Ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; tạo hứng khởi, khơi dậy tinh thần “hết lòng vì học sinh thân yêu”, thúc đẩy đội ngũ nhà giáo và toàn ngành Giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Chương trình có sự tham dự Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các Thứ trưởng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cơ quan trung ương; đại diện các địa phương, cơ sở giáo dục và đặc biệt là sự hiện diện của 400 nhà giáo xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 1,2 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
Phát biểu chia sẻ tại buổi Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng tri thức, hiếu học và giàu chí tiến thủ. Theo đó, người thầy có vị trí tôn quý. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. 40 năm trở lại đây, khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính thức được xác định thì tinh thần ấy càng được phát huy. Nó hun đúc thành một nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hóa giáo dục và đời sống văn hoá của người Việt Nam.
Trong việc dạy học, dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. Dạy học là hoạt động tải đạo. Người đời vì trọng đạo mà tôn sư. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương mẫu cho học trò. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy mà người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
"Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, là một nghề giàu tính nhân văn. Muốn dạy người, nhà giáo phải thấu hiểu con người, phải cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực. Đó là nghề cho đi mà không màng nhận lại, như độ nhân qua những chuyến đò sang sông, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ.
Muốn dạy được học trò nhà giáo phải tích lũy kiến thức, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng. Muốn dạy một phải biết nhiều, phải đủ kiến thức và tầm nhìn để làm bậc thầy dẫn dắt cho học trò. Họ là bộ phận quan trọng của tầng lớp trí thức. Những giá trị của sự chuẩn mực, tính nhân văn, tình yêu thương, tri thức và sáng tạo đã tạo nên sự cao quý của nghề giáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa.”
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo đã có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng", Bộ trưởng khẳng định.
Toàn thể nhà giáo cùng chung tay chung sức, vượt qua khó khăn trở ngại
Bộ trưởng chia sẻ, đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu cao và khát vọng lớn. Đất nước đứng trước cơ hội rộng mở để trở thành một nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Giáo dục và đào tạo vinh dự được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là động lực và nền tảng để phát triển đất nước. Giáo dục và đào tạo với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, vinh dự được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển.
Để thực hiện sứ mệnh và trọng trách vinh quang đó, ngành giáo dục và đào tạo đang ra sức đổi mới căn bản và toàn diện, nói cách khác là đang thực hiện một cuộc cải cách lớn.
Những yêu cầu của công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục vừa là niềm vinh dự lớn nhưng cũng là thách thức chưa từng có đối với ngành giáo dục và với lực lượng các nhà giáo.
Muốn đổi mới được giáo dục, cần đổi mới từ tư duy, cơ chế chính sách, quản trị hệ thống, đổi mới cơ sở hạ tầng... Giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có, nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số, phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp khoa học kiểm tra đánh giá hiện đại.
Thế giới biến đổi từng giây từng phút, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, mô hình bậc thầy uyên bác biết tất, biết mười dạy một không còn phù hợp, thay vào đó, nhà giáo phải nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng và dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn. Không những thế, trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn, phức tạp hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới,việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.
Sự nghiệp đổi mới trong giáo dục đang triển khai này nhất định thành công và chỉ được phép thành công, vì sự thành bại của giáo dục không chỉ là việc riêng của ngành, mà thành bại của giáo dục can hệ với sự thành bại của quốc gia. Nhận thức sâu sắc điều đó, toàn ngành giáo dục, hơn một triệu nhà giáo trên cả nước đang hăng hái, dấn thân, đảm trách sứ mệnh đổi mới. Chỗ này chỗ khác, ngôi trường này ngôi trường khác, thầy cô này thầy cô khác cũng có chỗ, có lúc khiến xã hội chưa hài lòng, phụ huynh bức xúc, danh dự nhà giáo có lúc bị tổn thương và sứt mẻ.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đó là bộ phận, là số nhỏ, phần lớn và tổng thể nhà giáo vẫn đang tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo, lấy giá trị bền vững tốt đẹp của nghề làm cái bất biến thiêng liêng để ứng phó với muôn vàn biến động và thử thách.
Phần rất lớn vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề, đem con chữ tới học sinh vùng biên giới và hải đảo, chấp nhận muôn vàn thiệt thòi. Tuyệt đại bộ phận nhà giáo vẫn miệt mài học tập, đổi mới sáng tạo, tự vươn lên để đủ sức dạy bảo, dẫn dắt, chỉ đường cho những lớp lớp học trò thời đại mới rất thông minh, giỏi giang nhưng cũng rất nhiều khác biệt.
Bộ trưởng chia sẻ cùng các thầy cô giáo, đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển. Vượt qua khó khăn, hoàn thành được sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, ngành giáo dục và nhà giáo chúng ta sẽ càng trưởng thành và sự vinh quang càng lớn lao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng, toàn thể nhà giáo cùng chung tay chung sức, vượt qua khó khăn trở ngại, bởi sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể lực lượng nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục, trong suốt thời gian vừa qua luôn gắn bó, đoàn kết, ủng hộ, các chính sách, các định hướng, yêu cầu và chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cảm ơn các thầy cô đã biến các chủ trương thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn của toàn thể nhà giáo, tới toàn xã hội, tới tất cả quý vị phụ huynh, cảm ơn hàng chục triệu học sinh.