Một thông tin rất vui mừng đối với nhà giáo cả nước là tại Dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo trình tại phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua đã không còn quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. [1]
Các dự thảo trước đây dự kiến nhà giáo phải có chứng chỉ, giấy phép hành nghề
Dự thảo Luật Nhà giáo lần 2 được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề, dự kiến sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp cho giáo viên đang giảng dạy, đối với sinh viên sư phạm trúng tuyển, sau khi hết tập sự phải trải qua quá trình bồi dưỡng và sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo mới đủ điều kiện trở thành viên chức, giảng dạy tại các trường công lập.
Tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) trong tháng 5/2024, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo được chuyển thành giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định, có nhiều điểm mới thoáng hơn so với chứng chỉ hành nghề tại dự thảo Luật Nhà giáo lần 2.
Tuy vậy, phát sinh thêm chứng chỉ hành nghề hay giấy phép hành nghề đều nhận nhiều ý kiến trái chiều, đa số nhà giáo đều không đồng tình với việc phát sinh thêm giấy phép hành nghề, lo phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, lo phát sinh “giấy phép con” trong lĩnh vực giáo dục.
Nên đa số mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, nghiên cứu và bỏ chứng chỉ hay giấy phép hành nghề này.
Cám ơn Bộ Giáo dục đã lắng nghe ý kiến của hàng triệu giáo viên cả nước
Sau 2 lần dự thảo Luật Nhà giáo được công khai lần 2 và lần 3 đều vẫn còn chứng chỉ hành nghề hay giấy phép hành nghề khiến giáo viên hoang mang, nó thật sự không cần thiết, dù có cấp miễn phí thì cũng tốn ngân sách nhà nước.
Lý giải về việc rút quy định về chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo luật Nhà giáo sắp trình Quốc hội, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện ban soạn thảo, cho rằng: "Vì đây là một nội dung mới, cần phải thận trọng nên ban soạn thảo đã không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thí điểm. Có thể nội dung này sẽ được đưa trở lại ở chu kỳ sửa đổi, bổ sung luật". [1]
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì biên soạn Luật Nhà giáo, qua các lần điều chỉnh đều hướng tới lợi ích của nhà giáo, mong muốn cải thiện đời sống, thu nhập của nhà giáo, tuy một số nội dung vẫn còn ý kiến trái chiều như miễn học phí, không công khai vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận,...
Và việc rút quy định dự kiến nhà giáo phải có giấy phép hành nghề cho thấy Bộ giáo dục và Đào tạo rất biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đông đảo nhà giáo và sẳn sàng điều chỉnh theo hướng có lợi cho nhà giáo cả nước.
Dự thảo Luật Nhà giáo lần thứ 5 này dự kiến rút giấy phép hành nghề trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là tin vui với hàng triệu giáo viên cả nước, mọi người chỉ cần tập trung vào việc giảng dạy, giáo dục sao cho có hiệu quả mà không phải lo có thêm “giấy phép con”, lo không có hoặc thiếu giấy phép hành nghề sẽ không được giảng dạy dù hiệu quả của giấy phép hành nghề chưa được kiểm chứng.
Người viết cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất này rút quy định dự kiến có giấy phép hành nghề cho nhà giáo là điều hợp tình, hợp lý được sự đồng thuận cao của nhà giáo. Nếu có, giấy phép hành nghề chỉ dành cho những người không phải học trường sư phạm muốn trở thành nhà giáo (thay chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hiện nay) và dành cho nhà giáo muốn dạy thêm tại các trung tâm dạy thêm hoặc dành cho người nước ngoài muốn giảng dạy tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/rut-quy-dinh-chung-chi-hanh-nghe-khoi-du-thao-luat-nha-giao-185241012111215333.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.