Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt vấn đề: Mô hình VNEN đang gây ra những dư luận không tốt, giáo viên và học sinh cho rằng đây là chương trình cắt xén, chắp vá dựa trên sách giáo khoa hiện hành, chất lượng không đảm bảo, nhưng lại buộc sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải chạy theo.
Dự án dạy học của VNEN khá lỏng lẻo, tạo ra tình trạng học sinh chỉ ngồi nói chuyện, không học, cho nên không nắm được bài. Trong khi đó, khi dự án sắp kết thúc thì một số cơ sở mới bất ngờ nhận được thiết bị dạy học. Tại sao có tình trạng như vậy?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, mô hình trường học mới (VNEN) nhiều quốc gia đã triển khai cách đây 50 năm. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Trước câu hỏi này này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phạm Vũ Luận khẳng định, dự án VNEN không chỉ làm thay đổi cách học, nhận thức của học sinh, mà còn làm thay đổi cơ bản nhận thức và kỹ năng của đội ngũ thầy cô giáo.
Ông Luận lý giải: “Phải làm cho các cháu biến quá trình đi học từ thụ động sang chủ động, tạo kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, tiếp thu, trao đổi, phản biện, sau này mới có khả năng hợp tác và nghe người khác.
Trong VNEN có việc các cháu trao đổi, đọc đúng câu, đúng chính tả, không ngọng, có thể trao đổi để có nhận thức đúng, tự tìm hiểu, tự khám phá, cho nên trong lớp học có chuyện ồn ào, trao đổi là bình thường”.
Bộ trưởng Luận cũng cho biết, không chỉ các trường trong dự án thực hiện mô hình VNEN mà bây giờ Bộ Giáo dục yêu cầu tất cả các trường ngoài dự án cũng thực hiện theo cách làm này. Đây là điểm mới ở Việt Nam, nhưng thế giới đã làm cách đây 50 năm và không còn mới nữa.
Đối với các thông tin liên quan tới trang thiết bị lắp đặt khi dự án đã sắp kết thúc, Bộ trưởng Luận cho biết, đây là một số thiết bị có tính chất khen thưởng cho các trường thực hiện tốt dự án.
Đánh giá chung về kết quả sử dụng ODA trong giáo dục và đào tạo, GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn ODA của cả nước, khoảng 3,5%, tương đương 2,1 tỷ USD trong 10 năm 2004 – 2014, nhưng các dự án ODA trong giáo dục, đào tạo đã phát huy hiệu quả.
Không chỉ giúp tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của ngành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu áp dụng các mô hình giáo dục, đào tạo tiên tiến trên thế giới”.
Liên quan tới các thông tin về công nghệ Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Giáo sư Hồ Ngọc Đại tặng tôi công trình đó. Đây là công trình có tác dụng tốt, đặc biệt tác dụng với các vùng dân tộc ít người.
Trước đây nhiều học sinh đi học về lại mù chữ, nhưng khi dùng chương trình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì giải quyết triệt để vấn đề ấy. Công nghệ này kết hợp tốt với VNEN, vì khi áp dụng VNEN thì ở lớp 2 các cháu phải biết đọc tròn vành rõ chữ rồi, phải dùng công nghệ này thì các cháu mới không tái mù”.