Học sinh đánh nhau, nhà trường và phụ huynh xử lý thế nào cho phù hợp?

04/06/2022 07:00
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường và phụ huynh phải cùng phối hợp giải quyết, không làm phức tạp thêm tình hình là điều cần thiết nhất trong việc giải quyết bạo lực học đường.

Những ngày vừa qua, vụ việc học sinh bị đánh ở Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC-AA) đã nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi câu chuyện này được chính mẹ của học sinh bị đánh livestream qua mạng xã hội.

Từ sự việc này, báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị chỉ đạo xử lý vụ việc này và báo cáo về Bộ.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản 1781/UBND-VX gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo vụ việc bạo lực trong học sinh tại Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC-AA).

Rõ ràng, bạo lực học đường vẫn đang khiến cho nhiều người lo lắng và cũng từ câu chuyện này, cho thấy cách ứng xử giữa học sinh với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.

Vụ việc ISHCMC-AA (Ảnh: FB T.H.T)

Vụ việc ISHCMC-AA (Ảnh: FB T.H.T)

Chọn cách ứng xử nào cho vẹn cả đôi đường?

Thực ra, câu chuyện bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh thì thời nào cũng có, nó xảy ra ở nhiều lứa tuổi và nhiều trường học mà thời gian qua chúng ta đã chứng kiến rất nhiều chuyện đau lòng.

Thời đại công nghệ thông tin nên mỗi khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường thì mọi người càng biết tường tận hơn vì nhiều vụ việc được quay video clip hoặc camera ghi lại. Tất nhiên, những sự việc như thế này thì nhà trường không muốn và phụ huynh lại càng không muốn xảy ra với con mình.

Đặc biệt, đối với những ngôi trường quốc tế thì phần lớn là phụ huynh học sinh ở đây có điều kiện kinh tế, họ đầu tư cho con em mình rất nhiều tiền nên họ cũng đã đặt rất nhiều kỳ vọng về ngôi trường mà nơi đó con của họ đang theo học hàng ngày.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua rất ít trường hợp bạo lực học đường tại những ngôi trường quốc tế được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.

Đa phần những ngôi trường này học sinh học bán trú hoặc nội trú nên không gian học tập, vui chơi thường khép kín trong khuôn viên trường học.

Sáng thì học sinh được cha mẹ đưa đến trường, chiều đón về hoặc học sinh ở lại trong trường. Những khi ở trường thì được thầy cô, giám thị giám sát, quản lý chặt chẽ nên chuyện bạo lực học đường cũng hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, lứa tuổi học sinh đang lớn thường hiếu động, nhiều khi lại muốn thể hiện cá tính trước bạn bè nên những tình huống không mong muốn vẫn có thể xảy ra và câu chuyện học sinh bị bạn đánh ở Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC-AA) vừa qua là một ví dụ.

Theo thông tin từ mạng xã hội, chị T.H.T.có con hiện đang theo học tại Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh– Học viện Mỹ (ISHCMC-AA), phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Theo lời kể lại từ chị T. trên mạng xã hội, tuần trước, học sinh của ISHCMC - AA được đi dã ngoại tại khu vực Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lúc ăn, con chị T. giữ ghế cho bạn đi lấy đồ ăn. Sau đó, một học sinh lớp 8 của trường đến, bày tỏ ý định muốn lấy cái ghế đó. Lúc này, con chị T.mới nói là ghế đó đã có người ngồi rồi. Em học sinh lớp 8 kia có nói nặng lời, nhưng con chị T. không phản ứng gì cả. Mọi việc tưởng chừng như dừng lại.

Chị T.H.T kể lại trên trang cá nhân, ngày 26/5, con của chị bị một học sinh cùng trường đánh, đấm vào ngực trong khuôn viên của trường. Chị T. nói rằng, giáo viên của trường có nhìn thấy nhưng đã không can ngăn.

Chị T.H.T kể lại, một số học sinh khác bất bình, muốn bảo vệ con chị nên cũng bị nữ sinh kia đánh. Hiện cả 4 em đang có biểu hiện như sang chấn tâm lý, hoảng loạn, tức ngực, trên người có vết xước, bầm tím…” [1]

Như vậy, mâu thuẫn trong sự việc này được xuất phát từ một nguyên nhân rất nhỏ ban đầu nhưng nó bị đẩy lên thành một vụ bạo lực học đường và dẫn đến một số học sinh cũng trở thành nạn nhân.

Tuy nhiên, đây là chuyện của học trò - những học sinh tuổi mới lớn, chưa có những suy nghĩ và hành động chín chắn nên đã dẫn đến kết quả không mong muốn của cả nhà trường và phụ huynh học sinh.

Chính vì thế, khi sự việc xảy ra rồi, giải quyết sự việc lại là những người lớn với nhau, đó là chuyện của phụ huynh có con bị đánh với nhà trường và giữa phụ huynh có con bị đánh và phụ huynh có con đánh bạn.

Nếu giải quyết khéo léo và kết thúc sự việc trên cơ sở trách nhiệm, nêu gương của người lớn thì học sinh với học sinh cũng nhanh chóng được hòa giải, nếu giải quyết không khéo léo sẽ dẫn đến nhiều người bị tổn thương mà có lẽ người tổn thương hơn cả là những học sinh trong sự việc này.

Nhà trường và phụ huynh đã xử lý phù hợp trong sự việc này?

Dân gian có câu: “của đau con xót” nên chị T.H.T và những phụ huynh có con bị đánh khi biết sự việc đã tìm gặp lãnh đạo nhà trường để tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, “phụ huynh của những trẻ bị đánh đã được trường mời ra ngoài, từ chối làm việc. Tuy nhiên, do thấy chị T. bức xúc, nên trường đã cho phép chị vào bên trong. Chị T. khẳng định rằng ban đầu, chị cũng chỉ muốn ngồi lại nói chuyện với nhau trên tinh thần hòa giải.

Theo lời chị T.H.T.nói, trường trả lời với chị rằng sẽ cho số điện thoại của phụ huynh học sinh kia để hai bên tự giải quyết với nhau, với lý do “vụ việc xảy ra bên ngoài nhà trường”. Một lúc sau, bảo vệ đưa hai bố con học sinh đánh bạn ra khỏi trường”. [1]

Có lẽ, đây cũng là những bức xúc khiến cho chị T.H.T thực hiện livestream qua mạng xã hội và được nhiều người xem trực tiếp rồi đưa ra nhiều bình luận, ý kiến khác nhau…

Những sự việc này, chúng tôi không bình luận ai đúng, ai sai bởi thẩm quyền thuộc về nhà trường và các cơ quan liên quan cùng với phụ huynh có con bị đánh và phụ huynh có con đánh bạn.

Song, chúng tôi cảm thấy tiếc về cách ứng xử, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc giải quyết sự việc này bởi dù sao thì mọi chuyện cũng đã xảy ra nên nhà trường và phụ huynh cần phải ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết cho êm thấm, phù hợp.

Giá như, khi phụ huynh vào trường và nhà trường không “mời ra ngoài, từ chối làm việc” mà có sự hợp tác ngay từ ban đầu. Và, phụ huynh khi đã được nhà trường “trường đã cho phép chị vào bên trong” giữ được thái độ bình tĩnh, đừng thực hiện việc livestream trực tiếp qua mạng xã hội thì mọi thứ không trở nên ồn ào như những ngày vừa qua.

Để rồi, sau đó, Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC-AA) đã phải thông cáo báo chí về vụ việc thuộc phạm vi kỷ luật của nhà trường và đưa ra những lời kêu gọi: "Một lần nữa, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những ai đang đăng tải hoặc tiếp tay cho việc lan truyền những thông tin liên quan đến vụ việc này hãy dừng lại, vì hành động này ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến các học sinh..." [2]

Thực tế, từ một sự việc nhưng qua nhiều người xem sẽ có nhiều quan điểm nhìn nhận, đánh giá khác nhau nên dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Trong thâm tâm của mỗi bậc cha mẹ đều muốn con em mình đến trường an toàn, được học hành, vui chơi hòa nhập cùng chúng bạn. Nhà trường cũng muốn học sinh trong trường đối xử nhân ái với nhau để cùng học hành và phát triển để trở thành những người công dân tốt chứ không có cha mẹ, nhà trường lại muốn bạo lực xảy ra.

Nhưng, ở một môi trường học đường có hàng trăm, hàng ngàn học sinh nên vẫn có những trường hợp ngoài mong muốn xảy ra, không theo những điều người lớn định hướng, mong muốn đối với con mình, học trò mình.

Chính vì thế, trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh là phải cùng phối hợp giải quyết, không làm phức tạp thêm tình hình là điều cần thiết nhất trong việc giải quyết bạo lực học đường. Bởi, suy cho cùng thì cha mẹ ở nhà, thầy cô ở trường là tấm gương cho học trò nhìn vào để noi theo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-truong-quoc-te-tp-hcm-bi-ban-danh-nha-truong-noi-gi-post226833.gd

[2]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vu-bao-luc-trong-hoc-sinh-truong-quoc-te-thong-cao-bao-chi-cua-ishcmc-aa-noi-gi-o0aeaT97R.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang