Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là quyết định đúng của Bộ Giáo dục

04/02/2021 06:20
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là một quyết định phù hợp với thực tiễn, loại bỏ tính hình thức trong giáo dục.

Theo nội dung các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 3/2021, Bộ sẽ chính thức loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Trong nhiều năm qua, việc triển khai quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên đã bộc lộ một số bất cập như xuất hiện các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không chất lượng, thực hiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định; người học chỉ tìm cách để tích lũy đủ văn bằng nhưng việc học không thực chất; vấn nạn mua bán chứng chỉ tràn lan,...

Chính vì vậy, quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được xem là một tín hiệu tích cực của ngành giáo dục, giúp các thầy cô tháo gỡ những “trói buộc” hình thức bấy lâu nay.

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: Đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực, sự cồng kềnh và những yêu cầu mang tính hình thức cho giáo viên.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng từng vị trí việc làm của các giáo viên sẽ cần trình độ ngoại ngữ, tin học ở những mức khác nhau (Ảnh: Tùng Dương)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng từng vị trí việc làm của các giáo viên sẽ cần trình độ ngoại ngữ, tin học ở những mức khác nhau (Ảnh: Tùng Dương)

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, nếu chứng chỉ của giáo viên là thực chất, phản ánh năng lực thực sự thì sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao, bồi dưỡng trình độ cho thầy cô. Còn trường hợp những chứng chỉ đó chỉ là mang tính hình thức thì cần phải được loại bỏ.

Tuy nhiên, quy định mới này không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng với giáo viên. Bộ Giáo dục chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn cần khuyến khích giáo viên học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học.

Bởi đây là những năng lực quan trọng giúp thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình, hỗ trợ quá trình dạy học hiệu quả hơn, chất lượng hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số và xu hướng hội nhập quốc tế như hiện nay.

Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, điều quan trọng là Bộ Giáo dục đã có những điều chỉnh phù hợp liên quan đến trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên.

Cụ thể, trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Đối với trình độ ngoại ngữ, không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Đối với trình độ tin học, không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông mà là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, sự thay đổi này là phù hợp với thực tiễn, đi vào thực chất, góp phần mang đến những thay đổi tích cực cho giáo dục khi giáo viên được gỡ bỏ những vướng mắc mang tính hình thức.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư Bùi Thị An, những quy định cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học sẽ phụ thuộc vào từng vị trí việc làm, không áp dụng một cách cứng nhắc đối với tất cả các giáo viên, bởi mỗi giáo viên ở một vị trí sẽ có nhiệm vụ riêng, tính chất công việc khác nhau.

"Mỗi vị trí sẽ tương ứng với những tiêu chí, yêu cầu riêng. Có thể ở vị trí này, thầy cô cần đáp ứng yêu cầu về trình độ tin học cao nhưng ở vị trí khác lại chỉ cần đáp ứng trình độ tin học ở mức cơ bản.

Mỗi thầy cô giáo với chức trách, nhiệm vụ, công việc cụ thể được giao sẽ cần đáp ứng chuẩn năng lực về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu vị trí công việc. Nó sẽ đi vào thực chất.

Điều quan trọng là sau khi có quy định mới, điều chỉnh lại thì cần phải giám sát việc thực hiện, theo dõi, đánh giá quá trình chỉ đạo thực hiện như thế nào, kết quả đạt được ra sao. Làm được như vậy mới đảm bảo cho mục tiêu và ý nghĩa của sự thay đổi này", bà An khẳng định.

Phạm Minh