Bộ GD lấy ý kiến cho dự thảo hướng dẫn xây dựng trường học an toàn

25/06/2023 06:36
Lệ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo đưa ra các tiêu chí đánh giá trường học an toàn về cơ sở hạ tầng, phòng học, lan can, hiên chơi, cầu thang, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh...

Ngày 22/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo về hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Nội dung văn bản dự thảo công bố những hướng dẫn về việc:

Đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện học liệu phục vụ hoạt động giáo dục; đảm bảo an ninh, trật tự trường học.

Giáo dục kiến thức, kỹ năng sống như phòng chống đuối nước, phòng cháy chữa cháy hay ứng phó tai nạn kịp thời; nâng cao giáo dục sức khỏe tâm thần, công tác tư vấn tâm lý;

Chú trọng đến vấn đề sức khỏe người học bằng các phương pháp phòng chống dịch bệnh học đường, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống tác hại của các chất kích thích, các chất gây nghiện. Thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, quy chế dân chủ trong nhà trường.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Tiêu chí đánh giá trường học an toàn

Dự thảo cũng đưa ra tiêu chí đánh giá trường học an toàn thông qua tổ chức thực hiện tự đánh giá tại Phụ lục ban hành kèm theo.

Kết quả đánh giá được chia thành 2 mức độ Đạt và Chưa đạt: Mức “Đạt” có tối thiểu 80% tiêu chí được đánh giá, trong đó 100% tiêu chí bắt buộc phải được đánh giá ở mức “Đạt”. Còn mức “Chưa đạt” tức là không đáp ứng quy định.

Theo dự thảo, tiêu chí đánh giá trường học an toàn được dựa trên những quy định sau:

Cơ sở hạ tầng: Khuôn viên trường ngăn cách với bên ngoài, rào chắn kiên cố, có biển tên; đảm bảo diện tích các phòng học và đạt tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định.

Phòng học: Bàn ghế chắc chắn, đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống cửa kiên cố, cửa sổ có chấn song chắc chắn cùng hệ thống điện, thiết bị phục vụ công tác dạy học lắp đặt đúng vị trí theo đúng quy định.

Lan can, hiên chơi, cầu thang: Xây dựng, lắp đặt theo đúng quy định; không để bàn ghế, đồ dùng ở khu vực lan can.

Nhà bếp, nhà ăn, căng tin (nếu có): Đảm bảo đặt độc lập với các phòng chức năng; đảm bảo quy trình bếp một chiều. Lưu thông không khí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Nhà vệ sinh: Bố trí thông thoáng, riêng biệt cho nam và nữ, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo hoạt động liên tục.

Thiết bị, tài liệu, học liệu dạy học: Phải đảm bảo phù hợp với điểm tâm, sinh lý người học; không chứa nội dung kích động bạo lực, kì thị giới tính, tôn giáo, trái thuần phong mỹ tục. Các thiết bị thực hành phải đảm bảo an toàn, loại bỏ nguy cơ tai nạn khi sử dụng.

Về phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông và các loại hình tai nạn thương tích: Tổ chức dạy bơi, đảm bảo kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phối hợp với gia đình, địa phương ký cam kết không để xảy ra tình trạng người học vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở trong và ngoài nhà trường.

Tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho người học

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà trường thực hiện giáo dục lồng ghép, tích hợp nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cùng các môn học liên quan và hoạt động giáo dục.

Đặc biệt giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước, kỹ năng bơi an toàn và phối kết hợp với gia đình, chính quyền, cá nhân quản lý bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho người học.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục kiến thức về an toàn giao thông, phối hợp gia đình giám sát thực hiện đảm bảo an toàn giao thông cho người học trong cộng đồng.

Tổ chức các đội, nhóm, câu lạc bộ giúp người học thực hiện một số hoạt động, chuyên đề rèn luyện kỹ năng cần thiết phòng, chống tai nạn thương tích trong và ngoài nhà trường.

Dự thảo này lấy ý kiến đến hết ngày 20/8/2023. Chi tiết dự thảo xem tại đây.

Lệ Quyên