Còn nhiều băn khoăn, giáo viên có một số đề xuất về “Giấy phép hành nghề”

25/08/2024 06:48
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nay, cả nước thiếu hơn một trăm ngàn giáo viên ở các cấp học, bậc học, phát sinh thêm giấy phép hành nghề có thể khiến việc tuyển giáo viên gặp khó hơn.

Sau khi lấy ý kiến của giáo viên, bộ ban ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 với nhiều điều chỉnh, bổ sung so với trước đây, nhiều điểm mới được điều chỉnh phù hợp quy định hiện hành.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về việc thay đổi từ chứng chỉ hành nghề sang giấy phép hành nghề, lo lắng phát sinh thủ tục hành chính, phức tạp, tốn kém khi cấp hàng triệu giấy phép hành nghề.

Ảnh minh họa ttxvn.jpg
Ảnh minh họa

Những điểm mới của giấy phép hành nghề so với chứng chỉ hành nghề

Dưới đây là những điểm mới nổi bật của giấy phép hành nghề của dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 so với chứng chỉ hành nghề của dự thảo Luật Nhà giáo lần 2.

Dự thảo Luật Nhà giáo lần 2
Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3
1. Chứng chỉ hành nghề dự kiến có giá trị suốt đời
Giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định;
2. Mỗi nhà giáo được cấp một (01) hoặc hơn một (01) chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Một người có thể được cấp nhiều giấy phép hành nghề dạy học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.
3. Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:
a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;
c) Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);
d) Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
Giấy phép hành nghề dạy học được cấp cho các đối tượng sau:
a) Nhà giáo đã được tuyển dụng, đang làm việc trong các cơ sở giáo dục trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Cán bộ quản lý giáo dục đã có thời gian giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c) Nhà giáo thuộc trường hợp được tuyển dụng đặc cách theo quy định của Luật này;
d) Nhà giáo đã được tuyển dụng, làm việc trong các cơ sở giáo dục và nghỉ hưu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
đ) Người có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hành nghề dạy học:
a) Đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo;
b) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thực hành nghề tại cơ sở giáo dục theo quy định.
4. Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.
Giấy phép hành nghề dạy học hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với giấy phép hành nghề dạy học khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bên ký kết;
b) Còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị công nhận;
c) Có đủ thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật này.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên) và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép hành nghề dạy học đối với nhà giáo của các cơ sở giáo dục theo thẩm quyền quản lý và người có nguyện vọng hành nghề dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
6. Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền ghi bổ sung thông tin, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.
7. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo bị thu hồi trong các trường hợp:
a) Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 (hai) năm liên tục;
b) Nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải;
c) Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định
Giấy phép hành nghề dạy học bị thu hồi trong các trường hợp:
a) Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 (hai) năm liên tục;
b) Nhà giáo không đạt điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề dạy học;
c) Nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải;
d) Người hành nghề dạy học tự do lợi dụng hoạt động giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự;
đ) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định.

Một số đề xuất về cấp giấy phép hành nghề

Do còn nhiều ý kiến trái chiều, nhiều băn khoăn từ đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý và giáo viên nên về giấy phép hành nghề người viết có một số đề xuất như sau:

Một là, đối với giáo viên đang công tác không cần cấp giấy phép hành nghề vì họ đã có thâm niên công tác, được thủ trưởng đơn vị đánh giá, xét thi đua hàng năm, không cần thêm giấy phép hành nghề, vì thực chất họ đang hành nghề, có người đã hành nghề 20-30 năm, giờ nhận giấy phép hành nghề thì có gì đó chưa hợp lý lắm.

Hai là, đối với sinh viên sư phạm thì khi học ra trường, sau thời gian thực tập nếu đạt, đủ tiêu chuẩn được trường đại học sư phạm cấp giấy phép hành nghề và chịu trách nhiệm về giá trị của giấy phép này, nâng cao khả năng chịu trách nhiệm về đào tạo sư phạm cho các trường đại học.

Giấy phép hành nghề nên được cấp trực tuyến, có thể đồng bộ với cơ sở dữ liệu trên hệ thống trên phần mềm VneiD để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục, giấy tờ không cần thiết.

Giấy phép hành nghề do trường đại học sư phạm, có chuyên môn cấp sẽ hợp lý hơn giao về cho địa phương.

Ba là, nếu sinh viên ngành khác (không phải sư phạm) thì thay lớp nghiệp vụ sư phạm bằng khóa đào tạo, bồi dưỡng để cấp giấy phép hành nghề, khi có giấy phép hành nghề các em được đăng ký dự tuyển viên chức vào các trường.

Bốn là, những giáo viên đã nghỉ dạy, đang giảng dạy, người tốt nghiệp đại học ngành khác muốn được thành lập trung tâm dạy thêm, muốn được dạy thêm bên ngoài nhà trường thì phải đăng ký và bồi dưỡng để thi và được cấp giấy phép hành nghề.

Năm là, tự động gia hạn giấy phép hành nghề

Do dự thảo, giấy phép hành nghề dự kiến có giá trị trong 10 năm, sau đó phải thực hiện gia hạn, theo người viết, nếu giáo viên đủ tiêu chuẩn thì nên tự động gia hạn, không cần phải phát sinh thêm thủ tục gia hạn và cấp giấy phép mới.

Sáu là, nên thực hiện giấy phép hành nghề khi đã tuyển đủ biên chế giáo viên

Thông tin hiện nay cả nước thiếu hơn một trăm ngàn giáo viên ở các cấp học, bậc học, phát sinh thêm giấy phép hành nghề có thể khiến việc tuyển giáo viên gặp khó hơn.

Các cấp các ngành dự kiến và ban hành nhiều quy định về tuyển dụng đặc cách, tuyển dụng quy trình rút gọn, hạ chuẩn để tuyển dụng đủ giáo viên, nay phát sinh thêm thủ tục giấy phép hành nghề có thể khiến việc tuyển dụng gặp khó khăn hơn.

Nên, người viết góp ý có thể nghiên cứu và cấp giấy phép hành nghề khi đã đủ biên chế giáo viên, khi đó mức độ thuyết phục và hợp lý sẽ cao hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên