Nở rộ các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thiếu chất lượng
Sau một hồi “thương lượng” người tên Yến đành phải nói thật:
“Nếu anh gom được cho em lớp khoảng hơn 20 người thì bên em sẽ mở lớp.
Giáo viên nhiều tỉnh vật lộn đóng tiền học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp |
Đảm bảo học trong một tuần là có thể thi.
Thi mọi người yên tâm có tài liệu chép.
Chưa ai trượt bao giờ trừ khi để giấy trắng”.
Đấy là một trong những lời chào mời rất điển hình của các trung tâm đứng ra tổ chức các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Lần theo một trung tâm như vậy có trụ sở tại số 68 (Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Hà Nội) phóng viên được chào mời nhiệt tình vào các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Các lớp bồi dưỡng kiểu này tự xưng liên kết với đơn vị giảng dạy và cấp chứng chỉ là trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Theo người tư vấn tên Yến cho biết: Trung tâm thường xuyên mở các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề liên kết với đơn vị được cấp chứng chỉ là trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Để có thể đăng ký và theo học các lớp như này học viên phải đóng khoảng 3 triệu đồng.
Nhiều trung tâm liên kết với các trường Đại học mở các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp một cách vô tội vạ (Ảnh: Vũ Ninh) |
Tuy nhiên theo như lời quảng cáo của trung tâm học viên chỉ cần học trong khoảng 1 tuần là có thể thi chứng chỉ và cam kết đỗ 100% (trừ trường hợp để giấy trắng).
Ngoài ra, trong trường hợp học viên không muốn học hoàn toàn có thể đóng tiền rồi đến ngày thi tự tin đi thi hoặc làm bài thu hoạch tại trung tâm đó.
“Vậy ai sẽ là người làm bài thu hoạch nếu như học viên không đi học” – phóng viên hỏi?
Tư vấn viên Yến cười: “Cái này không phải lo anh ạ! Sẽ có giáo viên làm bài thu hoạch cho anh”.
Yến giải thích cặn kẽ: “Bây giờ nhu cầu mọi người học cái này đông lắm.
Nhưng cũng phải đảm bảo cho em khoảng trên 20 người chúng em mới có thể đứng ra mở lớp. Học trong vòng 1 tuần là có thể thi chứng chỉ.
Khi đi thi bọn em sẽ có tài liệu để mọi người chép. Chỉ sau 3-4 ngày là có chứng chỉ do trường Đại học Sư phạm Hà Nội cấp.
Bên em cam kết hỗ trợ thi đảm bảo đỗ 100%. Khi thi có tài liệu cho mọi người chép.
Anh chị nào bận hoặc ở xa có thể không đến học cũng được. Đến ngày thi đảm bảo đi thi cho em là được còn không phải lo về mặt kết quả”.
Chứng chỉ được cấp sau 3 ngày, không cần học, sau hôm đăng ký có thể đi thi hoặc làm bài thu hoạch (Ảnh: Vũ Ninh) |
Một giáo viên tại Hà Nội, đã từng tham gia học và thi chứng chỉ tại các lớp học như này, cô Đỗ Thị Hoa cho biết:
“Chúng tôi đến đây đóng 3 triệu gồm cả tiền quỹ lớp.
Lúc đầu họ nói là học trong 2 tháng. Nhưng sau thì học kéo lịch lại hơn 1 tuần khoảng 10 buổi là cho thi.
Ai thích thì đến học không thì thôi, tiền họ cầm rồi. Sau đấy thì thi chứng chỉ.
Họ hướng dẫn mình cách chép tài liệu và làm bài thu hoạch. Ai không có thời gian có thể thuê luôn người làm bài thu hoạch.
Khi thi thì họ phát tài liệu cho mình chép. Tôi chưa thấy ai thi trượt bao giờ.
Nhưng tôi thấy hiệu quả của việc học này không cao. Nói thẳng là tốn thời gian và phí tiền”.
Học như này chẳng khác nào bỏ tiền mua chứng chỉ
Việc giáo viên phải tham gia những lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp kém chất lượng và phải đọc học phí tương đối cao vài triệu đồng đặt ra một dấu hỏi liệu các địa phương đang “mũ ni che tai”.
Lấy ví dụ tại tỉnh Vĩnh Phúc, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều giáo viên: Trong nhiều năm qua vẫn đang tồn tại tình trạng chỉ cần đóng học phí, không cần học, không cần ôn thi. Sau một hôm là được đưa đi thi chứng chỉ, cam kết thi đỗ.
Cô N.T.H, giáo viên tại tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh: “Nhiều năm nay tại tỉnh tôi có tình trạng giáo viên chỉ cần đóng tiền, không cần học mà vẫn đi thi chứng chỉ thăng hạng.
Bản thân tôi năm ngoái cũng đóng tiền là 2,8 triệu đồng. Hôm sau là được đưa lên xe đi thi chứng chỉ luôn chẳng phải ôn, chẳng phải học gì cả.
Tôi chẳng hiểu học cái lớp này báu bở gì mà học phí lại quá đắt”.
Hình thức học kiểu này chẳng khác nào bỏ tiền ra mua chứng chỉ, không hiệu quả và không thực học (Ảnh: Vũ Ninh) |
Chung nỗi niềm với cô H. nhiều giáo viên tại các địa phương trên cả nước đặc biệt là vùng khó khăn tỏ ra rất bức xúc vì phải đóng một số tiền quá lớn để tham gia một lớp học mà họ biết chắc chỉ là học cho có.
Cô giáo Vũ Thị Thu Dung (Hòa Bình) bày tỏ: “Tại sao một lớp học chỉ học có 8 buổi lại thu học phí đắt như thế?
Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp phải vay tiền, xoay sở đủ kiểu để có thể đóng học phí.
Ngoài ra chúng tôi rất bức xúc vì chất lượng các lớp học như thế này thực sự quá kém.
Nếu chỉ cần bỏ tiền ra đóng học phí rồi thi thì khác nào chúng tôi đang mua chứng chỉ”.
Giáo viên nhiều tỉnh đăng ký đi học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp với học phí cao: (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn) |
Như vậy giáo viên đang phải thỏa hiệp với 1 dạng “tiêu cực” khác tương tự như chứng chỉ tiếng Anh, tin học.
Đó là phải chấp nhận đóng tiền (không cần học) để có được chứng chỉ phục vụ nâng hạng.
Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng chứng minh sự bát nháo trong việc tổ chức các lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp: không cần phải học, học từ xa, làm bài thu hoạch hộ...
Điều chúng tôi băn khoăn: Giáo viên chắc chắn chẳng bao giờ muốn bỏ tiền học phí lớn để đi học những điều không thiết thực hoặc nói thẳng ra là bỏ tiền để mua chứng chỉ.
Vậy kẽ hở nào và các nhân, đơn vị nào cố tình “vẽ vời” các lớp học như trên để “vặt tiền” của giáo viên.
Những “chú vịt” biết trước là sẽ bị vặt lông và vặt đến những cọng lông cuối cùng.
Trớ trêu thay! những chú vịt đó không bị vặt lông ở đâu khác mà lại bị vặt lông trên chính giảng đường.