Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành quy định về mã số, tiêu chuẩn xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực từ 20/3/2021.
Sau khi chùm Thông tư trên ban hành đã có rất nhiều bài viết phản ánh bất cập của chùm Thông tư trên về chuyển hạng, giáng hạng, chuyển xếp lương, thời gian giữ bậc, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp,…
Cũng có nhiều bài viết đề nghị dừng việc chuyển lương theo các thông tư trên vì có quá nhiều bất cập.
Hầu hết ở các địa phương đều chưa chuyển xếp lương theo Thông tư mới
Thực tế trên các diễn đàn mạng thì chỉ có một số rất ít các địa phương có chia sẻ một số quyết định chuyển xếp lương (chưa được kiểm chứng).
Còn tại các địa phương khác thì việc chuyển xếp lương vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Gần đây, ngày 28/5 Bộ Nội vụ ban hành công văn số 2499/BNV-CCV về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức trong đó có đề xuất về việc cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức. Sắp tới có thể mỗi cấp học, bậc học chỉ có 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Nhưng hiện nay, việc quy định về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vẫn chưa được cụ thể hóa.
Do đó, đến giai đoạn này hầu như tại tất cả các địa phương chưa thực hiện được việc chuyển xếp lương mới theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trên vì lý do là có nhiều bất cập, bất hợp lý.
Chưa thực hiện được chuyển xếp lương mới, thời gian hưởng lương mới quá ngắn nên việc ban hành một dự thảo Thông tư về thi, xét thăng hạng giai đoạn này liệu có cần thiết?
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Nếu được ban hành, Thông tư mới về thi/xét thăng hạng sẽ “thọ” được bao lâu?
Hiện nay chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT chưa được áp dụng, các địa phương hầu hết chưa có các quyết định chuyển xếp lương theo Thông tư mới trên.
Trong khi đó, Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập hiện nay đang trong giai đoạn dự thảo lần 2, lấy ý kiến rồi có thể có dự thảo lần 3,…
Nếu được đồng ý, thông qua thì cũng cần một thời gian để nó chính thức có hiệu lực.
Sau đó, phải có văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi hướng dẫn của địa phương, thành lập hội đồng thi/ xét thăng hạng,…
Như vậy về quy trình để khi đi vào thực tế, tổ chức thi/ xét thăng hạng vẫn còn một thời gian dài.
Bằng chứng là trước đây khi có các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Nhưng từ thời điểm đó đến nay, hầu như có rất ít các địa phương tổ chức thi, xét thăng hạng, do đó mới có nhiều bức xúc có nhiều giáo viên có trình độ đại học, đạt các tiêu chuẩn nhưng lại hưởng lương trung cấp, cao đẳng gần 10 năm nay.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lần này ban hành dự thảo Thông tư thi, xét thăng hạng lần này là không còn phù hợp bởi vì đến ngày 01/7/2022 nếu không có gì thay đổi, cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ được sắp xếp lương theo vị trí việc làm, hưởng lương theo hiệu quả công việc theo Nghị quyết 27/NQ-TW, khi đó không còn hệ số lương, không còn hạng chức danh nghề nghiệp,..
Do đó thời gian từ đây đến khi lấy ý kiến, được Thông qua, chờ hướng dẫn,… thì đã hết thời gian, thì Thông tư này cũng có thể “chết yểu”.
Tại sao phải xây dựng và ban hành một dự thảo Thông tư về việc thi, xét thăng hạng khi biết thời gian tồn tại của nó rất ngắn?
TIếp tục kiến nghị dừng xếp lương theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT
Giống như ý kiến của nhiều nhà giáo trong nhiều bài viết, do bất cập của chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là rất lớn, gây nhiều bức xúc trong giáo viên nên tiếp tục xin được kiến nghị dừng việc chuyển xếp lương theo các thông tư này.
Hiện nay, hàng ngàn giáo viên cả nước có bằng đại học trên dưới 10 năm vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng đang rất bức xúc, nên chỉ xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo cho họ được chuyển xếp lương, thăng hạng theo Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT. Đây là việc làm cần thiết, hợp lý nhất hiện nay.
Giáo viên hiện nay chỉ bức xúc ở việc không được thăng hạng theo các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, nếu chuyển xếp lương mới theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là đi từ bất cập, bất công này đến bất công khác lớn hơn.
Việc ban hành thêm một Thông tư mới về thi, xét thăng hạng như dự thảo đang lấy ý kiến trong giai đoạn này theo quan điểm của người viết là không cần thiết; hiệu lực, thời gian tồn tại của nó cũng không lâu nên kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho tạm dừng và cho giáo viên được thi, xét thăng hạng theo Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT là giáo viên đã cảm ơn Bộ rất nhiều.
Tài liệu tham khảo:
Dự thảo Thông tư tại địa chỉ:
https://docs.google.com/viewerng/viewer?url=https://moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDT/Attachments/1553/D%E1%BB%B1+th%E1%BA%A3o+2+(%C4%91%C4%83ng+m%E1%BA%A1ng+-+ch%C3%ADnh+th%E1%BB%A9c).docx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.