Bị bạn đánh cách ứng xử của nam sinh lớp 7 khiến người lớn “ngả mũ”

14/09/2022 06:26
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mới đây, câu chuyện của một nam sinh lớp 7 bị bạn trêu chọc và đẩy ngã trên lớp đã khiến nhiều bậc phụ huynh phải ngưỡng mộ vì cách ứng xử văn minh, tinh tế.

Bạo lực học đường có lẽ là một trong những vấn nạn lớn của ngành giáo dục, khi đâu đó trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những câu chuyện xuất phát từ những nguyên nhân vốn dĩ rất nhỏ nhặt.

Chính vì thế, ứng xử tinh tế và văn minh của cậu học trò lớp 7 dưới đây, đã khiến nhiều người lớn phải “ngả mũ” thán phục, vì nếu đặt vào vị trí vào một phụ huynh có con em bị đánh, chưa chắc đã có thể bình tĩnh và cư xử chuẩn mực như cậu bé.

- Cháu chào chú. Chú có phải bố của bạn Đức Dương không ạ?

- Đúng rồi. Cháu là ai?

- Cháu là bạn của Đức Dương ạ. Hôm nay cháu muốn nói với chú, bạn Dương đánh cháu. Vào buổi chiều. Lúc ra chơi thì bạn chỉ trêu trêu thôi ạ.

- Vào lúc nào, đánh vào đâu cháu? Có đau lắm không để chú bảo lại bạn Dương?

- Bạn ấy lấy con gấu bông định chọc vào mặt kiểu trêu thôi ạ, nên cháu không nghĩ nhiều. Nhưng bạn ấy chọc vào mặt cháu liên tục. Lúc đấy cháu mới lấy tay bỏ con gấu ra. Tại cháu thấy hơi quá...

- Rồi sao nữa cháu?

- Thế là bạn ấy tức (vì chắc bạn tưởng cháu muốn gây sự), nên bạn ấy lấy con gấu bông đập vào đầu cháu. Lúc đấy cháu nghĩ không ai là không tức khi bị ai đó trêu quá mức, cháu mới đẩy bạn ra để bạn không làm thế nữa. Bạn ấy giật tóc và đánh cháu, bây giờ cháu sờ nhẹ nhưng khá đau... Rồi cuối cùng bạn đẩy mạnh cháu ngã vô bàn, xong rồi bạn ấy nói “đừng tưởng mình to xác nhé”.

Cháu đành phải nói với chú vì cháu không muốn nói với bố mẹ cháu, sợ bố mẹ cháu nóng tính, cháu không muốn lớn chuyện. Nhưng chú đừng lo quá vì giờ cháu chỉ bị đau một chút khi sờ vào đầu thôi.

Nhưng nếu bạn Dương bảo cháu gây sự trước thì cháu bị bạn ý trêu trước, chính bạn đã tiến xuống bàn và trêu.

Lỗi của bạn Dương là hơi dễ nóng, còn cháu thì có lỗi khi không báo cho bố mẹ hay ai mà lại gây phiền cho chú ạ. Cháu xin hết ạ. Cháu cảm ơn chú đã lắng nghe.

- Để chú hỏi lại bạn Dương đầu đuôi câu chuyện. Nếu Dương có lỗi chú sẽ bắt bạn Dương xin lỗi cháu. Có gì mong cháu bỏ qua cho bạn ấy.

- Vâng ạ. Cháu sẵn lòng bỏ qua cho bạn ấy ạ. Cháu chào chú...

Một đoạn tin nhắn giữa cậu bé lớp 7 bị bạn trêu chọc với phụ huynh của bạn học. (Ảnh: GĐCC).

Một đoạn tin nhắn giữa cậu bé lớp 7 bị bạn trêu chọc với phụ huynh của bạn học. (Ảnh: GĐCC).

Đây là đoạn tin nhắn giữa Nguyễn Hữu Nguyên Khôi - học sinh lớp 7A6, Trường Trung học cơ sở Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - cậu bé chủ động viết tin nhắn gửi bố của bạn Đức Dương, sau khi sự việc trên xảy ra ở trường.

Sau khi nhận được những dòng tin nhắn trên, phụ huynh của Đức Dương đã nói chuyện với con trai mình. Họ bình tĩnh hỏi sự tình, và giải thích cho con rằng, Nguyên Khôi là một người bạn rất tuyệt.

Đức Dương (bên phải) xin lỗi Nguyên Khôi và rủ bạn đi ăn kem để chuộc lỗi. (Ảnh: GĐCC).

Đức Dương (bên phải) xin lỗi Nguyên Khôi và rủ bạn đi ăn kem để chuộc lỗi. (Ảnh: GĐCC).

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thùy Hương (mẹ của Đức Dương) cho biết: “Sau khi Nguyên Khôi nhắn tin cho bố của Đức Dương, buổi tối, sau khi dùng bữa xong, bố mẹ ngồi lại cùng Đức Dương, hỏi rõ sự tình là sao hôm nay đi học con lại đánh bạn, lại còn mắng bạn là “Đừng tưởng mình to xác nhé”? Con có biết, bạn lớn hơn con, bạn không đánh lại là bạn đang nhường con, chứ không phải bạn không đánh được con. Nếu như gặp phải bạn “đầu gấu” hơn là con bị đánh rồi đó, con có biết không?

Chưa kể, việc con xô bạn ngã vào bàn là rất nguy hiểm, nhỡ may bạn bị thương thì con tính sao, rồi bố mẹ bạn ấy báo cáo nhà trường việc con đánh bạn thì sao?

Đức Dương chống chế, nói là lúc đấy cũng có vài bạn trêu bạn ấy chứ không phải một mình con, con chỉ đùa thôi... Mà sao việc này bố lại biết? Cô giáo cũng có biết đâu, sự việc này chỉ xảy ra có vài phút thôi mà...

Lúc này, chúng tôi nói với con: “Bố mẹ nhận thấy, Nguyên Khôi là người bạn rất tốt, biết cách ứng xử, con nên chơi thân với bạn ấy nhé! Ngày mai, con đến trường, xin lỗi bạn ngay và tự lấy tiền tiết kiệm của mình mời Nguyên Khôi cùng các bạn ăn quà nhé!”.

Đức Dương cúi đầu nói “Vâng ạ!”.

Và hôm sau đi học, Đức Dương đã làm đúng như lời bố mẹ dặn. Đức Dương nói: “Hôm qua cậu nhắn tin cho bố tớ à? Tớ xin lỗi vì đùa quá trớn và nóng tính”. Nguyên Khôi cũng nói “bỏ qua” rồi các bạn rủ nhau đi ăn kem và lại chơi thân thiết với nhau”.

Chị Thùy Hương cũng bày tỏ: “Sau khi đọc được những dòng tin nhắn của cậu bé Nguyên Khôi gửi cho chồng tôi - là bố Đức Dương, cảm xúc đầu tiên là tôi thấy rất ngạc nhiên về cách ứng xử rất tế nhị, văn minh, có học thức của cậu bé. Tôi nhận thấy chuyện này nhỏ thôi nhưng nói lên ứng xử rất tinh tế của một cậu bé vừa bước vào lớp 7. Đã thế còn tìm ra được số điện thoại của phụ huynh và mạnh dạn nhắn tin chia sẻ nỗi bức xúc.

Tôi thấy cần thiết phải chia sẻ câu chuyện nhỏ đầy tính nhân văn trong cách ứng xử của cậu bé, mà ngay cả người lớn chúng ta, chưa chắc đã làm được như vậy...”.

Chị Thuỳ Hương muốn chia sẻ câu chuyện nhỏ này để lan tỏa như một bài học về sự lắng nghe, tôn trọng con trẻ và đặc biệt là khuyến khích con trẻ có những ứng xử phù hợp, bình tĩnh trong bất cứ tình huống nào.

Nếu mỗi đứa trẻ đều có thể bình tĩnh và lựa chọn cách ứng xử văn minh như vậy, tin chắc, sẽ không còn chỗ cho bạo lực học đường.

Ngân Chi