Bảy lý do khiến ngành sư phạm hút thí sinh

24/08/2024 07:53
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không ít thầy cô giáo hiện nay thu nhập từ dạy thêm hàng chục triệu/tháng rất trong sáng, không cần chiêu trò ép học sinh học thêm.

Là giáo viên phổ thông, người viết từng rất nhiều lần được phụ huynh hỏi ý kiến về việc chọn ngành, chọn nghề cho con theo học đại học. Không ít phụ huynh xưa nay vẫn cho rằng: "Con tôi học hành kiểu này chắc sau này không dám mơ Y, Dược, may ra cho đi sư phạm được thôi”.

Tuy nhiên, những ai có quan điểm học lực bình thường thì đi học sư phạm sẽ không còn phù hợp trong khoảng 4-5 năm qua. Đặc biệt đợt tuyển sinh đại học năm 2024, nhiều ngành sư phạm của các trường sư phạm có điểm chuẩn lên đến trên 28 điểm. Với mức điểm chuẩn như vậy, thí sinh nếu đạt 9 điểm/môn cũng vẫn trượt đại học như thường.

Tại sao ngành sư phạm năm nay lại thu hút học sinh như vậy, từ thực tế, người viết chia sẻ đôi điều về vấn đề này.

Thứ nhất, giáo viên ở nông thôn, đô thị nhỏ đã khá lên. Sau khi tăng lương cơ sở lên 2.340.000/tháng, có thể nói giáo viên đã có thể an tâm công tác, bớt được nỗi lo cơm áo gạo tiền, ở nông thôn giáo viên đã sống được bằng lương.

Giáo viên mới, có bằng đại học, sau khi hết tập sự có thu nhập gần 7 triệu/tháng, ở nông thôn, gần nhà, có thể nói đã tạm sống được bằng lương.

Với giáo viên có thâm niên từ 25 năm trở lên thu nhập cũng trên 15 triệu/tháng. Đây là "giấc mơ" của thầy cô giáo, cuộc sống phần nào bớt khó khăn so với trước đây.

Thực tế, trước đây giáo viên rất ít giáo viên cho con đi sư phạm, nhưng năm nay, ngay địa phương người viết có hàng chục giáo viên cho con nối nghiệp giáo của mình.

Trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển, giáo viên tư vấn cho con nguyện vọng vào sư phạm hoặc các ngành học mà sau này chỉ cần học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là đủ điều kiện thi tuyển viên chức sư phạm.

Thứ hai, phụ cấp thâm niên vẫn được tiếp tục được đề xuất trong dự thảo lần 3 của Luật Nhà giáo.

Phụ cấp thâm niên là một trong những phụ cấp thể hiện ưu đãi với những người gắn bó với nghề giáo, khuyến khích giáo viên giữ nghề, giúp giáo viên có tăng thu nhập, nên học sinh muốn được làm nghề giáo.

Thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trong đó có nội dung:

Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.

Thứ tư, ngoài lương đã được nâng lên, giáo viên vẫn có thể dạy thêm để tăng thu nhập.

Thực tế, không ít thầy cô giáo hiện nay thu nhập từ dạy thêm hàng chục triệu/tháng rất trong sáng, không cần chiêu trò ép học sinh học thêm.

Trong các trường vẫn tổ chức dạy thêm, các môn học Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, … giáo viên dạy cũng có thêm vài triệu/tháng.

Thứ năm, học ngành sư phạm không mất học phí mà còn có thể được trợ cấp theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng khi tuyển dụng lại không có người ứng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng không đến nhận nhiệm sở.

Điều này được giải thích do lương giáo viên mới trúng tuyển thấp, chưa chi trả được cuộc sống, đặc biệt là vùng đô thị lớn hay giáo viên phải thuê nhà trọ.

Thực tế, sinh viên hiện nay tốt nghiệp ra làm trái ngành nghề đã học rất nhiều, học sư phạm xong, có thể làm việc khác nhưng thu nhập cao hơn hẳn giáo viên chưa có thâm niên.

Nên học sinh không có điều kiện tài chính, có điểm thi cao, chỉ cần học lấy bằng đại học rồi làm trái nghề nên lựa chọn học sư phạm làm cho tỷ lệ chọi cao hơn hẳn các ngành khác.

Thứ sáu, thị trường lao động lớn. Thông tin năm học 2024-2025 cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp nhưng chưa tuyển hết biên chế được giao [1] làm cho thí sinh tin tưởng vào khả năng có việc làm sau này, nên đổ xô vào sư phạm.

Thứ bảy, cơ chế tuyển dụng giáo viên có thể thay đổi, đơn giản hơn, dễ trúng tuyển hơn. Dự thảo Luật nhà giáo đã đề xuất thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm.

Nếu thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm, công tác tuyển giáo viên sẽ kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế, giúp cơ quan tuyển dụng tuyển được người, và ngược lại sinh viên sư phạm có việc làm.

Không ít học sinh mơ ước có một vị trí học trong ngành sư phạm nhưng rất khó đạt được, mong rằng mỗi giáo viên dù còn khó khăn trong cuộc sống, cũng thấy may mắn, vinh dự, tự hào để tiếp tục gắn bó với nghề.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://plo.vn/ca-nuoc-thieu-hon-100000-giao-vien-cac-cap-post805879.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai