Chuyện không ít tuyến phố, con đường trong các thành phố, thị xã, khu dân cư,… lúc thì vặn vẹo sát vào nhà quan, lúc bỗng lùi ra rõ xa ở nước khác không biết thế nào chứ ở ta có lẽ chỉ trẻ con là không biết.
Gõ cụm từ tham khảo “nắn đường sát nhà quan” chớp mắt nhận được 108 triệu kết quả.
Vấn đề là cụm từ “nhà quan” cần phải hiểu cho thấu đáo, không thể lộn tùng phèo giữa túp lều vịt với biệt thự, biệt phủ một tầng làm toàn bằng gỗ quý, trong khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông bởi chẳng có “con đường” nào dốt đến mức tự nắn mình sát vào chiếc lều vịt của bác nông dân hay ngôi nhà cấp bốn của phần lớn công nhân các khu công nghiệp.
Về “Biệt thự, biệt phủ” bài đăng trên báo điện tử Dangcongsan.vn có đoạn:
“Biệt thự, biệt phủ của một số quan chức hàng tỉnh là một hiện tượng không thể xem thường, hãy kịp thời uốn nắn, ngăn chặn không để nó lây lan. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 khóa XII một lần nữa đã vạch rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái tư tưởng chính trị suy thoái về lối sống và đạo đức, tự diễn biến tự chuyển hóa. Phải chăng hiện tượng biệt thự, biệt phủ chính là sự biến tướng, chính là sự phát sinh của các biểu hiện ấy?”. [1]
Bài báo trên giới hạn ở “một số quan chức hàng tỉnh” không biết các “hàng” khác tình trạng khá hơn hay tồi hơn?
Có người nói vui, rằng biệt thự, biệt phủ của một “bộ phận không nhỏ quan chức” nên được duy trì như biểu tượng của sự “tri ân”, để sau này hậu thế biết loại công bộc đó của dân sống như thế nào.
Những người làm khoa học, giỏi vật lý thì ví von biệt thự, biệt phủ như là một cục nam châm, loại nam châm tuyệt diệu này không hút hoặc đẩy sắt mà hút/đẩy … các con đường.
Do lực hút hoặc đẩy của hàng loạt biệt phủ khiến không ít con đường lúc cong mềm mại, lúc khuỳnh càng cua khiến cho nhà văn Nam Cao có sống lại cũng phát khiếp.
Nhưng có thật biệt thự, biệt phủ có thể uốn cong cả con đường?
Câu trả lời là không, một trăm phần trăm là không.
Hình ảnh chiếc ghi đông xe đạp trên đường Trường Chinh hiện tại (Ảnh Vnexpress.net) |
Chuyện bộ phận này, bộ phận khác, đôi khi được gọi là “nhóm này, nhóm khác”, có sức mạnh thay đổi chủ trương, chính sách - kể cả trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật đã được báo chí nói nhiều.
Điển hình là chuyện làm trái quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo đường Trường Chinh – Hà Nội.
Được biết, ngày 20/06/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 108/1998/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch hướng tuyến đường Trường Chinh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Con đường này dài 2 km, điểm đầu là Ngã Tư Sở, điểm cuối là Ngã Tư Vọng và tuyến đường được phê duyệt là đường thẳng. Khi thành phố Hà Nội thi công thì con đường này được nắn cong theo hình ghi đông xe đạp mà nguyên nhân được Vov.vn viết là “Bẻ cong đường Trường Chinh vì tránh nhà quan chức?”. [2]
Ngược với chuyện nắn đường tránh nhà quan là chuyện nắn đường sát vào nhà quan. Bài “Nắn cong đường vào đất quan” cho biết tại tỉnh Trà Vinh “Con đường đã bị nắn cong vào sát khu đất của nhiều quan chức, dẫn đến phải tốn thêm hơn 10 tỷ đồng nữa mới đảm bảo xây dựng tuyến đường theo đúng phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh”. [3]
Câu chuyện ở Trà Vinh xảy ra từ năm 2004 và được Vov.vn phát hiện vào năm 2010.
Liên quan đến chuyện những con đường “tự nhiên” chạy sát vào nhà quan xảy ra từ hàng chục năm trước có chuyện mới được Thanh tra Chính phủ phát hiện. Đó là ngôi nhà bốn mặt tiền của bà Nguyễn Thị Ánh, vợ ông Lê Đình Quang, Bí thư Thành ủy thành phố Kon Tum (giai đoạn 2011-2018) tọa lạc trên lô đất có diện tích 3.739 m2.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ là: “Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum đã tạo điều kiện để thửa đất của vợ nguyên Bí thư Thành ủy Kon Tum có 4 mặt tiền như hiện trạng hiện nay với vị trí, lợi thế đặc biệt”. [4]
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Thanhnien.vn ông Quang nói:
“Tôi không chỉ đạo, không làm gì sai cả. Chuyện mở đường là của thành phố ngay bờ, thẳng góc để phát triển đô thị theo đề án cũ mà tôi ở đây chẳng có tác động gì” và “Ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm”. [5]
Thanh tra Chính phủ đã kết luận nên chuyện sai đúng khỏi phải bàn luận, vấn đề là “Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum đã tạo điều kiện” thì sai chỉ duy nhất do cơ quan này hay còn những cơ quan, đối tượng khác và mức độ xử lý như thế nào?
Vì ông Quang đã khẳng định, rằng “Tôi không chỉ đạo …” nên không thể không hỏi ông cựu Bí thư Thành ủy Kon Tum, rằng ông có biết điều lệ Đảng, có biết nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối mọi hoạt động của hệ thống chính trị trong đó có các hoạt động của cơ quan hành pháp là Ủy ban Nhân dân các cấp?
Ông Lê Đình Quang từ năm 2011 đến năm 2018 là Bí thư Thành ủy thành phố Kon Tum, trước đó ông Quang từng là Chánh văn phòng Công an tỉnh Kon Tum, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum nên hỏi ông về luật pháp cũng như các quy định của Đảng chắc chắn là thừa.
Được biết hai tuyến đường cũ (số 2 và 3) chạy sát khu đất nhà vợ chồng ông Lê Đình Quang được Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum phê duyệt trong Quyết định số 6738 ban hành ngày 09/09/2010, khi đó ông Quang chưa làm Bí thư Thành ủy Kon Tum.
Hai tuyến mới (số 11 và 12) được Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum phê duyệt năm 2011. Thời điểm phê duyệt có thể trước hoặc sau khi ông Quang làm Bí thư Thành ủy, điều quan trọng là sự việc diễn ra từ năm 2011, khi ông Quang là lãnh đạo cao nhất thành phố Kon Tum.
Căn "biệt phủ" 4 mặt tiền tại Kon Tum đang khiến dư luận xôn xao. (Ảnh: Baogiaothong.vn) |
Ngay cả khi Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum ban hành quyết định nắn đường trước khi ông Quang được điều chuyển về làm Bí thư Thành ủy thì cũng không thể nói hai con đường lẹm vào khu đất của vợ chồng ông hơn hai trăm mét vuông mà ông không biết.
Mất mấy trăm mét vuông trong diện tích hơn 3.000 mét vuông nhưng lại trồi thêm hai mặt đường, khu đất trở thành khu đất vàng thì ai hưởng lợi, chả nhẽ chỉ một mình vợ ông Quang?
Liệu có chuyện quyết định nắn đường của Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum đã được tính toán kỹ lưỡng để khi ông Lê Đình Quang tiếp quản vị trí Bí thư Thành ủy thì đó cũng là một món quà mừng tân quan?
Và ông cựu Bí thư Thành ủy Kon Tum chỉ “không chỉ đạo” vụ nắn đường hay còn không ít vụ khác mà dân chúng chưa biết?
Nói cách khác, nếu ông Quang – với tư cách Bí thư Thành ủy “không chỉ đạo” hoạt động của cấp dưới và “Chuyện mở đường là của thành phố” thì ông Lê Đình Quang giữ chức Bí thư Thành ủy để làm gì?
Một ông cựu Bí thư Thành ủy phủ nhận trách nhiệm khi còn tại vị liệu có nên xem xét lại tư cách đảng viên, nhất là xem xét theo quy định những điều đảng viên không được làm?
Người viết không tin Ủy ban Nhân dân cấp thành phố ban hành các quyết định lại không hề tham khảo ý kiến lãnh đạo Thành ủy?
Phải chăng có sự “đi trước, đón đầu” khi biết tin ông Lê Đình Quang sẽ về làm Bí thư Thành ủy nên với sự “năng động, sáng tạo” của các chuyên viên trong cơ quan, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum đã chủ động nắn đường vào sát vào khu đất khiến vợ chồng ông cựu Bí thư Thành ủy bị mang tiếng?
Làm công bộc của dân chỉ cần ngồi trên ghế, “không chỉ đạo” nhưng vợ con lại có đất vàng bốn mặt tiền thì chắc chả ai dại mà làm dân./.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/biet-thu-biet-phu-444512.html
[2]https://vov.vn/kinh-te/be-cong-duong-truong-chinh-vi-tranh-nha-quan-chuc-318082.vov
[3] https://vov.vn/xa-hoi/phong-su/nan-cong-duong-vao-dat-quan-140181.vov
[4] https://thanhnien.vn/can-canh-lo-dat-4-mat-tien-cua-vo-nguyen-bi-thu-thanh-uy-kon-tum-post1436306.html
[5] https://thanhnien.vn/nguyen-bi-thu-thanh-uy-kon-tum-le-dinh-quang-ai-lam-sai-nguoi-do-phai-chiu-post1436353.html