Bị phản ánh miễn, giảm học phí sai đối tượng, Trung cấp Lê Thị Riêng nói gì?

31/07/2023 08:47
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học viên học lý thuyết tại Trường THPT Trần Nhân Tông, học thực hành tại Trường trung cấp Lê Thị Riêng và Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông.

Vừa qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của bạn đọc cho rằng, việc miễn, giảm học phí của Trường trung cấp Lê Thị Riêng (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) sai đối tượng.

Theo đơn phản ánh của người dân này, họ vô tình thấy và đọc được Hợp đồng liên kết đào tạo giữa Trường trung cấp Lê Thị Riêng và Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh).

Miễn giảm học phí sai đối tượng?

Bạn đọc cho rằng: "Trường trung học phổ thông thì không được dạy nghề trung cấp. Hơn nữa, kinh phí thực hiện như Hợp đồng ghi thì theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, đối tượng là học sinh trung học phổ thông Trần Nhân Tông có thuộc diện được thụ hưởng miễn, giảm học phí theo Nghị định này không, liệu có đảm bảo nội dung và có gây lãng phí ngân sách của nhà nước không?".

Bạn đọc đã được cung cấp Hợp đồng liên kết đặt địa điểm đào tạo, do bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp Lê Thị Riêng (đại diện bên A) và bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông (đại diện bên B) ký ngày 27/9/2021. Hợp đồng này có số 86/HĐLKĐT-TCLTR, được lãnh đạo cả hai bên ký và đóng dấu của trường.

Trích trang 4 của Hợp đồng ký giữa Trường trung cấp Lê Thị Riêng và Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông (ảnh chụp màn hình)

Trích trang 4 của Hợp đồng ký giữa Trường trung cấp Lê Thị Riêng và Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông (ảnh chụp màn hình)

Nội dung hợp đồng này ghi rõ: Hai bên liên kết tổ chức đào tạo trung cấp cho học sinh, người lao động, nghề Kỹ thuật chế biến món ăn theo hình thức văn bằng trung cấp chính quy, với số lượng 24 học sinh.

Thời gian đào tạo là 15 tháng, thực hiện trong 1,5 năm (bắt đầu từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2023). Học viên sẽ học lý thuyết tại Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, học thực hành tại Trường trung cấp Lê Thị Riêng và Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông.

Hình thức liên kết: Liên kết đặt địa điểm đào tạo tại địa điểm của bên B (Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông).

Giá trị hợp đồng là 50.760.000 đồng (3.384.000 đồng/tháng), thanh toán theo từng học kỳ (5 tháng) vào cuối mỗi học kỳ, ngay sau khi bên B hỗ trợ bên A hoàn thiện hồ sơ quản lý, đào tạo và hồ sơ quyết toán.

Trách nhiệm của mỗi bên được ghi rất cụ thể trong hợp đồng này, trong đó bên A (Trường trung cấp Lê Thị Riêng) cần cung cấp cho bên B chương trình, kế hoạch giảng dạy chi tiết các môn học, thông báo cho bên B bằng văn bản lịch thi, danh sách học sinh bị cấm thi, phối hợp với bên B bố trí giáo viên đạt chuẩn giảng dạy, nội dung chương trình dạy nghề trình độ trung cấp…

Đặc biệt, trách nhiệm của bên B (Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông) có nội dung chiêu sinh, xét duyệt hồ sơ, danh sách học viên trước khi nhập học, đảm bảo tổng số 20 học sinh trở lên mới tổ chức lớp học..

Ngoài ra, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam còn được cung cấp Quyết định số 174/QĐ-TTC.LTR, do bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh – Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Lê Thị Riêng ký ngày 31/12/2021, về cấp bù kinh phí cho 24 học sinh hệ Trung cấp Kỹ thuật chế biến món ăn trong học kỳ 1 năm 2022.

Danh sách này là các học sinh có năm sinh từ 2004, 2005 và 2006 (tính đến năm 2022 đã là 16,17 và 18 tuổi).

Trường trung cấp Lê Thị Riêng nói gì về việc này?

Để thông tin khách quan và đa chiều, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh – Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Lê Thị Riêng, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh cho biết, căn cứ vào điểm số 17 – điều 15 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ghi rõ, người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp là đối tượng được miễn, giảm học phí.

Điểm số 3 của điều 20 thuộc Nghị định 81/2021/NĐ-CP ghi rõ “Nhà nước cấp trực tiếp tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí…”

Do đó, bà Ánh khẳng định rằng, Trường trung cấp Lê Thị Riêng đã không xét duyệt việc miễn, giảm học phí sai đối tượng.

Trường trung cấp Lê Thị Riêng, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: VD)

Trường trung cấp Lê Thị Riêng, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: VD)

Căn cứ vào điểm b, khoản 1, điều 21 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, tất cả hồ sơ về các đối tượng được miễn, giảm học phí đều phải nộp hết hồ sơ lên Kho bạc Nhà nước kiểm duyệt, kiểm soát hồ sơ xong mới được nhận tiền.

Hồ sơ này có đầy đủ hóa đơn, chứng từ rõ ràng, từ Quyết định cấp bù học phí, danh sách học viên được miễn giảm học phí có chữ ký nhận của học viên.

Nếu học viên không ký nhận, không có đơn xin miễn giảm học phí thì không thể nào cấp bù học phí được, nên bà Ánh nhấn mạnh là không có gì tham nhũng chính sách trong việc này.

Về nội dung hợp đồng liên kết với Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh nói rằng, hợp đồng với Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông chỉ là thuê địa điểm đào tạo, do nhiều học viên của trường khi đó cư trú ở Quận Bình Tân, chủ yếu là con em công nhân, kinh tế khó khăn, lại chưa đủ 18 tuổi để đi xe gắn máy.

Từ Quận Bình Tân lên Trường trung cấp Lê Thị Riêng lại quá xa về khoảng cách, nên trường mới thuê địa điểm dưới đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, nên việc làm này cũng không có gì sai.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Quận Bình Tân xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tại thời điểm ký hợp đồng số 86/HĐLKĐT - TCLTR, trường chỉ có cho Trường trung cấp Lê Thị Riêng thuê phòng học, và có thu phí.

Là cơ quan chủ quản của Trường trung cấp Lê Thị Riêng, bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hội cũng đã nhận được những thông tin phản ánh giống như nội dung bạn đọc gửi tới Tạp chí.

Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, hiện Hội vẫn đang tiến hành xác minh, làm rõ, và chưa có kết quả cuối cùng.

Ông Nguyễn Trí Thành - Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Sở cũng nhận được thông tin phản ánh với nội dung giống như vậy.

Hiện lãnh đạo Sở đã giao cho Thanh tra Sở tiến hành xác minh, làm rõ vấn đề, rồi sau đó mới có kết quả và sẽ công bố sau.

Một câu hỏi cũng được đặt ra là theo hợp đồng ghi, trách nhiệm của bên B (Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông) có nội dung chiêu sinh, xét duyệt hồ sơ, danh sách học viên trước khi nhập học, đảm bảo tổng số 20 học sinh trở lên mới tổ chức lớp học...Vậy Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông có được giao chức năng, nhiệm vụ này không? Bạn đọc cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần làm rõ vấn đề này?

Việt Dũng