LTS: Khi đợt xét tuyển cuối của các trường đại học, cao đẳng năm 2016 còn chưa kết thúc, những thông tin về Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017 lại thu hút sự chú ý của dư luận.
Trong đó, dư luận quan tâm nhất vẫn là những bàn thảo về việc Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tổ chức thi trắc nghiệm nhiều môn.
Xung quanh vấn đề về Dự thảo này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên: Ba năm, Bộ GD&ĐT có 3 phương án thi khác nhau. Là người đứng đầu cơ sở giáo dục đào tạo bậc THPT, thầy đánh giá như thế nào về Dự thảo thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2017?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm: Thi cử ở nhiều nước chỉ là một khâu trong việc đánh giá chất lượng giáo dục nhưng ở Việt Nam, thi cử không chỉ là khâu quan trọng trong việc đánh giá chất lượng, mà nó còn tác động rất lớn đến việc đổi mới cách dạy, cách học.
Chính vì vậy, việc cải tiến thi cử sẽ khiến thầy và trò điều chỉnh được cách dạy và học; ngăn chặn được tình trạng học lệch, học tủ hay làm bài thi thiếu trách nhiệm, theo quán tính chứ không phải dựa vào kiến thức được trang bị.
Chúng ta hướng tới một nền giáo dục toàn diện nhưng cách thi như 2 năm qua (2015,2016) - thí sinh thi theo khối (A,B,C,D) và được tự chọn 1 môn thi, thì việc học sinh học lệch, học tủ hiển nhiên diễn ra.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Thùy Linh) |
Cho nên, theo tôi, đổi mới là cần thiết, nhưng đã đến lúc Bộ cần sớm đưa ra một phương án thi tốt nghiệp ổn định lâu dài để xã hội yên tâm chứ không cần chờ đến khi thay đổi chương trình sách giáo khoa (SGK) (năm 2018) mới có phương án thi ổn định.
Bởi chương trình SGK chỉ là phần nội dung của các bài thi, còn việc đổi mới tổ chức thi thì là để định hướng thay đổi cách dạy, cách học - nó có thể tiến hành trước một bước.
Về phương án thi theo Dự thảo của Bộ, ngoài 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, có thêm bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Tôi hết sức hoan nghênh sự cải tiến này, nhưng Bộ cũng nên tính đến việc đưa cả 2 bài thi này vào kỳ thi, chứ không nên để thí sinh được lựa chọn 1 trong 2 nữa. Có vậy, học sinh mới học toàn diện như mục tiêu chương trình phổ thông đặt ra.
Thi trắc nghiệm có thể kiểm tra kiến thức bao quát của thí sinh(GDVN) - Không nên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với các môn Khoa học xã hội, vì đề thi sẽ dễ rơi vào những phần kiến thức chưa được thống nhất, gây tranh cãi. |
Để thực hiện được phương án này, Bộ cần giảm tải, chỉ cần yêu cầu học sinh học những phần trọng tâm của các bộ môn, vì chương trình, SGK hiện hành, kiến thức, kỹ năng đều đang quá tải, ôm đồm nhiều kiến thức hàn lâm.
Vậy tại sao ta không bỏ bớt những kiến thức đó để thầy trò tập trung vào kiến thức, kỹ năng trọng tâm?
Các môn thi có thể nhiều hơn nhưng khối lượng kiến thức để học sinh học thi cũng chỉ nên bằng lượng kiến thức của 4 môn thi. Ngay cả các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ cũng nên giới hạn kiến thức trọng tâm.
Bởi mục tiêu của đổi mới phương án thi là để thay đổi cách dạy và học, nhằm nâng cao năng lực của người học, hoàn toàn khác với việc chỉ để kiểm tra khối lượng kiến thức.
Trong tháng 9 này, Bộ cần công bố sớm phương án thi, chứ không thể thả nổi 10 quyển sách giáo khoa với bản dự thảo như hiện nay.
Theo Dự thảo, trừ môn Ngữ văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng không nên triển khai thi trắc nghiệm môn Toán vì làm như vậy sẽ triệt tiêu tư duy Toán học. Thầy đánh giá như thế nào về cách thi này?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm: Tôi ủng hộ phương án thi trắc nghiệm bởi đây là kỳ thi THPT quốc gia – là kỳ thi đánh giá học trò về mặt kiến thức tổng quát ở bậc phổ thông, không phải thi tuyển nhân tài.
Do vậy, Bộ GD & ĐT cần sớm đưa ra đề thi minh họa, nhằm giúp thầy trò lớp 12 biết mức độ câu hỏi dễ, trung bình, khó sẽ được phân bổ ra sao, để có hướng ôn tập tốt nhất.
Toàn văn dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2017(GDVN) - Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 với những nội dung cụ thể như sau: |
Tuy nhiên, nếu chỉ thi trắc nghiệm thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều học sinh học mẹo trả lời trắc nghiệm, đánh phương án trả lời không xuất phát từ sự lựa chọn kiến thức.
Cho nên, Bộ nên tham khảo ý kiến đóng góp của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đưa ra.
Ngoài ra, Bộ cũng cần quy định rõ điểm liệt trong các bài thi tổng hợp sẽ tính như thế nào?
Theo thầy, việc giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì cụm thi liệu có đảm bảo tính khách quan để sử dụng kết quả kỳ thi?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm: Theo dự kiến của Bộ công bố, ở các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh 1 đề cùng với việc quy trách nhiệm người đứng đầu tỉnh đó thì tính công bằng, khách quan của kỳ thi chắc có thể thực hiện được.
Nếu lắp camera để giám sát kỳ thi này là tốt nhất.
Trong khi phương án thi THPT quốc gia 2017 chưa được Bộ GD&ĐT công bố chính thức, nhưng nhiều trung tâm luyện thi theo phương thức trắc nghiệm, học theo tổ hợp môn được quảng cáo, mời chào, học sinh bắt đầu hành trình luyện thi cấp tốc….
Liệu có phải phương thức thi này lại tạo điều kiện cho các tiêu cực trong giáo dục xuất hiện, thưa thầy?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm: Trên thực tế, quy luật thị trường khi có cầu thì ắt có cung và ngược lại. Cho nên, việc công bố phương án thi dự kiến là trắc nghiệm thì chắc chắn sẽ ra đời các lò luyện thi trắc nghiệm, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi.
Do đó, các nhà quản lý, cơ quan chức năng cần kiểm tra xem xét thực tế có phải đang tồn tại các lò luyện thi không? Các lò luyện ấy hoạt động ra sao? Có đảm bảo chất lượng hay không?..
Đồng thời, chúng ta cần trang bị cho thầy cô kiến thức, kỹ năng về thi trắc nghiệm khách quan để họ tự luyện cho học sinh của mình.
Thực tế cho thấy, những năm qua, thủ khoa nhiều kỳ thi đa phần là thí sinh ở các tỉnh chứ không phải chỉ tập trung ở các thành phố lớn.
Xin trân trọng cảm ơn thầy.