LTS: Nhấn mạnh đến chức năng giáo dục của nhà trường và thầy cô, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng chính việc thầy cô nêu gương, giáo dục bằng yêu thương sẽ lan tỏa những giá trị nhân văn đến học sinh, giúp hạn chế bạo lực học đường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bạo lực học đường, đang là vấn đề nổi cộm trên các diễn đàn hiện nay. Biết bao bài báo viết, hiến kế để đẩy lùi tình trạng này, thế nhưng càng chống, càng bùng phát.
Bạo lực là một phần tất yếu của cuộc sống, thuộc về bản năng của sinh vật, con người không nằm ngoài số đó, học trò cũng vậy.
Trường học là một bộ phận của xã hội, phát triển và vận hành theo quy luật chung, không phải là hành tinh riêng, cái gì bên ngoài có, trong trường học có, và ngược lại.
Làm thế nào để chấm dứt bạo lực học đường? Ảnh minh họa: Congly.vn |
Nhìn ra bên ngoài, học trò học, đọc, nhìn thấy cái gì?
Đọc sách, các cuốn sách mà chúng thấy nhiều nhất là truyện tranh! Nội dung phần lớn là “uỵch, uỳnh, bùm, chát, chiu…”.
Xem phim, nhiều nhất là phim có nội dung “uỵch, uỳnh, bùm, chát, chiu…”.
Xem ti vi, nhan nhản trên ti vi là các hành vi thiếu văn minh của người lớn, của cán bộ, của quan chức; chúng chỉ nghe được những nhìn nhận, đánh giá tiêu cực, bi quan, không lối thoát.
Ra đường, chúng học gì từ ứng xử của người lớn? Sự vô cảm trước nỗi đau đồng loại; sự ứng xử thiếu văn minh, ngày xưa, lỡ va chạm một chút, người ta “xin lỗi”, nay là chửi thề, đánh lộn.
Vào mạng, chúng được mồi chài đủ trò chơi bạo lực, các trang mang tính “giang hồ” v.v..., chúng được thỏa trí tò mò, tự do thể hiện, chúng “góp gạch” xây nên “thần tượng” quái đản như “Khá bảnh”… cho mình, cho bạn bè trang lứa.
Muốn xóa bạo lực học đường chớ đổ hết trách nhiệm lên các thầy cô giáo phổ thông |
Về nhà, chúng ăn vội, để học bài, nhét vào đầu để chúng những thứ làm thỏa mãn ước mơ của bố mẹ, gia đình chứ không phải của chúng.
Nếu chúng nản lòng, chúng được nghe những lời “yêu thương”, “không được điểm cao, mày chết với tao”, “tao cày sấp mặt tối ngày, mày trả ơn tao thế à” v.v…; hoặc thỉnh thoảng chúng mới được gặp bố mẹ … qua điện thoại, qua mạng Facebook, Zalo v.v…; cái cần nhất với chúng, yêu thương, sao mà khó thế!
Một đứa trẻ mất hết chuẩn mực, chỗ dựa, niềm tin, chỉ còn bản năng được kích thích bởi đủ các hành vi bạo lực, vì thế không ngạc nhiên, bạo lực học đường gia tăng.
Thầy cô có dạy học sinh bạo lực không? Không! Chắc chắn 100% không! Thế làm sao để phòng, chống bạo lực học đường?
Giáo dục từ gia đình, xã hội
Phần lớn học trò gây bạo lực với bạn đều có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc; thiếu thốn tình thương chính người thân ruột thịt; hoặc là cha mẹ ly thân, ly hôn; hoặc là môi trường giáo dục quá hà khắc; dạy bảo con cái bằng chính “bạo lực gia đình”.
Vì thế, gieo mầm nhân ái, phải gieo từ gia đình, căn cơ nhất cho một xã hội nhân ái. Người lớn trong gia đình, tấm gương sáng đầu tiên cho con trẻ noi theo.
Mỗi đứa trẻ phải biết yêu thương, tôn trọng người thân trong gia đình, có vậy mới có thể yêu thương, tôn trọng người khác ngoài xã hội.
Với xã hội, cần kiểm soát truyền thông, các mạng xã hội tuyệt đối không được “dung túng”, “cổ xúy”, khai thác bạo lực để kiếm tiền quảng cáo; bỏ tù các quản lý, đóng trang mạng không chấp hành, dung túng, phát tán nội dung bạo lực.
Tổ chức các cuộc thi sáng tác Văn học, viết sách cho thiếu nhi, nhi đồng. Không xuất bản các ấn phẩm cổ xúy bạo lực, dành cho học trò.
Thực tế đau lòng, với gương người tốt, việc tốt, rất ít báo chí đưa tin; ngược lại, tin xấu, một báo có tin, đồng loạt các báo cùng lên tiếng! Vì thế truyền thông cần thay đổi, đóng góp vào giáo dục, định hướng giáo dục cái hay, cái đẹp cho người đọc.
Giáo dục từ nhà trường
Chỉ trong chăn, mới biết chăn có rận. Ở nhà chỉ có một đứa con, đã làm bạn đau đầu, chỉ một đàng, làm một nẻo; nhiều khi cáu quá, không ít người thốt lên “Biết vậy, tao đẻ quả trứng, luộc ăn cho rồi”.
Với giáo dục mầm non, tiểu học, phần lớn bạo lực học đường đến từ giáo viên. Chính hành vi cô đánh bạn, đang dạy học trò mình cũng có quyền đánh bạn, đánh người khác.
Với mầm non phải coi là Giáo dục là chính, với tiểu học vừa giáo dục vừa dạy học.
Như vậy, vô hình trung, chính hành vi của mình, thầy cô giáo giáo dục cho học trò yêu thương hoặc bạo lực. Lựa chọn thuộc về thầy, cô.
Bạo lực học đường giữa trò với trò chỉ bùng phát mạnh nhất trong bậc học phổ thông. Phần do thể chất các em đã phát triển, tâm sinh lý đang phát triển, cuộc chiến cái thiện, cái ác trong chính các em chưa ngã ngũ, các em cần niềm tin, điểm tựa để hình thành nhân cách.
Nếu những đứa trẻ “đánh hội đồng” bạn, đủ hiểu biết, không “ngu gì” chúng quay clip hành vi của mình, tung lên mạng! Những đứa trẻ này, đáng thương hơn đáng trách!
Hãy cho học trò sự hiểu biết bằng cách “dạy” cho chúng các hành vi bạo lực là sai trái, thông qua nội dung sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa; “sân khấu hóa bạo lực”, từ đó học sinh biết được những hành vi của mình với bạn, của giáo viên với mình là vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức, biết cách phòng, chống.
Giáo dục yêu thương cho học sinh, tốt nhất bằng sự nêu gương của thầy cô; nêu gương giáo dục các em bằng các tấm gương người tốt, việc tốt trong lớp, trong trường, trên báo chí.
Việc tốt được tôn vinh, các em sẽ noi gương làm việc tốt, đẩy lùi dần “bóng tối” trong mỗi học trò.
“ … Em yêu trường em, với bao bạn thân và cô giáo hiền,
Như yêu quê hương,
Cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương…”
Bài hát “Em yêu trường em” đã ca vang trên mái trường thân yêu của chúng ta, nay càng phải hòa ca trong cuộc sống thời đại 4.0 hôm nay.
Bạn thử “mua một vé về với tuổi thơ hiện tại”, làm trẻ con ngày nay; hóa thân một ngày “làm giáo viên”; bạn yêu thương đánh giá công bằng; bạo lực học đường, trách nhiệm không của riêng ai, càng không phải của riêng thầy cô giáo.
Xã hội nhân văn, công bằng chúng ta muốn xây dựng, chỉ có thể có được, đạt được từ vun đắp của mỗi người, mỗi gia đình.
Mỗi ngày, đang có hàng trăm ngàn giáo viên, hi sinh, cống hiến, xây dựng những ngôi trường hạnh phúc, học trò hạnh phúc, mong mình cũng được hạnh phúc.