Bộ GD công bố điểm sàn: "Cơ hội vàng" cho thí sinh đăng ký nguyện vọng

08/08/2012 15:32
Xuân Trung
(GDVN) - Năm nay, để tạo cơ hội cho thí sinh cũng như các trường, Bộ GD&ĐT có chủ trương cho các trường xét tuyển thành nhiều đợt, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, không giới hạn số nguyện vọng và không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau cao hơn điểm nguyện vọng trước.
Sáng nay (8/8), Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm sàn ĐH, CĐ các khối. Theo đó, mức sàn đại học khối A, A1 là 13 điểm khối D là 13,5 điểm, khối B 14 điểm và C 14,5 điểm. Như vậy, so với năm 2011 thì điểm sàn khối C và D tăng 0,5 điểm; khối A và khối B tương đương năm 2011.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay hệ số dịch chuyển của thí sinh cao hơn năm trước. Cụ thể đối với khối A số thí sinh dư là 1,8 lần, khối B trên 10 lần, khối C và D trên 2,5 lần. Với hệ số dịch chuyển này các trường sẽ có nguồn tuyển rất dồi dào (Hệ số dịch chuyển dựa trên các vùng miền, vùng miền càng khó khăn hệ số dịch chuyển cần lớn để bù lại những thí sinh có hộ khẩu tại đây có điểm bằng mức sàn thấp). 
Nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển

Năm nay, số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn so với chỉ tiêu được thể hiện qua hệ số dịch chuyển. Về điều này Bộ GD&ĐT đã tính kỹ việc khả năng thí sinh dịch chuyển từ vùng này sang vùng kia. Điển hình như việc dư tới 10 lần của khối B, đó là nguồn dư để các trường xét tuyển được cho là rất đáng kể. Như vậy, liệu có phải cơ hội cho thí sinh sẽ nhiều và cao hơn? Trước thắc mắc này, Thứ trưởng Ga khẳng định, còn dựa vào nhiều yếu tố như: tỷ lệ giữa số lượng thí sinh thừa và thiếu giữa các khối ngành và dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng kia.  TRA CỨU ĐIỂM THI ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG 2012
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì buổi họp xác định điểm sàn ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: Xuân Trung
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì buổi họp xác định điểm sàn ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: Xuân Trung
Năm nay, để tạo cơ hội cho thí sinh cũng như các trường, Bộ GD&ĐT có chủ trương cho các trường xét tuyển thành nhiều đợt, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, không giới hạn số nguyện vọng và không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau cao hơn điểm nguyện vọng trước. Thí sinh có thể sử dụng hai giấy báo điểm bản gốc để nộp ở nhiều trường khác nhau. Ngoài ra, một số trường sẽ nhận bản sao giấy báo điểm. Do vậy thí sinh sẽ có nhiều nguyện vọng khác nhau. Bên cạnh đó các trường thiếu chỉ tiêu cũng sẽ có nhiều đợt tuyển khác nhau cho đến ngày 30/11. “Như vậy cơ chế rất mềm dẻo. Hy vọng tất cả các trường sẽ tuyển  đủ chỉ tiêu, các thí sinh có điểm trên sàn có thể tìm được trường học phù hợp cho mình”, Thứ trưởng Ga chia sẻ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga:

“Các trường không được thông báo xét tuyển không có thời hạn, nếu thiếu chỉ tiêu các trường thông báo trong khoảng thời gian nào đó để thí sinh biết và nộp hồ sơ xét tuyển. Mỗi đợt xét tuyển không nhất thiết phải chờ tới ngày 30/11. Có nhiều đợt xét tuyển, nhưng mỗi đợt phải có thời gian để cho thí sinh lựa chọn. Thời gian xét tuyển do các trường tự quy định, tùy theo chiến lược tuyển sinh của trường. Từ đó thí sinh phải phán đoán để có chiến lược nộp hồ sơ xét tuyển vào trường cho phù hợp. Vấn đề này các trường và thí sinh phải tự chủ”. 
Trước một số thắc mắc, thí sinh được nhận 2 giấy báo kết quả thi bản gốc nhưng nộp vào ba trường đều yêu cầu nộp bản gốc, vậy làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh nộp nhiều nguyện vọng? Thứ trưởng Ga giải thích: “Thí sinh vẫn nộp cho các trường xét tuyển bản gốc đó, khi biết mình không trúng tuyển thì có quyền rút lại giấy báo điểm bản gốc này để nộp cho các trường khác. Chính vì vậy nên Bộ mới yêu cầu các trường cấp cho mỗi thí sinh hai bản gốc là thế, chí ít các thí sinh cũng được bằng nguyện vọng so với những năm trước để phòng các trường đều yêu cầu nộp bản gốc. Ngoài ra các thí sinh có thể photo công chứng các bản gốc của mình để nộp”.

Các trường rộng cửa đón tiếp thí sinh?

Trong buổi sáng nay sau khi biểu quyết các thành viên Hội đồng điểm sàn (bao gồm các trường top trên, top giữa, top dưới, trường NCL) hầu hết các ý kiến đều nhất trí với mức sàn năm nay.
  
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định lại lần nữa khi cho rằng, với hệ số di chuyển lớn như năm nay thì các trường không có khó khăn gì trong việc tuyển đủ chỉ tiêu, cùng với cơ chế mềm dẻo của Bộ các trường sẽ thoải mái tuyển. Vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ làm sao các trường có sức thu hút được thí sinh vào học bằng uy tín và chất lượng của mình? Bởi có nhiều thí sinh trên điểm sàn nhưng vẫn không chọn học những trường còn chỉ tiêu.
Lý giải về những năm trước khi số lượng thí sinh dư ra lớn nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chiểu tiêu, Thứ trưởng Ga cho biết: "Mọi năm nhiều thí sinh trên điểm sàn rất cao nhưng không tìm được chỗ học vì các thí sinh chỉ có 2 nguyện vọng, các em chỉ nộp được 2 nơi, sau đó dựa và xác suất may rủi để được vào học, nhưng nhiều em vẫn không tìm được chỗ học. Năm nay Bộ khắc phục bằng cách cho thí sinh được nộp nhiều nguyện vọng khác nhau, có thể sử dụng hai giấy báo điểm để nộp ở nhiều trường khác nhau".

Cũng theo Thứ trưởng Ga, quan điểm của Bộ GD&ĐT là chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, vì vậy phải làm sao để nâng cao chất lượng. “Tất nhiên chất lượng đó không thể xử lý bằng một kỳ thi được mà cần có sự chuẩn bị chu đáo, cụ thể nhất là chất lượng GD phổ thông. Trong những năm qua chất lượng ở GD phổ thông cũng được cải thiện đáng kể nhờ sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành. Chúng ta cũng không hy vọng nó chuyển biến đột biến được, nhưng sẽ có những bước từ từ. Ví dụ như các môn thi khối C vẫn làm chúng ta lo lắng thì năm nay kết quả khối này tốt ở chỗ phổ điểm cả ba môn là 15 điểm chiếm phần lớn”, ông Ga nhấn mạnh.

Như vậy,  sau khi công bố điểm sàn các trường sẽ có phương án để công bố điểm chuẩn cùng với mức điểm xét tuyển cho từng ngành. Đánh giá về các vùng tuyển, Thứ trưởng Ga cho biết, hiện nay vùng núi phía Bắc có khó khăn hơn trong tuyển sinh, về khả năng tự cân đối nguồn tuyển nên rất cần sự dịch chuyển từ các vùng lân cận như Đồng bằng Sông Hồng, Quảng Ninh, Tây Nguyên để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh. 
Sau năm 2015 chúng ta sẽ nghiên cứu việc thi nhiều môn, không phải là ba môn mà có thể là 6 môn. Tùy thí sinh chọn vào một ngành của một trường nhưng vẫn có thể thi môn thứ 4 cho các ngành khác. Khi Luật GDĐH có hiệu lực thì chúng ta sẽ phân tầng đại học, mỗi trường ĐH sẽ có cách thi riêng. Năm tới bộ tiếp tục khuyến khích các trường nằm trong trọng điểm quốc gia nghiên cứu phương án tuyển sinh riêng. 

Xuân Trung