Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, một trong những yêu cầu đầu tiên là giáo viên giảng dạy phải đạt chuẩn.
Trên thực tế, nhiều địa phương tình trạng giáo viên ngoại ngữ không đáp ứng được thực tế yêu cầu giảng dạy vẫn đang đứng lớp và đó được xem là một trong những nguyên nhân khiến kết quả dạy học ngoại ngữ không cao.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Thanh Hóa đã có đề án khảo sát lại giáo viên ngoại ngữ trong tỉnh để nhằm đánh giá năng lực thực tế của giáo viên từ đó có biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Xung quanh việc khảo sát giáo viên tiếng Anh của tỉnh Thanh Hóa, nhiều ý kiến đồng tình nhất trí vì cho rằng, dạy tiếng Anh nhưng phát âm sai thì vô tác dụng. Người học không sử dụng được để giao tiếp thì việc dạy và học tiếng Anh sẽ trở nên vô nghĩa.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, không chỉ Thanh Hóa mà nhiều tỉnh thành khác cũng nên sát hạch lại giáo viên tiếng Anh. Kiểm tra nghiêm túc xem ai đạt chuẩn, còn nếu chưa đạt thì có kế hoạch để bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.
Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn thông tấn xã). |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, muốn hội nhập thì tiếng Anh phải cơ bản. Cho nên cần phải đẩy cao chất lượng sử dụng tiếng Anh lên.
Do đó, việc nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ ở phổ thông là đúng. Một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh là cần có giáo viên đạt chuẩn. Muốn vậy thì phải tiến hành khảo sát đánh giá giáo viên.
Tuy nhiên, thầy Phạm Tất Dong cũng cho rằng: “Việc khảo sát giáo viên tiếng Anh không nên vội vàng trên phạm vi toàn quốc mà nên thực hiện ở một vài tỉnh trước.
Mọi việc phải được tiến hành thận trọng, chắc chắn, tốt nhất là báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo về cách làm như thế nào. Sau khi có kết quả kiểm tra đánh giá thì phải có giải pháp để thực hiện việc tháo gỡ những khó khăn bất cập đặt ra.
Còn nếu chỉ kiểm tra không mà không có cách giải quyết thì không có tác dụng gì”.
Chất lượng dạy tiếng Anh bét bảng, Thanh Hóa quyết sàng lọc giáo viên |
Việc tỉnh Thanh Hóa tiến hành khảo sát, đánh giá theo thầy Dong là nên cần phải động viên, khuyến khích để tỉnh này làm tiên phong.
Từ bài học của Thanh Hóa có thể rút ra được các giải pháp tốt cho nhiều tỉnh thành khác.
Thầy Phạm Tất Dong cho rằng: “Việc khảo sát chất lượng giáo viên tiếng Anh cần thiết phải đặt trong tầm kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu khảo sát theo kiểu mạnh ai nấy làm, một tỉnh một kiểu thì sẽ làm hỏng. Cho nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tham gia và đầu tư thời gian vào chuyện này.
Bộ nên giúp Thanh Hóa làm tốt việc khảo sát. Sau đó, độ một năm ta có thể làm đại trà nhiều tỉnh thành như vậy sẽ bài bản hơn”.
Một trong những thắc mắc hiện nay là việc xử lý những giáo viên không đạt chuẩn như thế nào sau khi có kết quả khảo sát.
Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nêu ý kiến, nên tiến hành bồi dưỡng lại những giáo viên này. Nếu giáo viên mà không đạt chuẩn vẫn tiếp tục dạy học thì rất khó để đảm bảo chất lượng.
Cần thiết phải có một kế hoạch bồi dưỡng cho chu đáo vì đằng nào những giáo viên này vẫn tiếp tục được đứng lớp giảng dạy. Có thể thực hiện việc vừa đào tạo lại vừa giảng dạy.
Thầy Dong lấy ví dụ, ngày xưa trong thời chống Pháp bọn mình học tiếng Anh, nhưng thầy không phải là giỏi tiếng Anh mà là tiếng Pháp.
Để dạy tiếng Anh các thầy đã phải học từng bài một rất cẩn thận và sau đó mới lên lớp dạy học.
Cuối cùng thầy Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Bây giờ, giáo viên có điều kiện hơn nên việc bồi dưỡng thường xuyên, hàng tuần các phòng giáo dục sẽ làm được.
Còn nếu như cứ duy trình việc dạy tiếng Anh sai thì gay. Phát âm tiếng Anh rất khó nên dạy phải chuẩn thì mới hội nhập được với thế giới”.
Bộ trưởng Nhạ muốn xây dựng trung tâm khảo thí độc lập về ngoại ngữ |
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa - bà Phạm Thị Hằng cho rằng: “Việc khảo sát này là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa”.
Theo bà Hằng: “Xuất phát từ chất lượng dạy học ngoại ngữ của Thanh Hóa yếu và thấp so với các tỉnh thành khác trong cả nước nên lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục của tỉnh mong muốn nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.
Để nâng cao được chất lượng dạy tiếng Anh cần thay đổi nhiều yếu tố, trong đó có mục tiêu phải nâng được chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh”.
Nói về thực trạng chất lượng giáo viên ngoại ngữ của tỉnh mình, bà Hằng thẳng thắn thừa nhận: “Hiện, giáo viên ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa có trên 50% là trình độ tại chức.
Đây là một trong những yếu tố làm cho việc học, dạy ngoại ngữ của Thanh Hóa luôn đạt kết quả rất thấp”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa dẫn chứng: “Các năm gần đây, điểm tiếng Anh trung bình trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của Thanh Hóa đứng thứ 56, 57 trong số 63 tỉnh thành.
Trong khi, Thanh Hóa là một vùng quê hiếu học và có thành tích các môn học khác rất tốt”.
Trước thực trạng đội ngũ giáo viên tiếng Anh không đáp ứng được với thực tiễn dạy học, bà Hằng cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm để nâng chất lượng dạy học ngoại ngữ nên tỉnh đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.
Trong đề án này đề ra nhiều giải pháp nhưng trước hết buộc phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của giáo viên. Muốn làm được điều này thì phải nắm được thực chất trình độ tiếng Anh của giáo viên đang ở đâu.
Do đó, việc đầu tiên trong đề án là yêu cầu phải khảo sát, đánh giá giáo viên tiếng Anh”