vai trò của báo chí trong triển khai chủ trương tự chủ đại học sâu rộng.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí - truyền thông trong việc đồng hành cùng các cơ sở giáo dục, đóng góp và mang lại những động thái tích cực cho sự phát triển của giáo dục đại học trong thời gian qua?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Trước tiên, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ sang hệ thống giáo dục đại học tự chủ, thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), được Quốc hội thông qua từ tháng 11/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nhiều sự thay đổi về mô hình quản trị, điều hành và quản lý phải được xây dựng và triển khai, chắc chắn quá trình này luôn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Giữa bối cảnh ấy, báo chí đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về những điểm mới trong Luật số 34, trong các Nghị định, Thông tư có liên quan.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). (Ảnh: Ngân Chi).

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). (Ảnh: Ngân Chi).

Báo chí đã truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với từng đối tượng độc giả, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên và những bên có lợi ích liên quan. Đây là một điểm rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng và vận hành hệ thống các quy chế, quy định đúng chủ trương, đường lối.

Thứ hai, báo chí đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp những góc nhìn đa chiều về thực tiễn triển khai tự chủ đại học. Đây là một trong những nguồn thông tin, nguồn dữ liệu rất quan trọng cho các trường vận dụng, học tập, triển khai hoạt động tự chủ, bởi, câu chuyện của trường này sẽ là bài học của trường khác. Quá trình này giúp các trường định hình mô hình tự chủ, định hình cơ cấu tổ chức, cũng như cách thức vận hành đúng luật và phù hợp với thực tiễn khác nhau của từng cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, tiếng nói nhiều chiều cũng có ý nghĩa về mặt phản biện đối với các chủ trương, chính sách. Trên cơ sở đó, cơ quan lập pháp có thể xem xét điều chỉnh, sửa đổi hay có những hướng dẫn hỗ trợ cho hoạt động tự chủ đại học, đi theo hướng hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ gì về đóng góp của báo chí đối với thực tiễn triển khai tự chủ đại học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức triển khai tự chủ theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 06/10/2016, về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường, từ năm 2017.

Trước đó, trường cũng đã có quá trình chuẩn bị tương đối dài, trong đó các hoạt động trong trường đã được phân cấp từng bước cho các đơn vị thuộc và trực thuộc. Đây là nền tảng để xây dựng các quy chế, quy định cho giai đoạn tự chủ, tạo đà về thể chế và nhận thức vững chắc cho việc triển khai thực hiện tự chủ theo Luật 34. Cả quá trình đó, nhà trường tiếp nhận rất nhiều thông tin bổ ích từ báo chí, để có một cách đi phù hợp.

Diễn đạt một cách cụ thể hơn, báo chí luôn đồng hành cùng trường đại học, nhất là đối với các trường đại học công lập trong quá trình xây dựng và triển khai tự chủ, từ lúc còn đang là ý tưởng đến khi hình thành mô hình và vận hành cơ chế tự chủ, trong đó có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đồng thời, những bài học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng được chia sẻ cho các trường khác, thông qua báo chí, hoặc thông qua các buổi trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các trường.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng chế. (Ảnh: NTCC).

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng chế. (Ảnh: NTCC).

Phóng viên: Cụ thể, những khó khăn mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã gặp phải trong thực tiễn triển khai tự chủ là gì? Nhà trường đã vượt qua như thế nào, thưa ông?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Tôi tin rằng, giai đoạn mới triển khai tự chủ, cơ sở giáo dục đại học nào cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Chỉ có sự đồng thuận, đoàn kết, trí tuệ, cùng với thông tin, giải pháp và cách thức triển khai minh bạch và đầy đủ mới hạn chế được những trở ngại này.

Nhà trường đứng trước áp lực về nguồn thu tài chính eo hẹp nhưng phải tăng chi cho con người để tạo động lực thay đổi cơ chế, tăng chi đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo... là những ví dụ điển hình. Ở giai đoạn này tâm lý của cán bộ, tâm lý của sinh viên có nhiều dao động nhất, đòi hỏi công tác truyền thông nội bộ phải được thực hiện một cách đồng bộ và khoa học, kết hợp với truyền thông đại chúng thông qua các kênh báo đài để mọi người cùng hiểu và hợp lực vượt qua khó khăn.

Phóng viên: Từ sau khi thực hiện tự chủ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những chuyển biến cụ thể như thế nào về chất lượng đào tạo, thưa ông?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Không chỉ riêng về chất lượng đào tạo được tăng lên mà mọi mặt hoạt động đều có những biến chuyển rõ nét. Từ tư duy quản trị chiến lược đến tổ chức bộ máy, hoạt động điều hành, quản lý, đánh giá chất lượng đều có sự thay đổi theo chiều hướng tối ưu nguồn lực, chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn.

Về chất lượng đào tạo, các chương trình đào tạo đều đã được chuẩn hóa theo khung trình độ quốc gia, nhiều chương trình đã được đánh giá theo chuẩn quốc tế, chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường luôn đứng đầu trong khối các trường kỹ thuật - công nghệ. Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm sau tốt nghiệp dần được tăng lên.

Công tác hỗ trợ người học được triển khai mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức, đa dạng trong tiếp cận và đổi mới trong triển khai đã góp phần giúp sinh viên thành công hơn trong học tập, trong đời sống và tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh học kiến thức, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng, tham gia nhiều hoạt động bổ ích như hoạt động thể thao. (Ảnh: NTCC).

Bên cạnh học kiến thức, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng, tham gia nhiều hoạt động bổ ích như hoạt động thể thao. (Ảnh: NTCC).

Sân trường luôn rộn rã các hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên vào mỗi buổi chiều sau giờ học, các phòng thí nghiệm, thư viện luôn sôi động với các câu lạc bộ học tập, với các nhóm nghiên cứu, các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo thu hút đông đảo sinh viên tham gia… là minh chứng về sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận và trong chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.

Không chỉ tập trung tuyệt đối vào kiến thức chuyên môn như trước đây mà người học còn được trang bị, được học tập và trải nghiệm các kiến thức xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng cuộc sống, đảm bảo cho sinh viên sau khi ra trường có khả năng thích ứng tốt với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, môi trường và xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ngân Chi