Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập khiến nhiều giáo viên vui mừng vì các Thông tư này không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học nữa.
Vậy, một khi Bộ đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên thì đội ngũ nhà giáo có phải học, bồi dưỡng về 2 môn học này nữa không? Những sinh viên sư phạm khi đăng ký tuyển dụng có cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học?
Chúng tôi cho rằng các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ mới ban hành vẫn yêu cầu trình độ ngoại ngữ và tin học ở những hạng giáo viên cụ thể chứ chưa phải bỏ hẳn.
Điều này cũng được thể hiện ở nội dung của chương II (Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) của các Thông tư 01,02,03,04 /2021/TT-BGDĐT và yêu cầu ngoại ngữ, tin học cũng được hướng dẫn rất rõ trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, được ban hành ngày 25/9/2020.
Ngoại ngữ, tin học vẫn là yêu cầu bắt buộc trong tuyển dụng, thăng hạng, xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Có phải giáo viên được bỏ hẳn yêu cầu ngoại ngữ và tin học?
Ngày 26/11/2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và tại đây ông đã thông tin về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và chứng chỉ ngoại ngữ 2 đối với giáo viên dạy tiếng Anh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết là dự kiến tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này.
Ngày 02/2/2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập.
Khác với nội dung dự thảo trước đây, trong các Thông tư chính thức được ban hành không yêu cầu cụ thể về chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và chứng chỉ tin học cơ bản cho từng hạng giáo viên.
Vì thế, nhiều giáo viên mừng, nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đề cập vấn đề này…
Thế nhưng, thực tế thì các Thông tư này chỉ bỏ chứng chỉ nhưng vẫn yêu cầu trình độ, khả năng ngoại ngữ và tin học đối với tất cả các hạng giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.
Cụ thể, trong khoản 4 (Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ), Điều 3,4,5 (tương ứng với giáo viên hạng III, II, I), chương II (Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) của 4 Thông tư đều có quy định về trình độ ngoại ngữ và tin học như sau:
“Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên hạng (...) và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.
Với hướng dẫn như thế này, chúng tôi thấy mọi thứ vẫn còn rất chung chung bởi “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin”; “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được gia” thì lấy gì làm thước đo?
Hơn nữa, trong các Thông tư Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT; Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông thì 2 tiêu chí ngoại ngữ và tin học cũng được hướng dẫn nguồn minh chứng là chứng chỉ.
Chẳng hạn, Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT thì Công văn số 5569/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 06/12/ 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đã nêu ví dụ nguồn minh chứng.
Theo đó, tiêu chí 13: “Sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc tiếng dân tộc của trẻ em” nếu xếp ở mức khá thì được gợi ý nguồn minh chứng là: “Ý kiến ghi nhận, xác nhận của tổ, nhóm chuyên môn hoặc ban giám hiệu, đồng nghiệp hoặc cấp trên về việc giáo viên có thể trao đổi thông tin đơn giản bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) với nội dung liên quan đến hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
Hoặc giao tiếp thành thạo bằng tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức 2/6 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ tương đương về ngoại ngữ, tiếng dân tộc do các đơn vị có thẩm quyền cấp.
Ở tiêu chí 14: “Ứng dụng công nghệ thông tin” thì được gợi ý minh chứng bằng: “Ý kiến ghi nhận, xác nhận của nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên về trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và quản lý nhóm, lớp
- Hoặc chứng chỉ hợp lệ xác nhận trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định (tại thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/03/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông)”.
Đối với giáo viên phổ thông đang được đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, nếu xếp các tiêu chí ngoại ngữ, tin học ở mức "khá" thì Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý các nguồn minh chứng 2 tiêu chí này như sau:
Tiêu chí 14: “Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc” thì cũng được hướng dẫn: “có chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức 2/6 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ tương đương về ngoại ngữ”.
Tiêu chí 15. “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục” thì được hướng dẫn”: “
Ý kiến ghi nhận, xác nhận của nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên về trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học, giáo dục (hoặc chứng chỉ hợp lệ xác nhận trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/03/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Và, trong các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ vừa ban hành thì chúng tôi thấy các tiêu chí về ngoại ngữ và tin học cũng không hề được bỏ đi.
Cái khác cơ bản là trước đây, khi các văn bản này trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo thì nó nằm ở khoản 3 (Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng), còn bây giờ các văn bản này được chính thức ban hành thì nó nằm ở khoản 4 (Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) mà thôi.
Thay vì các Thông tư này không yêu cầu chứng chỉ loại gì nhưng lại yêu cầu “có khả năng ứng dụng, sử dụng tin học và ngoại ngữ”. Đặc biệt, trong các văn bản hướng dẫn tuyển viên chức và thi (xét) thăng hạng giáo viên thì yêu cầu ngoại ngữ và tin học vẫn đang là môn thi bắt buộc.
Tài liệu tham khảo:
//luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-01-2021-tieu-chuan-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-mam-non-198080-d1.html
//vanbanphapluat.co/thong-tu-02-2021-tt-bgddt-ma-so-tieu-chuan-chuc-danh-vien-chuc-trong-truong-tieu-hoc-cong-lap
//luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-03-2021-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-thcs-cong-lap-198082-d1.html
//luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html
//luatvietnam.vn/can-bo/nghi-dinh-115-2020-nd-cp-tuyen-dung-su-dung-va-quan-ly-vien-chuc-191500-d1.html
//thuvienphapluat.vn/cong-van/bo-may-hanh-chinh/Cong-van-5569-BGDDT-NGCBQLGD-2018-huong-dan-thuc-hien-Thong-tu-26-2018-TT-BGDDT-410317.aspx
//thukyluat.vn/cv/cong-van-4530-bgddt-ngcbqlgd-2018-chuan-giao-vien-co-so-giao-duc-pho-thong-62ac6.html