Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, giám thị ở Thành phố Hồ Chí Minh được chi trả thù lao 800.000 đồng/người/ngày, còn nhân viên phục vụ được 400.000 đồng/người/ngày.
Thế nhưng, giáo viên được điều động làm thanh tra thi (thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố) chỉ nhận được 350.000 đồng/người/ngày (4 ngày làm nhiệm vụ).
Điều đáng nói, đến tận ngày 25/8 (tức là gần 2 tháng sau kỳ thi) giáo viên làm thanh tra thi mới nhận được 1.400.000 đồng/người cho cả kỳ thi khiến thầy cô vừa chạnh lòng, vừa bức xúc.
Gần 2 tháng sau kì thi tốt nghiệp giáo viên làm thanh tra mới nhận được thù lao. (Ảnh: Ánh Dương) |
Ngày 26/8, phụ trách đoàn thanh tra thi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin trong nhóm Zalo giáo viên làm nhiệm vụ có nội dung như sau:
"Kính gửi quý thầy cô: Tại thời điểm này, Nghị quyết 26 không quy định mức chi cho bộ phận tham gia công tác thanh tra các kỳ thi, nên Sở Giáo dục thực hiện chi theo Thông tư 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông và Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị".
Tin nhắn về chế độ công tác phí cho giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Ánh Dương) |
Nhận được tin nhắn này, nhiều giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 cho rằng cách trả lời này chưa thuyết phục.
Thứ nhất, ngày 9/12/2021 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi để thực hiện công tác tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn Thành phố. [1]
Theo đó, Nghị quyết cho biết, những kỳ thi, cuộc thi, hội thi được áp dụng mức chi bằng 100% mức chi quy định tại Phần II Phụ lục này bao gồm 13 nội dung, trong đó có kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phụ lục quy định mức chi tổ chức các kì thi. (Ảnh: Ánh Dương) |
Đối với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông không thể thiếu khâu tổ chức và hoạt động thanh tra, điều này được quy định ở Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT ngày 13/10/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]
Nếu cho rằng, "Nghị quyết 26 không quy định mức chi cho bộ phận tham gia công tác thanh tra các kỳ thi" thì đây là lỗi của những người tham mưu chính sách pháp luật và cơ quan ban hành văn bản, không phải lỗi của giáo viên.
Thứ hai, Phụ lục Thông tư 26/2021/NQ-HĐND ghi rõ: "Đối với các kỳ thi, cuộc thi, hội thi phát sinh ngoài các danh mục nêu trên cấp Thành phố, cấp quận (thành phố Thủ Đức và quận, huyện), Ủy ban Nhân dân Thành phố trình Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định nội dung, mức chi phù hợp với tình hình thực tế không vượt quá quy định Nghị quyết này".
Hơn nữa, thầy cô cho rằng, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Thông tư 69/2021/TT-BTC và Thông tư 40/2017/TT-BTC để chi trả 350.000 đồng/người/ngày là chưa thỏa đáng.
Bởi, Điều 1 Thông tư 26/2021/NQ-HĐND quy định phạm vi điều chỉnh - đối tượng áp dụng rất rõ ràng:
"Nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi thực hiện các nhiệm vụ thuộc công tác chuẩn bị, tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan được cơ quan có thẩm quyền giao tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 1 nghị quyết này".
Hay nói cách khác, với quy định này, Thông tư 26/2021/NQ-HĐND đã thay thế Thông tư 69/2021/TT-BTC và Thông tư 40/2017/TT-BTC trước đó.
Ngoài ra, nhiều giáo viên làm thanh tra kì thi đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cần tham vấn ý kiến để có chế độ để chi trả tiền công cho thầy cô (hơn 500 giáo viên) sao cho hợp lí.
Thực tế cho thấy, thanh tra thi phải chịu rất nhiều áp lực, căng thẳng vì họ phải làm các nhiệm vụ nhằm mục đích:
Hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 góp phần giúp kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi;
Giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia Kỳ thi thực hiện đúng quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có);
Phát hiện những bất cập (nếu có) để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi và cơ chế, chính sách liên quan đến kỳ thi trong những năm tiếp theo.
"Thanh tra thi làm việc nhiều hơn giám thị một ngày, chúng tôi phải đi sớm về muộn để xử lí các công việc có liên quan rất vất vả. Có lẽ sang năm chúng tôi sẽ từ chối nhiệm vụ này để làm giám thị nếu không được Sở Giáo dục Thành phố giải quyết chế độ thỏa đáng", một giáo viên bày tỏ.
Lãnh đạo Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nói gì ?
Ngày 31/8, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đúng là thanh tra của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi tháng 7 vừa qua được chi 350.000 đồng/ngày.
Ông Hồ Tấn Minh giải thích, sở dĩ thanh tra kỳ thi được chi tiền thấp hơn giám thị, nhân viên phục vụ kỳ thi này là do Nghị quyết 26/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không có quy định mức chi dành cho bộ phận làm công tác thanh tra kỳ thi.
Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện chi theo Thông tư 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021, Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài Chính. Thanh tra phải chi theo chế độ khác.
Chế độ chính sách ở thời điểm nào, thì chi tiền theo quy định ở thời điểm đó. Kinh phí thì phải nằm trong khung thì mới có thể chi tiền được.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang làm quy trình, xin thêm chế độ đặc thù cho các giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thanh tra cho các kỳ thi, phải trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét và quyết định.
Đối với thắc mắc của thầy cô làm công tác thanh tra là vì sao nhận được tiền trễ, ông Hồ Tấn Minh nói tiếp, là do có một số thầy cô điền sai số tài khoản, sai tên ngân hàng, hoặc tên người không trùng với số tài khoản, sai số căn cước công dân…
Do đây là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ chuyển khoản, nên tất cả thông tin phải đúng, trùng khớp, thì Kho bạc Nhà nước mới có thể chuyển tiền được, không thì phải điều chỉnh lại.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-26-2021-NQ-HDND-noi-dung-muc-chi-to-chuc-ky-thi-cuoc-thi-giao-duc-Ho-Chi-Minh-501946.aspx
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-23-2016-TT-BGDDT-to-chuc-hoat-dong-thanh-tra-cac-ky-thi-326072.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.