Hằng năm, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để tri ân và tôn vinh những cống hiến thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, thầy thuốc - những người luôn tận tâm vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nghề y không chỉ đòi hỏi nền tảng chuyên môn vững chắc mà còn cần y đức và tinh thần hy sinh cao cả.
Để bồi dưỡng nên một thế hệ y bác sĩ, thầy thuốc giỏi, các trường đại học đào tạo khối ngành sức khoẻ đóng vai trò quan trọng. Trường Đại học Văn Lang là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo về khối ngành sức khoẻ tại khu vực phía Nam.
Chương trình đào tạo vừa đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vừa gắn với thực hành
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang cho biết, mặc dù khối ngành sức khoẻ được thành lập muộn nhất tại trường Đại học Văn Lang (năm 2018), nhưng nhà trường đã có những đầu tư mạnh mẽ cho khối ngành này cả về nhân sự và cơ sở vật chất.

Theo thầy Tuấn, chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng hiện đại, có đối sánh với các chương trình đào tạo khối ngành sức khoẻ các nước tiên tiến trên thế giới. Để đảm bảo công tác đào tạo thực hành, nhà trường đã liên kết với các bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó nhiều đơn vị là bệnh viện chuyên sâu hạng I trong ngành Y tế: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt thành phố Hồ Chí Minh và bệnh viện Nhi Đồng 1.
“Trong quan hệ hợp tác quốc tế, các khoa thuộc khối ngành sức khoẻ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các đại học thứ hạng cao trong khu vực và châu Á như Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Đại học Airlangga (Indonesia), Đại học Seoul (Hàn Quốc)…
Bên cạnh đó, Khoa Dược hợp tác nghiên cứu khoa học với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Greg Walker (Khoa Dược, Đại học Otago, New Zealand) với sản phẩm là 02 công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín.
Hiện nay, khối ngành sức khoẻ đã có 3 ngành có sinh viên tốt nghiệp là ngành Dược, Điều Dưỡng và Kỹ thuật Y học. Tỉ lệ sinh sinh viên sau tốt nghiệp hầu hết đã có việc làm (>90%) và đa số làm việc tại các cơ sở y tế công lập (>60%). Ngoài ra, nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh với những bài báo công bố quốc tế và trong nước. Trong năm học 2023-2024, khối ngành sức khoẻ đã có 15 bài công bố quốc tế, gồm 8 bài thuộc khoa Dược và 7 bài thuộc khoa Răng Hàm Mặt”, thầy Tuấn thông tin.
Để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì đội ngũ giảng viên đóng vai trò then chốt trong công tác đào tạo. Theo thầy Tuấn, nhà trường đã mời gọi được những giảng viên là chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực chuyên sâu của khối ngành sức khoẻ. Để giữ chân được các giảng viên giỏi như vậy, vấn đề không chỉ là mức thu nhập tương xứng, mà quan trọng hơn là tạo được một môi trường làm việc mà các giảng viên cảm nhận được sự tôn trọng và có thể cống hiến hết sức mình.
“Hiện giảng viên cơ hữu khối ngành sức khoẻ có 130 giảng viên, trong đó có 10 giáo sư/phó giáo sư, 45 tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa 2 và 71 thạc sĩ. Giảng viên thỉnh giảng khối ngành sức khoẻ là những giảng viên giỏi, đa số là tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa 2 với nhiều kinh nghiệm lâm sàng từ các bệnh viện lớn, với số lượng trung bình 80 giảng viên/ học kỳ”, thầy Tuấn chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang bày tỏ, mặc dù nhà trường đã đầu tư rất nhiều cho khối ngành sức khoẻ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn trong đào tạo và nghiên cứu.
Thứ nhất, hầu hết các sinh viên xuất sắc đều có khuynh hướng chọn học trường công lập, những trường có bề dày đào tạo và thế mạnh trong lĩnh vực sức khỏe. Ngoài ra, học phí cũng là một rào cản với những sinh viên giỏi, nhưng khó khăn về kinh tế. Mặc dù ngưỡng chất lượng sinh viên đầu vào đảm bảo theo quy định khối ngành sức khoẻ nhưng tất yếu là thấp hơn so với các trường công lập, nên việc đào tạo cũng sẽ khó khăn hơn.
Thứ hai, quy định 70% giảng viên cơ hữu phải nằm trong độ tuổi lao động. Với các trường tư thục thì đây là khó khăn rất lớn, vì ở khối ngành sức khoẻ, những giảng viên giỏi thường đến tham gia với trường sau khi đã nghỉ hưu ở trường công lập hoặc bệnh viện công.
Thứ ba, nhà trường chưa có bệnh viện thực hành riêng mà phải ký kết hợp tác với các bệnh viện khác. Hiện tại, nhà trường đã có dự án xây dựng bệnh viện và thực hiện mô hình viện - trường để khắc phục ngay khó khăn này.

“Bên cạnh đó, để rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và khả năng giao tiếp cho sinh viên ngành y, nhà trường đã triển khai áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trước hết, nhà trường đã giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên thông qua các môn học về đạo đức y khoa và tính chuyên nghiệp trong hành nghề. Từ đó, sinh viên hiểu rõ về trách nhiệm và nghĩa vụ của bác sĩ đối với bệnh nhân và cộng đồng.
Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng giao tiếp, giúp sinh viên rèn luyện tập kỹ năng lắng nghe, giải thích và tư vấn cho bệnh nhân. Cụ thể, kỹ năng giao tiếp được tổ chức thực hành từ trung tâm huấn luyện kỹ năng cho đến tiếp cận thực tế lâm sàng.
Chưa kể, nhà trường còn đẩy mạnh một số phương pháp sau: Học tập dựa trên tình huống cho phép sinh viên phân tích và thảo luận các vấn đề thực tế, giúp họ nâng cao khả năng xử lý tình huống trong môi trường y tế; thực tập lâm sàng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế mang lại cơ hội quý báu để sinh viên trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ các bác sĩ giàu chuyên môn; tham gia các hoạt động ngoại khóa như tham gia tình nguyện hoặc các chương trình cộng đồng, giúp sinh viên phát triển sự thấu hiểu và đồng cảm với bệnh nhân.
Để đảm bảo sinh viên có thể cải thiện không ngừng, việc phản hồi và đánh giá đóng vai trò quan trọng. Sau mỗi buổi thực hành hoặc thực tập, họ sẽ nhận được nhận xét từ giảng viên và thậm chí cả bệnh nhân (nếu có), giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp và ứng xử.
Nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ của các phương pháp này, sinh viên y khoa không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn phát triển toàn diện về mặt kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này”, thầy Tuấn nêu quan điểm.
Sinh viên được tạo điều kiện thực tập tại nhiều bệnh viện uy tín
Chia sẻ lý do theo đuổi ngành y, bạn Đào Vy Tuyết Anh - Cựu sinh viên K26 chuyên ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Văn Lang cho biết, bản thân vốn đã yêu thích ngành y từ lâu, mặc dù gia đình không có ai theo công việc này.

“Trong vài lần tiếp xúc với các nhân viên y tế, tôi thấy những người điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân rất tận tâm. Chính hình ảnh đó đã truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi muốn theo đuổi công việc chăm sóc người khác.
Sau khi tốt nghiệp bằng Giỏi với GPA 3.29/4.0, tôi được nhận làm Điều dưỡng viên của Bệnh viện Thống Nhất (Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh)”, bạn Tuyết Anh chia sẻ.
Theo bạn Tuyết Anh đánh giá, chương trình đào tạo của nhà trường rất sát thực tế, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Sau khi học lý thuyết, sinh viên được đi thực tập tại bệnh viện và trực tiếp thực hành trên người bệnh. Ở bệnh viện, sinh viện nhận được sự hướng dẫn từ giảng viên của trường, các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng, giúp trang bị những kỹ năng cần thiết để áp dụng sau khi ra trường.
“Thời điểm đó, tôi may mắn có cơ hội được thực tập ở Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Bình dân. Sau khóa của tôi, trường tiếp tục mở rộng hợp tác với nhiều bệnh viện khác để tạo điều kiện thực tập tốt nhất cho sinh viên. Ngoài ra, thời gian thực tập thường kéo dài theo từng môn học. Mỗi môn sẽ có gần một tháng thực tập tại bệnh viện. Tổng thời gian thực tập của tôi rơi vào khoảng 12 tuần cho tất cả các môn”, bạn Tuyết Anh cho hay.
Nữ điều dưỡng viên chia sẻ, một ngày đi làm sẽ bắt đầu vào trước 7 giờ sáng ở bệnh viện với trang phục chỉnh tề, đeo thẻ sinh viên đầy đủ (nếu là thực tập sinh). Sau đó, mọi người được phân công công việc.
Nếu chăm sóc bệnh nhân, việc đầu tiên trong ngày là kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Tiếp theo, điều dưỡng viên sẽ xem xét bệnh án, theo dõi tình trạng của bệnh nhân mà mình được giao phụ trách. Sau đó, điều dưỡng viên chuẩn bị thuốc, kiểm tra thuốc của bệnh nhân xem có bất thường ở đâu.
Đối với khoa Ngoại, nếu bệnh nhân có chỉ định thay băng thì điều dưỡng viên sẽ thực hiện. Đồng thời, điều dưỡng viên sẽ theo dõi dịch truyền, các chỉ số y tế đến trưa. Khoảng 11 giờ 30 phút hằng ngày là thời gian nghỉ trưa, sau đó 13 giờ sẽ tiếp tục công việc. Trong đó, ca làm việc ban ngày thường kết thúc vào khoảng 16 giờ 30 phút. Nếu trực đêm thì điều dưỡng viên làm đến 7 giờ sáng hôm sau.
“So với đi học, đi làm thực tế sẽ rất khác nhau. Bởi khi còn là sinh viên, tôi chủ yếu thực hiện các kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của các anh chị điều dưỡng và giảng viên. Trong khi đó, khi đi làm chính thức, tôi phải tự học cách viết hồ sơ bệnh án, nắm rõ quy trình làm việc của bệnh viện, tự đảm nhận công việc của mình và chịu trách nhiệm hoàn toàn về công việc đó. Mặc dù được đồng nghiệp hỗ trợ nhưng không có ai kèm cặp như lúc thực tập. Do đó, ban đầu có thể hơi bỡ ngỡ, nhưng sau khi thích nghi thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, ngành Điều dưỡng yêu cầu tiếp xúc với bệnh nhân rất nhiều. Ngoài kỹ năng chuyên môn, tôi cần có kỹ năng giao tiếp và ứng xử với bệnh nhân, vì khi bị bệnh, tâm lý của họ thường nhạy cảm. Nếu biết cách nói chuyện và tạo sự thoải mái cho bệnh nhân, họ sẽ hợp tác điều trị tốt hơn. Đồng thời, tôi cũng cần biết cách giao tiếp với đồng nghiệp, bác sĩ và các khoa khác để làm việc hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay bệnh viện đã áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, nên nhân viên y tế cũng cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để nhập dữ liệu và quản lý hồ sơ”, nữ điều dưỡng viên bày tỏ.
Một trong những vấn đề nóng hiện nay là tình trạng bác sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp thường chọn làm việc ở khu vực thành phố lớn thay vì về tuyến y tế cơ sở.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang cho hay, để khuyến khích sinh viên y tế cống hiến cho y tế cộng đồng, nhà trường áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục về y tế cộng đồng. Nhà trường đã tích hợp các môn học về y tế cộng đồng, sức khỏe cộng đồng và quản lý y tế vào chương trình đào tạo để sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở.
Thứ hai, tăng cường tổ chức các chương trình thực tập tại các trạm y tế hoặc bệnh viện tuyến huyện để sinh viên có trải nghiệm thực tế và cảm nhận được những thách thức cũng như cơ hội làm việc tại đây.
Thứ ba, xây dựng các chương trình tình nguyện khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện tại các khu vực cần thiết, giúp họ nhận thức rõ hơn về nhu cầu y tế tại cộng đồng. Đồng thời, nhà trường xây dựng các đơn vị y tế lưu động, nha khoa lưu động tạo điều kiện cho các em sinh viên tiếp cận thực tế nhằm tăng cường trải nghiệm.
Thứ tư, thiết lập các mạng lưới kết nối giữa sinh viên, cựu sinh viên và các bác sĩ đang làm việc tại y tế cơ sở để chia sẻ kinh nghiệm và tạo động lực. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tổ chức hội thảo và tọa đàm và mời các chuyên gia và bác sĩ thành công trong lĩnh vực y tế cộng đồng về chia sẻ kinh nghiệm, tạo động lực cho sinh viên.
Thứ năm, cung cấp cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu về y tế cộng đồng và các vấn đề sức khỏe địa phương. Ngoài ra, nhà trường thực hiện các chương trình đào tạo liên tục và cung cấp các khóa đào tạo và hội thảo cho sinh viên và bác sĩ mới tốt nghiệp về các kỹ năng cần thiết khi làm việc tại y tế cơ sở.