Liên quan đến vụ việc Học sinh đánh nhau, phụ huynh tố Hiệu trưởng THCS Hà Hồi thờ ơ, chiều 19/8, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Như Ý (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín, Hà Nội) cho hay, Phòng đã làm việc với nhà trường và yêu cầu Hiệu trưởng Nguyễn Thị Dung giải trình về vụ việc.
Theo thầy Ý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đối với vụ việc học sinh B. (con phụ huynh A.) bị đánh vào ngày 8/8, ngày 9/8 giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu các em viết bản tường trình. Ngày 10/8, Hiệu trưởng tổ chức Hội nghị để xử lí vụ việc.
"Về vụ việc trên, phụ huynh khiếu nại với Hiệu trưởng thì nhận được câu trả lời không có lửa làm sao có khói, cô Dung khẳng định là không phát ngôn câu đó", thầy Ý cho hay.
Đối với vụ việc còn lại của con phụ huynh Q. bị đánh (xảy ra trước vụ ngày 8/8), vào ngày 12/8, phụ huynh Q. đến nhà trường và tự ý vào trường gặp Hiệu trưởng. Lúc này, Hiệu trưởng yêu cầu phụ huynh phải làm đúng "quy trình" khi vào trường gặp Hiệu trưởng là phải xin phép ban lãnh đạo nhà trường.
"Phản ánh của phụ huynh Q. về việc Hiệu trưởng nói giải quyết theo đúng quy trình là đúng", thầy Ý nói.
Trường trung học cơ sở Hà Hồi. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Tuy nhiên, theo giải trình của cô Dung, việc con của phụ huynh Q. bị nhóm em D.C. đánh xảy ra vào ngày 31/7, Hiệu trưởng cho hay em D.C mới vào nhập học tại trường ngày 3/8. Trong báo cáo giải trình không thấy nói tới ngày 31/7.
Về việc phụ huynh phản ánh năm nào nhà trường cũng có vụ đánh nhau, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín cho hay, cô Nguyễn Thị Dung về công tác vị trí Hiệu trưởng từ ngày 25/5/2019, sau đó bước sang năm học mới thì dịch Covid-19 nên các em không đến trường. Bởi vậy, thông tin này không chính xác.
Nhận định việc cô Dung "né" trả lời báo chí, thầy Ý nói, cơ quan báo chí phỏng vấn Hiệu trưởng là để có cái nhìn khách quan về sự việc, tuy nhiên cách xử lý của cô Dung còn "chậm, ngại va chạm".
"Chúng tôi đã trao đổi với cô Dung, việc báo chí phỏng vấn cô cũng là để chia sẻ cho mọi người hiểu rõ sự việc, tuy nhiên cách xử lý của cô Dung còn chậm, ngại va chạm. Chúng tôi cũng đã phê bình cô Dung về điều này", thầy Ý nói và cho hay đơn vị cũng đã báo cáo sự việc lên cấp trên.
Về thông tin Hiệu trưởng Trung học cơ sở Hà Hồi giải trình liên quan đến nội dung Hiệu trưởng yêu cầu chị Q. phải giải quyết theo đúng "quy trình", chị Q. cho hay, bản thân chị đã thực hiện rất đúng quy trình.
Cụ thể, chị Q. cho hay, sau khi biết thông tin con bị đánh, chị đã báo ngay cho cô chủ nhiệm. Giáo viên nói rằng phụ huynh về theo dõi các con, bởi chúng đang tuổi mới lớn... Sau đó, chị Q. đã đến trường và đến lớp có hai học sinh đánh con nhà chị là cháu D.C (học cùng lớp con chị Q.) và cháu P.A (học lớp khác) để báo cáo giáo viên cho gặp riêng hai học sinh này, để hỏi rõ sự tình. "Khi gặp, hai cháu đều thừa nhận là đã đánh con tôi. Sau đó, tôi hỏi giáo viên chủ nhiệm bạn P.A là phải giải quyết như nào, cô nói phụ huynh lên phòng gặp Hiệu trưởng", chị Q. cho hay. Chị Q. Hiệu trưởng giải trình là phải xin phép ban lãnh đạo trường, vậy trong trường bà Dung là Hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường còn xin phép ai nữa?
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, chị N.Q (có con gái năm nay lên lớp 7) phản ánh với phóng viên, vào sáng ngày 11/8 vừa qua, chị nhận được thông tin từ một phụ huynh tên A. phản ánh rằng con của chị là B. từng bị một nhóm bạn trong trường đe dọa, hành hung. Con chị A. cũng bị nhóm này đe dọa và bắt quỳ.
Sau đó, chị A. có đã đến trường để gặp Hiệu trưởng nhà trường là bà Nguyễn Thị Dung thì Hiệu trưởng có trả lời: "Không có lửa làm gì có khói".
Về trường hợp của con chị Q., vị phụ huynh này chia sẻ, con chị bị tát và giật tóc, sau đó nhóm bạn D.C bắt cháu quỳ nhưng không được. Nhóm này còn đe dọa cấm con gái chị Q. mách thầy cô, phụ huynh. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc nhóm bạn đánh con chị Q. được cho là do "nói xấu" trên mạng xã hội.
"Con gái tôi nói bị bạn D.C. cùng 3 bạn khác (1 bạn học lớp 7, 1 bạn học lớp 9 và 1 bạn học ở trường khác) đợi ở ngoài cổng trường khi tan học. Sau đó, D.C. và nhóm bạn quây con tôi, rồi để bạn P.A (học lớp 7) có vóc dáng to lớn đánh", chị Q. kể lại.
Con gái chị Q, bị nhóm bạn của D.C. đánh ngày 31/7, nhưng khi về nhà cháu chỉ dám im lặng vì sợ bị trả thù. Kiểm tra tin nhắn Facebook của con gái, chị Q. phát hiện con bị chửi bới thậm tệ với những ngôn từ vô văn hóa từ D.C.
Sau khi nắm bắt được tình hình sự việc, chị Q. đã lên trường yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường có biện pháp phối hợp với phụ huynh để xử lý triệt để tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường là bà Nguyễn Thị Dung yêu cầu chị Q. phải giải quyết đúng "quy trình", chứ không được lên trực tiếp gặp hiệu trưởng.
"Tôi hỏi Hiệu trưởng là đúng quy trình phải làm như nào, tuy nhiên, cô Dung không trả lời", chị Q. cho hay.
Chị Q. kể tiếp, khi thấy chị lớn tiếng, Phó Hiệu trưởng ở phòng bên cạnh đã sang khuyên giải chị và đưa ra biện pháp giải quyết là yêu cầu các em viết bản tường trình cùng cam kết không tái phạm.
"Năm nào cũng có vụ đánh nhau giữa học sinh trong trường nhưng Hiệu trưởng không có biện pháp giải quyết triệt để. Bạo lực học đường diễn ra như vậy, phụ huynh làm sao yên tâm khi gửi gắm con em cho nhà trường giáo dục. Bên cạnh đó với môi trường giáo dục không chấm dứt được bạo lực như vậy thì sau này các em ra trường sẽ là con người như nào?", chị Q. bức xúc nói.
Vị phụ huynh cũng cho rằng, với thái độ thờ ơ đòi theo quy trình của Hiệu trưởng chắc chắn sẽ còn nhiều vụ bạo lực học đường khác xảy ra.
"Đáng lẽ, lãnh đạo nhà trường phải nhanh nhạy nắm bắt thông tin học sinh gây gổ, đánh nhau để từ đó mời phụ huynh của các em lên để giải quyết. Tuy nhiên, lãnh đạo trường Trung học cơ sở Hà Hồi không làm được điều này", chị Q. nói.