Thông tin Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản thống nhất việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới được giáo viên cả nước quan tâm.
Hiện nay giáo viên từ mầm non đến phổ thông được xếp hạng viên chức theo các hạng từ I đến IV, ở các hạng từ hạng III đến hạng I đều yêu cầu các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ tương ứng để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, để được thăng hạng và xếp lương.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non đến trung học phổ thông công lập.
Theo đó, giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông được xếp theo các hạng từ hạng IV đến hạng I với các hệ số lương khác nhau.
Cụ thể, áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) đối với giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV có trình độ trung cấp; Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) đối với giáo viên mầm non hạng III, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở hạng IV có trình độ CĐ.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II; tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III có trình độ đại học được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38).
Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78).
Chứng bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp liệu có cần thiết? (Ảnh minh hoạ: Vũ Ninh) |
Trong dự thảo trên, giáo viên muốn được bổ nhiệm, thăng hạng đều phải có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Với thông tin mới nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì 2 Bộ đã thống nhất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Như vậy trong thời gian tới, dự kiến tháng 12 sẽ có thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên mới và sẽ không còn quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Tin học, ngoại ngữ vẫn rất cần thiết
Việc 2 Bộ đã thống nhất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin thời điểm này thật sự không làm giáo viên vui vì thực tế kể từ năm 2015 đến nay khi các thông tư ban hành tiêu chuẩn giáo viên ra đời thì hầu hết giáo viên đã có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mặc dù chất lượng của những chứng chỉ đó là dấu hỏi lớn.
Nên việc bỏ chứng chỉ, tin học hiện nay không làm giáo viên phấn khởi, tuy nhiên giáo viên đa số đồng tình, ủng hộ vì 2 Bộ đã có những điều chỉnh đúng đắn, hợp lý.
Giáo viên chưa có các chứng chỉ sẽ không còn “chạy” chứng chỉ, cũng chấm dứt tình trạng mua, bán chứng chỉ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mọi giáo viên nên hiểu là không phải là việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là bỏ hẳn mà là chuyển từ kiểu quản lý chứng chỉ sang quản lý bằng chất lượng thật.
Sắp tới, giáo viên vẫn phải tiếp tục học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, đổi mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030" ban hành kèm theo Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019.
Theo đó, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cả về số lượng và chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đến hết năm 2030 đạt mục tiêu:
60% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 35% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành;
70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành;
30% cán bộ, công chức xã và 25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành.
Như vậy, theo quyết định của Thủ tướng chính phủ thì từ nay đến năm 2030 các viên chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đó có giáo viên, hiệu trưởng,… vẫn phải đạt học tập, rèn luyện trình độ ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần dần áp dụng những thành tựu của công nghệ mới, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giảng dạy đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên việc giáo viên có kiến thức tốt về tin học là rất cần thiết.
Do đó, trong thời gian việc giáo viên sư dụng được tin học, ngoại ngữ là rất cần thiết để đáp ứng công cuộc đổi mới ứng dụng công nghệ và hội nhập.
Theo chia sẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tới đây giáo viên sẽ được bồi dưỡng các kiến thức về ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu về dạy học và đổi mới chương trình phổ thông mới.
Việc bồi dưỡng sẽ thực chất hơn, cụ thể, giáo viên chuyển từ có chứng chỉ sang biết sử dụng.
Kiến nghị hai Bộ hãy bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Đây chính là chứng chỉ “hành” giáo viên nhiều nhất, tốn nhiều tiền mà vô bổ nhất.
Theo dự thảo trước đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn mã số, xếp lương giáo viên thì chỉ có giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hạng IV (giáo viên chưa đạt chuẩn) là không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, còn tất cả hạng giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông từ hạng III đến hạng I đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên hạng IV viên muốn thăng hạng III phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, nếu muốn tiếp tục thăng hạng II phải có chức danh nghề nghiệp hạng II,… một giáo viên có thể có phải nhiều chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng là điều vô lý.
Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nếu giáo viên học thật, thi thật thì cần thiết cho một số bộ môn, tuy nhiên chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là vô ích, những chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không mang lại bất kỳ lợi ích gì tuy nhiên giáo viên phải bỏ ra một khoản tiền và thời gian không nhỏ.
Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì rất mong 2 Bộ cố gắng tháo gỡ và bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên theo các hạng. Giáo viên sẽ biết ơn hai Bộ rất nhiều.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.