Báo Nga: Mỹ-Philippines tập trận chung là để đối phó Trung Quốc

10/05/2014 09:49
Đông Bình
(GDVN) - Cuộc tập trận cho thấy, cái gì cũng không thể tạo ra mối đe dọa cho chính sách "quay trở lại châu Á" của Mỹ; châu Á-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên chiến lược.
Lễ khai mạc cuộc tập trận Balikatan 2014 giữa Mỹ và Philippines có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines
Lễ khai mạc cuộc tập trận Balikatan 2014 giữa Mỹ và Philippines có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines

Mạng "Đài tiếng nói nước Nga" ngày 8 tháng 5 đưa tin, Mỹ và Philippines đang tổ chức diễn tập quân sự liên hợp "Balikatan-2014" trong thời gian 10 ngày. 

Tham gia cuộc diễn tập này có 3.000 binh sĩ Philippines và 2.500 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ. Điều đáng chú ý là, cuộc diễn tập này đúng vào lúc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines leo thang.

Theo quan chức Mỹ và Philippines, trọng điểm của diễn tập liên hợp là an ninh biển, cứu trợ nhân đạo, phản ứng đối với thảm họa và viện trợ cho dân sự.

Khi phát biểu tại lễ khai mạc cuộc diễn tập quân sự, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario nhấn mạnh, những năm gần đây, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những vụ việc bất chấp luật pháp, tự tuyên bố có chủ quyền đối với lãnh thổ và lãnh hải tăng nhiều.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines không chỉ rõ Trung Quốc, tuy trước đó, quan chức Philippines không chỉ một lần bày tỏ lo ngại đối với hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines vào cuối tháng 4 năm 2014
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines vào cuối tháng 4 năm 2014

Các nhà quan sát cho rằng, diễn tập quân sự được bắt đầu không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines. Trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Philippines, Tổng thống Obama cam kết, Washington sẽ tuân thủ "Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines" ký năm 1951.

Một trong những thành quả chủ yếu của chuyến thăm này là hai nước đã ký một thỏa thuận quân sự mới. Căn cứ vào thỏa thuận này, trong 10 năm tới, quân Mỹ sẽ mở rộng phạm vi sử dụng căn cứ quân sự, bến cảng và các cơ sở chiến lược khác của Philippines.

Chuyên gia Vinogradov, phòng nghiên cứu Viễn  Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng, bản thân việc ký kết thỏa thuận này sở dĩ quan trọng là vì để hợp tác Mỹ-Philippines đã nâng lên một tầm cao mới.

Vinogradov nói: "Ông Obama thăm bốn nước châu Á - Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia cho thấy, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước lớn trong khu vực này.

Giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản có hiệp ước hợp tác quân sự toàn diện, điểm khác là: Malaysia và Philippines đến nay vẫn không cho rằng Mỹ là đồng minh quân sự của họ.

Mỹ sẽ tăng cường triển khai quân và vũ khí trang bị ở Philippines
Mỹ sẽ tăng cường triển khai quân và vũ khí trang bị ở Philippines

Cùng với việc quan hệ Philippines-Trung Quốc xấu đi, mối quan tâm của Mỹ theo đó cũng tăng lên, đã tăng thêm nội dung mới cho quan hệ Mỹ-Philippines, ở mức độ nhất định đã bù đắp cho sự tổn thất do đóng cửa căn cứ quân Mỹ vào thập niên 1990".

Theo bài báo, Washington tập trung vào củng cố sự hiện diện đã có và xây dựng liên minh mới, không chỉ muốn ngăn chặn vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực tăng lên, mà còn muốn tìm cách tăng cường lòng tin của đồng minh đối với sự ủng hộ của Mỹ.

Do đó, có thể thấy, cuộc diễn tập quân sự đang tiến hành hiện nay chính là để phát đi tín hiệu rõ ràng cho các nước lớn trong khu vực này: Cái gì cũng không thể tạo ra mối đe dọa cho chính sách "quay trở lại châu Á" của Mỹ. 

Mỹ muốn để dư luận hiểu rõ, họ vẫn coi hoạt động của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một trong những phương hướng ưu tiên chiến lược của họ.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu)
Đông Bình