Bộ Giáo dục đang cố gắng gỡ những chứng chỉ không cần thiết cho thầy cô

26/07/2020 07:57
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Bộ đang có dự thảo thông tư và đang làm việc với Bộ Nội vụ, cố gắng làm sao tháo gỡ những thứ không thực sự cần thiết cho thầy cô”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Tại "Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 -2025, tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giai đoạn 2015-2020" do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 25/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh một số công việc trong thời gian tới mà công đoàn cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong vấn đề chăm lo, bảo vệ đội ngũ thầy cô.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin, tới đây chúng ta thực hiện đổi mới phương án lương của giáo viên. Hiện nay Bộ đang tham mưu cho Chính phủ phương án lương mới theo nguyên tắc “không thấp hơn lương cũ” nhưng điểm mới là công bằng, phù hợp, tạo điều kiện, tạo động lực cho các thầy cô, tránh trường hợp cào bằng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 -2025, tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giai đoạn 2015-2020 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 -2025, tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giai đoạn 2015-2020 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Vị lãnh đạo đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, công đoàn chăm lo không có nghĩa là bảo vệ quyền lợi một cách cơ học mà phải tăng cường tuyên truyền cho các thầy cô hiểu rõ quyền lợi gắn với trách nhiệm.

“Đổi mới phải “thấu” được các thầy cô, chính thầy cô phải là tấm gương trong đổi mới.

Đối với công đoàn ngành, công đoàn địa phương một mặt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mặt khác phải tuyên truyền về đổi mới đặc biệt là đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới phương thức quản lý theo hướng quản trị nhà trường.

Muốn làm như vậy thì cần có biện pháp thiết thực, tuyên truyền không chỉ là mang thông tin đến mà qua những hoạt động cụ thể chia sẻ kinh nghiệm của những người biết trước truyền cho người biết ít hoặc chưa biết, hoặc là cùng nhau đóng góp.

Qua đó mọi người cảm thấy đều được tham gia tạo điều kiện để các thầy cô chia sẻ đổi mới phương pháp…", người đứng đầu ngành giáo dục nêu.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tới đây lực lượng giáo viên có độ phân hóa, phần nhiều giáo viên phấn khởi vì tiếp cận chế độ tiền lương mới nhưng không ít giáo viên, đặc biệt những giáo viên thâm niên nhiều nhưng không đáp ứng được với yêu cầu đổi mới, thậm chí có giáo viên phải về hưu sớm, có những giáo viên rất vất vả để đi học đạt chuẩn giáo viên theo quy định.

“Tôi đề nghị các đồng chí làm công tác công đoàn quan tâm, chia sẻ và tư vấn để khắc phục phần nào những khó khăn cho giáo viên.

Trong điều kiện hiện nay, cần người thật, việc thật, bằng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm thì mới thuyết phục được các thầy cô ”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, công đoàn ngành cần phải cùng với Bộ trong vấn đề tư vấn chính sách.

Tới đây đang sửa một số Thông tư, những vấn đề bất cập phải được chữa dần vì liên quan đến nhiều quy định luật pháp không phải cứ nói là được.

Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng thì làm ngay, còn những gì vượt thẩm quyền thì xin ý kiến, từng bước.

Bộ trưởng nêu ví dụ, gần đây nóng lên việc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ đã rất nỗ lực làm việc với Bộ Nội vụ và tiến tới xử lý để làm sao các thầy cô không phải có những chứng chỉ, có những quy định mà bản thân thầy cô đã có trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên.

“Bộ đang có dự thảo thông tư và đang làm việc với Bộ Nội vụ, cố gắng làm sao tháo gỡ những thứ không thực sự cần thiết cho thầy cô”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Thùy Linh