Philippines mạnh dạn bắt giữ tàu cá Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của họ và xử theo luật trong nước (ảnh nguồn Đại công báo, Hồng Kông) |
Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 8 tháng 5 dẫn lời báo chí Philippines cho rằng, gần đây, Philippines đã gia tăng tấn công dư luận đối với Trung Quốc, Philippines-Mỹ gia tăng hợp tác phòng vệ cũng làm cho Philippines mạnh dạn hơn.
Philippines vừa đệ trình tranh chấp lãnh thổ Biển Đông giữa Trung Quốc-Philippines lên trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc không chấp nhận ra tòa (có nghĩa là bất chấp luật pháp quốc tế, thế nhưng Trung Quốc lại muốn ‘làm gương’ cho thiên hạ về tuân thủ luật pháp quốc tế).
Cùng với việc Philippines không ngừng tăng cường hành động ở "đảo tranh chấp" (thực chất là Trung Quốc từ xa đến đòi nhảy vào cướp đảo, đá ngầm và vùng biển xung quanh của nước khác), vào tháng 4 vừa qua, Trung Quốc và Philippines đã xảy ra đối đầu ở bãi Cỏ Mây (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Có tin cho biết, hiện nay, quân đội Philippines đang khởi thảo kế hoạch phòng vệ để ứng phó với Trung Quốc.
Mạng tin tức Philippines dẫn lời một sĩ quan cấp cao Philippines tiết lộ, quân đội Philippines đang khởi thảo kế hoạch 4 năm, tăng cường phòng thủ an ninh ở Biển Đông, "đề phòng Trung Quốc chiếm nhiều địa bàn hơn".
Mỹ-Philippines tiến hành diễn tập đổ bộ ở vùng biển Palawan của Philippines (ảnh tư liệu: nguồn Đại công báo, Hồng Kông) |
Quan chức này cho biết: "Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động đánh bắt cá (trái phép) ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, quấy rối ngư dân Philippines, tàu và máy bay Trung Quốc hoạt động liên tục ở vùng biển tranh chấp, hành động này nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Philippines".
Philippines và Mỹ ngày 5 tháng 5 triển khai diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn thường niên, đây là lần đầu tiên hai nước tổ chức diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn sau khi ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng chưa bao lâu.
Tại lễ khai mạc cuộc diễn tập, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario đã phê phán Trung Quốc, cho rằng, để ứng phó nước láng giềng có ý đồ "làm thay đổi hiện trạng", tổ chức diễn tập quân sự là cần thiết.
Ông Rosario cho biết: "Những năm gần đây, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những vụ việc vi phạm luật pháp, tự tuyên bố có chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải tăng nhiều, hơn nữa diện bao trùm rộng hơn, làm cho quan hệ khu vực căng thẳng hơn. Hành vi tấn công có ý đồ làm thay đổi hiện trạng đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực".
Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập Balikatan 2014 |
Rosario nhấn mạnh, diễn tập quân sự liên hợp Balikatan giữa Philippines-Mỹ lần này sẽ tập trung vào "khả năng phòng thủ trên biển", nâng cao khả năng ứng phó với "những thách thức trên" cho Philippines.
Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Obama đã đến thăm Philippines, hai nước đã ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, Philippines sẽ mở nhiều nhất 5 căn cứ quân sự cho Mỹ trong 10 năm tới, cung cấp cho quân đội, tàu chiến, máy bay chiến đấu Mỹ đồn trú luân phiên, đây là một trong những kế hoạch tái triển khai lực lượng quân sự của Mỹ ở châu Á.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Goldberg ngày 5 tháng 5 cho biết: "Thỏa thuận mới đã đổi mới và tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines để ứng phó với các thách thức của thế kỷ 21".
Có bài báo cho rằng, Philippines muốn dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ để chống lại Trung Quốc, trong thời gian thăm Philippines, Tổng thống Mỹ Obama cam kết với Philippines, nếu Philippines bị tấn công, Mỹ sẽ chi viện cho đồng minh; nhưng, ông Obama tránh nói về khả năng Mỹ ra tay giúp Philippines khi nổ ra xung đột ở Biển Đông.
Bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam định khoan thăm dò dầu khí, thậm chí triển khai tàu chiến xung quanh giàn khoan 981 để đe dọa vũ lực, mà thực chất là dùng vũ lực mưu đồ chiếm đoạt vùng biển - vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. |
Quan chức cấp cao của Cảnh sát biển Philippines Noel Vargas tối ngày 6 tháng 5 cho biết, cảnh sát biển nước này vào ngày 6 tháng 5 đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc có 11 thuyền viên ở vùng biển bãi Trăng Khuyết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), địa điểm cụ thể là trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Noel Vargas còn cho biết: "Chiếc tàu cá này hiện bị kéo về đảo Palawan của Philippines, Philippines sẽ tiến hành tố tụng đối với tàu cá và những người có liên quan ở đó".
Đối với vấn đề này, ngày 7 tháng 5, Trung Quốc thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đòi Philippines lập tức thả người, thả tàu, đồng thời Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố cho rằng, "quần đảo Trường Sa trong đó có bãi Trắng Khuyết và vùng biển xung quanh thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc" (Trung Quốc tuyên bố như này cũng giống như hiện nay Trung Quốc đòi các quyền lợi biển ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có khả năng trong tương lai sẽ cho giàn khoan vào vùng biển quần đảo Trường Sa).
Hoa Xuân Oánh còn cho biết, hiện nay tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã kịp đến hiện trường xảy ra sự việc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã tiến hành giao thiệp với phía Philippines, đòi Philippines đưa ra giải thích hợp lý và lập tức thả người, thả tàu. Trung Quốc còn tiếp tục cảnh cáo Philippines không nên tiếp tục có bất cứ hành động gây hấn nào.
Giàn khoan 981 Trung Quốc |
Trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, bản đồ nhà Thanh của Trung Quốc đã ghi rõ điều này. Thủ tướng Đức mới đây cũng tặng cho ông Tập Cận Bình một bản đồ Trung Quốc không có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Trên thực tế, Trung Quốc đã tham lam lãnh thổ, lãnh hải, đã vẽ bậy ra "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò), tự tuyên bố chủ quyền đối với đảo, đá ngầm và vùng biển trên Biển Đông (như ông Rosario nói), bất chấp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã tham gia.
Các hành vi gây hấn, khiêu khích trong những năm gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là hành vi đưa giàn khoan HD-981 cùng một lượng lớn tàu chiến, tàu cảnh sát biển... vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam định vơ vét, ăn cướp tài nguyên của Việt Nam, vừa cướp đoạt vừa đe dọa, ăn hiếp Việt Nam là một hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng và thô bạo chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cho quân xuống tận bãi ngầm James cách Malaysia 80 km để đòi chủ quyền - một hành vi không thể chấp nhận được. Tham lam vô độ đến thế là cùng! |