Báo động quá tải các trường Mầm non
Tỷ lệ học sinh tăng cao, trong khi cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, khiến nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trở nên quá tải.
Ngày 23/8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định 3134/QĐ-UBND về việc giao số lượng giáo viên mầm non theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ...
Theo quyết định này, tỉnh Thanh Hóa giao tổng số hợp đồng lao động giáo viên mầm non cho các huyện, thị, thành phố là 1.200 người.
Tuy nhiên, theo khảo sát, nhu cầu về giáo viên mầm non trên thực tế tại nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vượt xa con số mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao.
Các huyện Tĩnh Gia, Thạch Thành, Yên Định... trở thành điểm nóng về tình trạng quá tải học sinh/lớp học, trong khi giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nhiều lãnh đạo các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc tỉnh Thanh Hóa giao số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên mầm non theo quyết định 3134 có phần chưa phù hợp với thực tế.
Tình trạng quá tải tại các trường Mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa của Thiên Minh. |
Cô Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tĩnh Gia cho rằng: "Nếu căn quyết định 1751/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục năm học 2017-2018, thì huyện phải tổ chức được 551 nhóm, lớp mới đúng kế hoạch.
Nhưng do không đủ giáo viên, cơ sở vật chất hạn chế, cho nên huyện chỉ tổ chức được 472 nhóm lớp.
Mặt khác, theo quy định tại công văn 3185/QĐ-UBND, về việc quy định định mức bình quân học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh, thì chúng tôi cần 866 giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy 472 nhóm, lớp.
Nhưng trong khi thực tế chúng tôi chỉ có 587 giáo viên. Như vậy, nếu tính ra, nếu so với nhu cầu thực tế, chúng tôi còn thiếu tới 279 giáo viên.
Vỡ trận giáo viên, Hiệu phó đi rửa bát, Hiệu trưởng đi chăm trẻ |
Đương nhiên, 587 giáo viên hiện có không thể làm thay việc cho 279 giáo viên đang còn thiếu.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chỉ giao khoán cho địa phương 104 lao động mầm non.
Thực trạng trên, huyện Tĩnh Gia buộc phải "tạo cơ chế" cho các trường tự thuê khoán giáo viên để đảm bảo nhu cầu học tập.
"Bây giờ có hai bài toán đặt ra. Thứ nhất, giải tán những lớp học không có giáo viên.
Thứ 2, phải thuê khoán người làm. Chúng tôi buộc phải chọn phương án 2, cho dù sai nhưng vẫn phải chấp nhận.
Huyện biết rằng, việc làm này không đúng nhưng không thể làm khác được.
Tỉnh Thanh Hóa giao số lượng hợp đồng lao động làm giáo viên mầm non cho các huyện. Thực tế, nhiều lãnh đạo các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc tỉnh Thanh Hóa giao số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên mầm non theo quyết định 3134 có phần chưa phù hợp với thực tế. Ảnh: Thiên Minh. |
Cũng theo cô Vân, một năm nay, các cơ sở giáo dục mầm non chưa có tiền để trả cho lực lượng lao động thuê khoán.
"Trước năm 2016 trở về trước, kinh phí sự nghiệp giáo dục cấp theo đầu học sinh cho nên mặc dù huyện thiếu giáo viên nhưng vẫn kinh phí thụ hưởng vẫn có để chi trả cho số lao động thuê khoán.
Nhưng từ tháng 1/2017, kinh phí sự nghiệp giáo dục cấp theo biên chế tỉnh giao.
Điều này khiến giáo dục mầm non trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn", cô Vân nêu thực tế.
Tương tự, theo tính toán của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành, toàn huyện thiếu hơn 300 giáo viên mầm non nhưng tỉnh chỉ giao khoán cho 122 hợp đồng giáo viên mầm non.
"Tỉnh chỉ cho huyện hợp đồng khoảng 60% trong tổng nhu cầu (thiếu) thực tế, đồng thời không mở rộng biên chế.
Các cơ sở giáo dục buộc phải dồn học sinh để tổ chức nhóm, lớp. Thậm chí có những lớp có tới 60 đến 70 học sinh bán trú, nhưng chỉ có 2 giáo viên.
Điều này chưa phù hợp với quyết định số 3185/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa", ông Nguyễn Văn Dĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thanh cho biết.
Tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, buộc giáo viên phải vắt kiệt sức để đảm bảo nhu cầu dạy và học.
Cô Lê Thị Lam, Hiệu trưởng trường Mầm non Quý Lộc (Yên Định) cho biết, trung bình giáo viên nhà trường phải hoạt động khoảng 11 tiếng/ngày.
"Như vậy, tính ra mỗi giáo viên phải làm việc bằng hai người mới đảm bảo được nhu cầu công việc", cô Lam nói.
Làm cẩn trọng, tránh đi vào vết xe đổ
Hôm 21/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, sở dĩ có sự chênh lệch giữa số lượng lao động hợp đồng mầm non do tỉnh giao và số giáo viên thiếu thực tế theo báo cáo của các huyện là do cách tính toán có sự khác nhau.
"Việc tỉnh giao hợp đồng giáo viên mầm non cho các huyện đều căn cứ vào định mức học sinh/lớp, học sinh/nhóm trẻ và số lượng giáo viên mầm non hiện có tại các huyện.
Trong khi đó, nhiều địa phương chỉ căn cứ vào số lớp thực tế để đưa ra nhu cầu về giáo viên, chứ không căn cứ theo định mức quy định tại văn bản 3185, dẫn đến sự chệnh lệch trong cách tính toán", bà Hằng nói.
"Ăn cả tấn gạo" của học sinh ở Yên Bái, lãnh đạo trường bị bắt |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết thêm, sắp tới, tỉnh sẽ sử dụng số lượng giáo viên dư thừa từ cấp 2, bổ sung cho bậc mầm non để khắc phục tình trạng thiếu thốn nhân sự.
"Số lượng giáo viên từ cấp 2 được điều chuyển xuống mầm non, kết hợp với số lượng lao động vừa được tỉnh giao cho các huyện sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay", bà Hằng cho biết.
Trước đó, ngày 17/11/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có công văn số 14082/UBND-VX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ... về việc đề xuất phương án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở điều chuyển dạy mầm non, tiểu học.
Theo công văn này, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát lại đội ngũ giáo viên dôi dư trung học cơ sở, trên địa bàn toàn tỉnh để đề xuất phương án cụ thể việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở điều chuyển dạy mầm non, tiểu học theo quy định.
Bà Phạm Thị Hằng cho rằng, khi chỉ tiêu biên chế được giao không tăng, trong khi số học sinh tăng, số lớp tăng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu cục bộ giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh.
"Việc đề xuất phương án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở điều chuyển dạy mầm non là phương án tối ưu nhất hiện nay, vừa không phá vỡ biên chế, vừa giải quyết được nhu cầu cho giáo viên mầm non", bà Hằng nói.
Thực tế, việc triển khai quyết định 3134/QĐ-UBND về việc giao số lượng giáo viên mầm non còn chậm và đề xuất trên của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa chưa được thực hiện, thì tình trạng các quá tải tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn diễn ra.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tại việc quản lý biên chế được thực hiện rất kỹ, cho nên tỉnh phải thực hiện rất chặt chẽ việc tuyển dụng lao động.
"Việc tuyển dụng phải làm cẩn trọng, chặt chẽ, không thể ồ ạt để tránh tình trạng tuyển dụng sai, rồi lại đi xử lý hậu quả", ông Quyền nói.