Năm 2015 là năm thực hiện đổi mới triệt để thi cử, trong đó xác định môn ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc tại Kỳ thi THPT quốc gia. Tầm quan trọng của ngoại ngữ đã được bàn nhiều trước đó, thế nhưng nhận thức làm sao để xác định môn thi này cần được quán triệt thực chất, đánh giá đúng khả năng ngoại ngữ của học sinh lại là vấn đề.
Dù sao xác định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc đã bước đầu tạo điều kiện cho nhận thức từ các thầy cô, học sinh và nhà trường thay đổi các dạy và học trong thời gian tới. Nhân bàn về việc này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Năm 2015 là năm thực hiện đổi mới thi cử rõ rệt, trong đó có môn Ngoại ngữ đã trở thành môn thi bắt buộc. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của môn học này đối với giáo dục nói chung và công tác giảng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay?
Ông Mai Văn Trinh: Những thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước ta trong nhiều năm qua đã đưa Việt Nam trên tầm cao mới, hiện nay chúng ta đang chủ động hội nhập một cách sâu sắc, toàn diện, chính vì thế nâng được ngoại ngữ nói chung đối với người Việt Nam là rất quan trọng.
Ồng Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT). Ảnh Tuổi trẻ |
Do đó, nhiệm vụ của giáo dục và đạo tạo là làm sao có giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để trang bị năng lực ngoại ngữ cho công dân Việt Nam nói chung, đặc biệt cho giới trẻ. Chính vì vậy chúng ta đã có Đề án Ngoại ngữ 2020, mục tiêu quan trọng là nâng cao năng lực ngoại ngữ toàn diện, thực chất cho giới trẻ.
Trong Kỳ thi THPT quốc gia, việc đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc cũng là một trong những yếu tố, những giải pháp nhằm tạo động lực, đồng thời khuyến khích đặt ra các yêu cầu cho các cơ sở giáo dục đào tạo ở phổ thông nhanh chóng tạo mọi điều kiện đầy đủ, yếu tố để giảng dạy ngoại ngữ thực chất. Làm sao thế hệ học sinh sớm có năng lực ngoại ngữ đầy đủ nhất với 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc –Viết, tạo điều kiện có lợi, tạo công cụ chắc chắn để các em bước vững sau này.
Hạn thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 đang đến gần, năm nay đổi mới thi cử thì Bộ GD&ĐT có yêu cầu cụ thể nào cho các cơ sở giáo dục và đào tạo để địa phương chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ?
Ông Mai Văn Trinh: Sau một số năm thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 đã mang lại kết quả rất đáng khuyến khích, tạo nên sự chuyển biến, nhận biết rất rõ.
Trong thi cử, không phải từ năm nay mà từ năm trước (kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014) đã có sự đổi mới trong việc ra đề thi môn này. Đó là việc không chỉ có phần trắc nghiệm như trước đây, từ năm trước đã đưa cả phần viết vào đề.
Trong kỳ thi THPT quốc gian năm nay cũng sẽ tiếp tục đưa phần viết vào trong đề thi ngoại ngữ. Như vậy, đề thi ngoại ngữ năm nay sẽ có phần thi viết và phần trắc nghiệm, đây là giải pháp từng bước để hướng tới việc đánh giá toàn diện hơn về 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc –Viết.
Cũng trong đổi mới thi và xét tuyển năm nay, mỗi thí sinh sẽ có 4 phiếu công nhận kết quả thi, mỗi phiếu lại có 4 nguyện vọng, nhiều người lo lắng tình trạng ảo trong thi cử vẫn diễn ra và thậm chí là lớn hơn năm trước. Ông lo ngại về điều này không?
Ông Mai Văn Trinh: Hồ sơ ảo trong tuyển sinh rất khó tránh khỏi. Một trong những quan điểm chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia năm nay là giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội, hướng đến làm sao tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Khi mang quyền lợi tới cho thí sinh thì chắc chắc các cơ sở giáo dục đại học, các nhà trường sẽ vất vả hơn một chút.
Thí sinh tự do chỉ thi môn còn thiếu
"Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT, như vậy các em đã đáp ứng được một điều kiện để tham gia tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nếu thí sinh tự do mà tham gia kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì các em chỉ đăng ký dự thi các môn thi phù hợp với yêu cầu về tổ hợp môn thi của các ngành đào tạo của các trường mà các em định vào học.", ông Mai Văn Trinh nói về các thí sinh đã tốt nghiệp trước kia nay muốn thi vào đại học, cao đẳng năm nay.
Một trong số vất vả đó là có yếu tố thí sinh ảo, trong kỳ thi THPT quốc gia, sau khi có kết quả thi thì các em sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có 1 giấy được sử dụng cho đợt xét tuyển đầu tiên, trong quá trình xét tuyển như vậy các em thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng của mình.
Cứ 3 ngày một lần, các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai tình hình xét tuyển trên trang thông tin của trường theo danh sách từ cao xuống thấp, từ đó thí sinh biết được khả năng đỗ của mình như thế nào.
Kết thúc đợt xét tuyển thứ nhất, những em đã trúng tuyển đợt một sẽ không được tham gia xét tuyển những đợt bổ sung. Tất cả những giải pháp như vậy sẽ nhằm hỗ trợ cho thí sinh biết được khả năng của mình, đây cũng là giải pháp để giảm ảo. Đặc biệt năm nay sẽ có sự hỗ trợ của phần mềm tuyển sinh cũng sẽ khắc phục được phần thí sinh ảo.
Đến thời điểm này thì phần mềm tuyển sinh đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Đến thời điểm này phần mềm tuyển sinh đã sẵn sàng, phần mềm này được xây dựng rất hệ thống, bám sát quy chế thi, hướng tới thuận lợi cho người dùng trong khắp cả nước.
Phần mềm này cũng đã được thử nghiệm nhiều vòng. Đến ngày 19/3 tới sẽ chính thức được tập huấn cho các sở GD&ĐT, các trường đại học chủ trì cụm thi về quy chế thi, phầm mềm tuyển sinh…
Trân trọng cảm ơn ông./.