LTS: Sau nhiều câu chuyện về tình trạng bạo lực học đường khiến dư luận bức xúc, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng "công cụ" và "uy lực" để giáo viên xử lý tình trạng này chính là nhân cách của người thầy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bạn “Mục đồng” viết bình luận trong bài “Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào”:
“Công cụ dạy học của thầy cô là kiến thức chuyên môn và kiến thức sư phạm cộng với tình yêu thương học trò và ý thức thượng tôn pháp luật.
Công cụ của thầy cô không phải cây thước, cây gậy, cú đấm cú đá, cú bạt tai, xúc phạm thân thể học trò.
Công cụ của thầy cô cũng không phải những lời nói cay nghiệt xúc phạm nhân cách học trò.
Những hành vi xâm phạm thân thể và nhân phẩm học trò đã bị luật pháp nghiêm cấm trong các luật giáo dục, luật hình sự, luật chăm sóc bảo vệ trẻ em đã được quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thì các thầy cô buộc phải tuân theo.
Ai không thể tuân theo thì xin mời đi làm nghề khác. Có luật rồi thì cứ theo luật mà làm. Không thể nhân danh bất cứ điều gì để biện hộ cho việc bạo hành thân thể và xúc phạm nhân phẩm học trò”.
Bạo lực học đường bao giờ mới chấm dứt? Ảnh minh họa: Baovanhoa.vn |
Bình luận của bạn “Mục đồng” được nhiều người đồng tình, trong đó có cả người viết.
Ngoài ra, “công cụ”, “uy lực” của thầy cô phải kể đến nhân cách của chính người thầy; văn hóa của mỗi gia đình; văn hóa của cả xã hội; đánh giá của xã hội về ngành giáo dục v.v...
Với sự phát triển nhanh, mạnh, rộng của công nghệ, truyền thông giờ đây cũng là một “công cụ, uy lực” của thầy cô trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Như vậy, có những “công cụ, uy lực” của thầy cô không thể ai lấy đi được, trừ khi chính thầy cô “tự đánh mất” “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” đó chính là nhân cách người thầy.
Một khi thầy cô đến lớp là để nghỉ ngơi, tâm huyết dành cho lớp học thêm; kiến thức lên lớp làng nhàng, kiến thức vàng để dạy thêm; không học thêm thầy, đố mày làm được đề kiểm tra; v.v...; những thầy cô này đã tự “đánh mất” hoàn toàn “công cụ, uy lực” của mình! Không thể biện minh, “chưa sống được bằng lương”!
Một khi thầy cô “đuổi” học trò lên lớp để đạt chỉ tiêu đăng kí thi đua đầu năm, năm sau cao hơn năm trước, dù trong đó không ít “học sinh ngồi nhầm lớp”.
Tại sao bao vụ bạo hành trường học, thầy cô luôn là người sau cùng biết chuyện? |
Dưới đẩy lên, cứ thế đẩy ra ngoài xã hội những sản phẩm “lệch chuẩn”. Không thể biện minh “bệnh thành tích”, vì tất cả những người thực hiện “quy trình” này đều là thầy cô!
Những sản phẩm “lệch chuẩn”, lại “kiến tạo” những gia đình “văn hóa bạo lực”; xã hội bạo lực; bạo lực sinh ra bạo lực; cái vòng luẩn quẩn đó cứ đeo bám ngành giáo dục.
Chính “sản phẩm lệch chuẩn” đó ra đời quản lý xã hội, vô hình trung không nhìn thấy “đúng chuẩn” để khuyến khích phát triển, nhiều khi lại “ươm mầm”, “bao che”, “bảo vệ” các hành vi “lệch chuẩn” phát triển.
Một khi đọc những thông tin tiêu cực trên báo chí, người ta lại tìm cách “đổ lỗi”, và đơn giản nhất, đổ cho ngành giáo dục, cho thầy cô giáo; vì giáo dục ra những “kẻ bất lương” làm hại xã hội, làm hại đất nước! Ngành giáo dục là một ngành “yếu thế” dễ bị bắt nạt.
Vậy làm sao trả lại “công cụ, uy lực” cho thầy cô?
Một khi ngành giáo dục đang "phụ thuộc", không có “thực quyền”, uy lực e rằng chỉ là “hổ giấy”.
Hãy trả lại những gì của giáo dục về cho giáo dục, “cái gì không phải của mình đừng cố đòi”; nhân sự giáo dục phải do giáo dục quyết định; lương của giáo viên phải do giáo dục quyết định; có như thế, “trách nhiệm” mới cụ thể, không phải là quả bóng!
Tất cả thầy cô (từ Bộ trưởng trở xuống) thực hiện điều 5 Bác Hồ dạy : “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, không bị sức ép từ bên ngoài để “báo cáo cho đẹp”, bệnh thành tích trong giáo dục không bùng phát; ngành giáo “không dung dưỡng sự giả dối”, mầm mống tội ác “bị tiêu diệt từ trứng nước”.
Không thể kêu gọi “Thầy cô ơi, xin bớt thành tích của mình”. Đơn giản nhất, Bộ trưởng ra thông tư “xóa chỉ tiêu”, không đánh giá thi đua nhà giáo qua chỉ tiêu; vầng dương sẽ xóa mây mù đang bao phủ bục giảng.
Không chỉ tiêu, không giả dối, dạy thật, tổng kết thật; đúng lên lớp thì cho lên, đúng ở lại thì ở lại, lúc đó thầy cô giáo mới có “công cụ, uy lực”, thượng tôn pháp luật.
Một khi thượng tôn pháp luật được “kích hoạt”, “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “nói đi đôi với làm”, những hành vi “chạy điểm”, “sửa điểm”, “chạy trường”, "dạy thêm trái phép" v.v..., bị điểm mặt, chỉ tên trừng trị; công cụ và uy lực của thầy cô lại trả về cho thầy cô; ngành giáo dục sẽ phát huy đầy đủ vai trò của nó, thúc đẩy kinh tế, xã hội nước nhà phát triển với vận tốc nhanh nhất.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khi-thay-co-bi-tuoc-het-cong-cu-va-uy-luc-kho-tranh-hoc-tro-bao-luc-hon-hao-post197127.gd