Bỏ hình thức đấu thầu khi nâng chuẩn giáo viên sẽ giúp CSGDĐH tiết kiệm chi phí

22/02/2025 06:28
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Bỏ đấu thầu trong tổ chức đào tạo nâng chuẩn giúp các trường tham gia đào tạo tránh được rủi ro và tiết kiệm chi phí (làm hồ sơ thầu, thuê tư vấn,….).

Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...

Được biết, một trong những điểm mới của dự thảo là bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo trong tổ chức đào tạo nâng chuẩn. Bổ sung quy định giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Hạn chế khi áp dụng đấu thầu đối với đào tạo nâng chuẩn giáo viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ, công tác đào tạo nâng trình độ chuẩn nói riêng đã được các địa phương triển khai rộng rãi.

Thời gian qua, Trường Đại học Hồng Đức đã tham gia đấu thầu đào tạo theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Tuy nhiên, có thể thấy, trong quá trình thực hiện đấu thầu còn tồn tại những hạn chế khi áp dụng trong lĩnh vực đào tạo nâng chuẩn.

Thứ nhất, một gói thầu với nhiều ngành đào tạo nhưng số lượng người học mỗi ngành ít dẫn đến chi phí đào tạo không đảm bảo.

Thứ hai, một số ngành đào tạo mang tính đặc thù, không phải cơ sở giáo dục nào cũng đủ điều kiện đáp ứng, dẫn đến số lượng nhà thầu tham gia bị hạn chế hoặc phải chia sẻ qua khâu trung gian hoặc liên danh.

Thứ ba, cơ sở giáo dục có thể rất mạnh về đào tạo nhưng không mạnh về đấu thầu sẽ bị loại. Như việc cạnh tranh về giá trong đấu thầu có thể khiến những đơn vị đào tạo có năng lực tốt nhưng không cạnh tranh được về chi phí bị loại, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Do vậy, lựa chọn đơn vị thông qua đấu thầu có thể dẫn đến tình trạng đơn vị trúng thầu có mức giá thấp nhất nhưng chưa chắc đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất.

Có thể thấy, nếu bỏ phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng chuẩn sẽ giảm được các khó khăn nêu trên.

Ảnh minh họa. Website Trường Đại học Hồng Đức
Ảnh minh họa. Website Trường Đại học Hồng Đức

Cùng bàn về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên khá phức tạp và tốn nhiều thời gian mà nhiều khi không đạt được như mong muốn. Ví dụ, quá trình tổ chức thực hiện phải chờ thời gian thông báo đấu thầu hay các thủ tục đấu thầu phức tạp…

Bên cạnh đó, về đấu thầu, có 2 vấn đề cần lưu ý là năng lực của cơ sở đào tạo và mức giá. Đào tạo giáo viên đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao. Một số đơn vị sẵn sàng hạ giá xuống mức thấp nhất để trúng thầu. Nếu chỉ vì giá bỏ thầu thấp để trúng thầu thì chưa chắc đã lựa chọn được cơ sở đào tạo có chất lượng, uy tín, đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là một số đơn vị tìm cách tối ưu hóa để trúng thầu bằng mọi giá. Họ có thể sử dụng nhiều cách thức, chẳng hạn như chuyển sang hình thức dạy trực tuyến. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy theo cách này khó đảm bảo, có thể nhìn thấy rõ sự kém hiệu quả.

Đồng thời, một số ngành mang tính đặc thù cũng gặp khó khăn khi các cơ sở đào tạo chất lượng không thể cạnh tranh về giá trong đấu thầu, dẫn đến tình trạng triển khai chưa đầy đủ hoặc không đồng bộ.

Hơn nữa, một số ngành đào tạo có số lượng giáo viên ít dẫn đến việc ảnh hưởng trong tổ chức lớp học theo hình thức trực tiếp cũng như chi phí tổ chức đào tạo. Giáo viên cũng bị phụ thuộc vào sự sắp xếp của địa phương, không thể chủ động lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện cá nhân.

Bỏ đấu thầu giúp tiết kiệm thời gian cho công tác chuẩn bị đến khi trúng thầu

Theo thầy Thắng, có thể thấy, việc thực hiện phương thức đấu thầu trong nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên hiện nay nói chung gặp phải một số khó khăn.

Vì vậy, đề xuất bỏ phương thức đấu thầu trong dự thảo sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP sẽ giúp các địa phương và cơ sở đào tạo thực hiện công tác nâng chuẩn linh hoạt hơn. Các địa phương cũng có thêm sự chủ động khi đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thực tế, giảm áp lực tổ chức đấu thầu và tiết kiệm được thời gian triển khai.

Từ đó, lựa chọn được cơ sở đào tạo phù hợp, có uy tín, chất lượng, quá trình tổ chức triển khai bồi dưỡng nâng chuẩn cũng được kịp thời theo đúng lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã đề ra.

Ảnh minh họa.Website Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh minh họa.Website Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Còn theo thầy Thìn, khi bỏ phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng chuẩn sẽ tạo một số thuận lợi, phù hợp trong bối cảnh mới hiện nay.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định số 71/2020/NĐ-CP là một giải pháp thiết thực, giúp các cơ sở giáo dục đào tạo và địa phương gỡ khó khi thực hiện lộ trình nâng chuẩn cũng như giúp quá trình này được diễn ra nhanh hơn.

Đối với các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo, điểm mới trong dự thảo giúp các cơ sở đào tạo tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy mà không bị ràng buộc bởi quy trình đấu thầu phức tạp.

Đồng thời tiết kiệm được khoảng thời gian cho công tác chuẩn bị đấu thầu đến khi trúng thầu. Như việc chủ động trong mở lớp và tiết kiệm được thời gian bởi nếu đấu thầu phải tuân theo đề bài do bên chào thầu đề ra, có thể sẽ trùng với các thời gian đào tạo trong nhà trường khiến việc điều động giáo viên giảng dạy khó khăn.

Trong khi nếu chủ động mở lớp sẽ điều phối được khoảng thời gian trống dẫn đến quá trình đào tạo sẽ nhanh hơn.

Quy trình giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo sẽ đơn giản hơn, tránh gặp nhiều vướng mắc. Đồng thời, bỏ phương thức đấu thầu cũng giúp nhà trường tiếp cận nhanh hơn đối với các hoạt động đào tạo.

Bên cạnh đó, việc này cũng mang lợi ích trong cân đối chi phí và đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục có thế mạnh về đào tạo nhưng lại không có lợi thế trong đấu thầu, đặc biệt khi không thể cạnh tranh về chi phí sẽ bị loại.

Hơn nữa, nếu trúng thầu với chi phí thấp trong một gói thầu với nhiều ngành đào tạo nhưng số lượng người học mỗi ngành ít, sẽ không đảm bảo hoà vốn chứ chưa nói đến lợi nhuận. Vì vậy nếu giao nhiệm vụ, đặt hàng các cơ sở giáo dục sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động này khi tính đầy đủ chi phí.

Đồng thời, việc này cũng giúp các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo tránh được rủi ro và tiết kiệm chi phí (làm hồ sơ thầu, thuê tư vấn, ….) nếu tham gia đấu thầu không trúng cũng như giảm được khâu trung gian trong khi năng lực đào tạo đủ nhưng không mạnh trong đấu thầu.

Còn đối với giáo viên đi học nâng trình độ chuẩn, khi đăng ký, lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với chuyên ngành không bị ràng buộc vào địa phương bởi dự thảo ghi rõ “đối với các ngành hoặc chuyên ngành không đủ điều kiện mở lớp đào tạo theo phương thức quy định, địa phương thông báo bằng văn bản để giáo viên chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo”.

Điều này cũng tạo thuận lợi hơn khi giáo viên có thể chủ động trong việc nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tiết kiệm thời gian cho giáo viên lựa chọn cơ sở đào tạo có đủ số lượng học viên để mở lớp.

“Thực hiện theo dự thảo các cơ sở đào tạo sẽ nâng cao năng lực chính mình để cạnh tranh việc thực hiện đặt hàng hoặc được giao nhiệm vụ. Đây là yếu tố để các cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để được lựa chọn trên cơ sở dự toán kinh phí phù hợp nhất cho cơ sở đào tạo cũng như địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh về giá”, thầy Thìn chia sẻ.

Thu Trang