Bỏ "giấy phép con" chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, Bộ Giáo dục cần làm gì?

12/02/2021 06:15
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên thì cần hướng dẫn cụ thể Điều 33 Luật Viên chức.

Ngày 5/2/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Còn chứng chỉ vô duyên nhất giá như Bộ Giáo dục bỏ nốt, thầy cô mừng biết mấy” của tác giả Nhật Duy đã nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của bạn đọc.

Bài báo có 2 nội dung đáng chú ý: thứ nhất, chứng chỉ dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trùng lặp với rất nhiều nội dung mà giáo viên đã học trên giảng đường đại học và bồi dưỡng chuyên môn hàng năm; thứ hai, bỏ chứng chỉ này sẽ tiết kiệm cho hàng triệu nhà giáo một số tiền khổng lồ và tránh được lãng phí về thời gian, công sức cho đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là đúng

Tính đến ngày 10/2/2021 đã có 72 bình luận của bạn đọc, hầu hết đồng tình với ý kiến của tác giả Nhật Duy khi cho rằng, quy định học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (nếu giáo viên có nhu cầu thăng hạng) gây lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc nhưng hiệu quả chuyên môn thì chẳng thấy đâu, cho nên Bộ Giáo dục cần xem xét hủy bỏ.

Cá nhân tôi rất đồng tình với đề xuất của tác giả Nhật Duy và bạn đọc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khắp cả nước.

Tuy nhiên, muốn bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên thì cần có nghị định hướng dẫn chi tiết về "bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp" quy định tại Điều 33 Luật Viên chức hiện hành (số 26/VBHN-VPQH, ngày 16/12/2019).

Muốn bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên thì cần sửa đổi Điều 33 Luật Viên chức năm 2010. (Ảnh minh hoạ: chungchinganhan.edu.vn)

Muốn bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên thì cần sửa đổi Điều 33 Luật Viên chức năm 2010. (Ảnh minh hoạ: chungchinganhan.edu.vn)

Theo đó, Điều 33 (chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức) quy định như sau:

“1. Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đối với viên chức trước khi bổ nhiệm chức vụ quản lý, thay đổi chức danh nghề nghiệp hoặc nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.

2. Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ quản lý, chức danh nghề nghiệp, yêu cầu bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.

3. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm:

a) Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản lý;

b) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;

c) Bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý Nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức quy định chi tiết về nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức làm việc trong ngành, lĩnh vực được giao quản lý.”

Như thế, việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với viên chức, được quy định tại Luật Viên chức.

Đây cũng là yêu cầu chung đối với viên chức tất cả các ngành/lĩnh vực chứ không chỉ riêng đội ngũ nhà giáo.

Vấn đề đặt ra ở đây là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp làm sao cho thực chất, hiệu quả, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy chứ không phải tạo thêm 1 giấy phép con - chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như hiện nay.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và các Bộ ngành liên quan cần cầu thị lắng nghe tiếng nói của giáo viên để tính toán phương án bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Vì sao giáo viên phổ thông hạng II không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Tôi cho rằng, giáo viên phổ thông hạng II không cần chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vì 2 lí do sau đây.

Thứ nhất, tháng 3/2020, tôi đã học xong và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh - thời gian học 3 tháng (240 tiết, 10 chuyên đề) với mức học phí 3 triệu đồng.

Cụ thể những chuyên đề được học là: Lí luận về Nhà nước và hành chính Nhà nước; Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường;

Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên; Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.

Hầu hết 10 chuyên đề này tôi đã học từ những năm học đại học và hàng năm đều được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Chẳng hạn như, chuyên đề “Lí luận về Nhà nước và hành chính Nhà nước”, thì sau khi tốt nghiệp đại học ở Trường Đại học Đà Lạt (2004), tôi đã được cấp chứng chỉ “Lí luận về hành chính Nhà nước và quản lí ngành Giáo dục Đào tạo”;

Hay chuyên đề “Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường”, tôi cũng đã học qua các môn ở trường đại học như “Tâm lí lứa tuổi”, “Giao tiếp sư phạm”, “Giáo dục học đại cương”. Hoặc chuyên đề “Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên” thì rất nhiều kì nghỉ hè tôi và các đồng nghiệp đều được cử đi học bồi dưỡng (3 ngày).

Thứ hai, sau khi giáo viên phổ thông được thăng hạng (hạng II) thì phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn như sau.

“Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên phổ thông hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới; Hướng dẫn sinh viên thực hành sư phạm khi được phân công;

Vận dụng hiệu quả sáng kiến kinh nghiệm, tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp viết sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp trường trở lên. Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông từ cấp trường trở lên;

Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên để ở tổ chuyên môn; Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên phổ thông cấp trường trở lên.

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường trở lên; Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi phổ thông từ cấp trường trở lên.

Ví như, giáo viên hạng II tham gia “hướng dẫn sinh viên thực hành sư phạm khi được phân công” là quy định vô lí, bởi hiện tại giáo viên phổ thông đã qua tập sự đều có khả năng hướng dẫn sinh viên sư phạm thực tập.

Hay quy định giáo viên hạng 2 “tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông từ cấp trường trở lên” cũng rất kì lạ, vì tất cả giáo viên phổ thông đều có thể hướng dẫn học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 thực hiện các dự án (tối đa 2 dự án/giáo viên) nghiên cứu khoa học kĩ thuật.

Hoặc quy định giáo viên hạng 2 được “tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi phổ thông từ cấp trường trở lên” là khiên cưỡng. Bởi thực tế, giáo viên vững chuyên môn thì ai mà chẳng ra được đề và chấm thi học sinh giỏi phổ thông.

Được biết, từ ngày 20/3/2021, giáo viên mầm non, phổ thông công lập không còn phải lo việc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa. Giá mà thời gian tới giáo viên được bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì tuyệt vời lắm thay!

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/con-chung-chi-vo-duyen-nhat-gia-nhu-bo-giao-duc-bo-not-thay-co-mung-biet-may-post215474.gd

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-vien-chuc-2010-115271.aspx

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/neu-khong-co-vi-tri-viec-lam-thay-co-dung-nhoc-cong-hoc-chung-chi-thang-hang-post207214.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn và quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên