Bố mẹ cần làm gương, đừng chơi trò đỏ đen ăn tiền ngày Tết trước mặt con

26/01/2023 06:35
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh cần làm gương không chơi các trò đỏ đen trước mặt con. Không dung túng cho trẻ chơi các hình thức cờ bạc mang tính sát phạt nhau bằng tiền. 

Ngày Tết đến, ở một số gia đình không khó để bắt gặp cảnh những “sòng bài”, những chiếu bạc với trò chơi xóc dĩa, chơi lô tô tại gia mà các “con bạc” chủ yếu là cha mẹ, anh em, con cháu cùng tham gia. Đánh bài không mang tính sát phạt mà chủ yếu vui là chính khi mỗi ván bài ăn thua chỉ trên dưới chục ngàn đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trẻ nhỏ dễ nhiễm thói sát phạt nhau bằng tiền

“Sòng bài” được lập cũng theo vị thế, độ tuổi như ba mẹ và các con lớn rồi đến những đứa bé độ tuổi choai choai, cuối cùng những cô cậu bé đang học mẫu giáo hay lớp một, lớp hai thấy người lớn chơi cũng bắt chước trò đỏ đen sát phạt ăn tiền.

Những khoản tiền lì xì được mang ra đánh. Cha mẹ, người lớn đều thấy hết, tuy nhiên với tâm lý “Tết mà”; “cho vui ba ngày Tết”…nên nhiều người vẫn thấy bình thường, vẫn mặc kệ các em đánh bài ăn tiền như thế.

Không dừng lại ở việc đánh bài, xóc dĩa, chơi lô tô với người thân trong nhà, một số em còn qua nhà hàng xóm lập nhóm hoặc rủ thêm bạn bè ra ngoài quán để đánh tiếp. Những cuộc vui như thế này không kết thúc trước 9 giờ đêm mà có khi gần 12 giờ khuya chưa giải tán. Không còn cảnh đánh cho vui, có em đã chơi hết sạch số tiền lì xì trước đó.

Nếu như nhiều người lớn chỉ đánh cho vui vài ba ngày Tết khi anh em, họ hàng quây quần về hội tụ thì đám trẻ nhỏ sau vài ngày tập tành đánh bài dịp Tết, có em đã kịp đam mê, kịp “nghiền” trò đỏ đen này và mang đến tận trường học.

Hệ luỵ từ việc dung túng cho trẻ chơi bài vào dịp Tết

Năm học nào cũng vậy, khi tựu trường sau ngày Tết Nguyên đán, giáo viên liên tục phải xử lý những cảnh học sinh mang bộ bài đến lớp để đánh cùng bạn. Cũng không còn là chơi bài, xóc dĩa vui như trước mà đã mang tính “sát phạt” nhau.

Chuyện chỉ vỡ lẽ khi một vài học sinh nào đó nợ bạn quá nhiều tiền và mất khả năng chi trả hay bị chính phụ huynh phát hiện bị mất tiền ở nhà đến lớp gặp thầy cô nhờ ngăn chặn giúp.

Số tiền học sinh lấy của gia đình đôi khi không dừng lại ở con số vài chục ngàn hay vài trăm mà lên đến hàng triệu, thậm chí vài chục triệu đồng.

Không chỉ đánh bài, xóc dĩa, chơi lô tô ăn tiền nó còn biến tướng qua một số hình thức ăn tiền khác như cho bạn vay tiền lấy lãi cao, chơi cờ tiền, đặc biệt là bạt (ném) hình ăn tiền.

Bao giờ cũng thế, khi bị nhà trường mời họp phụ huynh để thông báo, phụ huynh mới vỡ lẽ (cũng có một số trường hợp tự phụ huynh phát hiện ra vì trong nhà bỗng mất đi một khoản tiền lớn).

Thế là, những lời mắng chửi, những trận đòn mà ba mẹ trong lúc tức giận giáng xuống cũng chỉ làm con trẻ thấy sợ ngay lúc đó chứ hoàn toàn khó làm con cái chừa để từ bỏ hẳn chuyện đam mê đỏ đen.

Người lớn phải làm gương

Thường thì trẻ nhỏ học đánh bài từ người lớn. Một số phụ huynh luôn mặc kệ các con vì cho rằng “chúng chơi mấy ngày Tết cho vui rồi bỏ” nên không cấm đoán, không nhắc nhở. Dần dà, việc chơi các trò đỏ đen sẽ làm cho những đứa trẻ thấy nghiền và vô cùng khó bỏ.

Một số phụ huynh khác lại vô tư chơi các trò đỏ đen trước mặt con cháu nên chúng nhanh chóng bắt chước. Khi bị bố mẹ nhắc nhở, có bé nói thẳng “Ba, mẹ cũng chơi được thì con chơi được”; hoặc có em đã nêu thắc mắc: “Tại sao ba mẹ chơi bài được mà lại cấm con?”.

Vì thế, chính phụ huynh phải làm gương không chơi các trò đỏ đen trước mặt con cái. Không dung túng cho trẻ chơi các hình thức cờ bạc mang tính sát phạt nhau bằng tiền. Khi phát hiện ra con mình không nghe lời cần cương quyết ngăn cấm bằng mọi giá.

Hành vi đánh bài, chơi xóc đĩa, tá lả hay có trò chơi mà ăn thua bằng tiền, tài sản, hiện vật có giá trị thì có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, tính chất của hành vi.

Về xử phạt hành chính, theo điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào "đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;" sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, người thực hiện hành vi chơi tiến lên, tá lả… sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp: "đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này" thì bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, căn cứ tại Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đối với người tổ chức thì mức phạt được quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, còn mức phạt đối với tổ chức thì gấp đôi mức phạt này.

Nếu có căn cứ chứng minh người vi phạm thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự hiện hành thì người này có thể bị truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc". Mức phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.

Phan Tuyết