Chất lượng đội ngũ giáo viên đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, tới đây khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thì nỗi lo này càng trở nên cấp thiết hơn.
Một trong những bất cập được nhiều chuyên gia chỉ ra đó là: “Đội ngũ giáo viên của chúng ta đào tạo từ hơn 20 năm trước đang là nòng cốt trong các nhà trường.
Kể cả các thầy cô giáo được đào tạo trong vòng từ 5 đến 7 năm nay vẫn là sản phẩm của cách dạy học cũ, của quan điểm dạy học cung cấp kiến thức”.
Và bày tỏ lo lắng: “Chương trình giáo dục mới quan điểm mới, cách dạy học mới nhưng con người cũ vẫn bảo thủ theo cách dạy học cũ, phương pháp cũ dẫn tới lệch pha và đổ vỡ”.
Chất lượng giáo viên hiện nay là vấn đề được nhiều người quan tâm (ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, cũng liên quan đến đội ngũ giáo viên, ở góc nhìn của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại mang màu sắc “tươi tắn” hơn.
Cụ thể, trong tài liệu tại Hội nghị triển khai chương trình phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Về chất lượng, cơ bản đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, trung học cơ sở 99,0%, trung học phổ thông 99,6%).
Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đợi chỉ đạo mới thay đổi thì sớm muộn gì cô thầy cũng bị đào thải |
Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.
Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu tích cực và hiệu quả cho cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp trong việc xây dựng các chính sách cán bộ, giáo viên, học sinh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương”.
Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước.
Trong đó Bộ có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Căn cứ vào báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì những mối lo về chất lượng đội ngũ quả thực hơi thừa.
Ấy thế mà có một điều lạ, một số tỉnh lại không yên tâm về đội ngũ giáo viên đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ.
Đơn cử như tỉnh Hải Dương cho rằng, còn hơn 20% giáo viên tiếng Anh vẫn chưa đạt chuẩn [1].
Trong khi đó, trước chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch chi tiết tổ chức khảo sát chất lượng giáo viên ngoại ngữ trong toàn tỉnh. Mục đích là để đánh giá năng lực nhằm có biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ.
Trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do tổ chức khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa giải thích:
“Việc này, xuất phát từ chất lượng dạy học ngoại ngữ của Thanh Hóa yếu và thấp so với các tỉnh thành khác trong cả nước nên lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục của tỉnh mong muốn nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.
Chất lượng dạy tiếng Anh bét bảng, Thanh Hóa quyết sàng lọc giáo viên |
Để nâng cao được chất lượng dạy tiếng Anh cần thay đổi nhiều yếu tố, trong đó có mục tiêu phải nâng được chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh”.
Chia sẻ về thực trạng chất lượng giáo viên ngoại ngữ của tỉnh mình, bà Hằng thẳng thắn thừa nhận: “Hiện, giáo viên ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa có trên 50% là trình độ tại chức.
Đây là một trong những yếu tố làm cho việc học, dạy ngoại ngữ của Thanh Hóa luôn đạt kết quả rất thấp” [2].
So sánh báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa rõ ràng có mâu thuẫn.
Nếu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chính xác thì việc tỉnh Thanh Hóa tiến hành khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh ở tỉnh này là thừa. Thậm chí, việc khảo sát như vậy cần được ngăn chặn, tránh mất thời gian lại tốn kém kinh phí.
Tuy nhiên, quan điểm của bà Hằng đưa ra cũng có lý vì: “Các năm gần đây, điểm tiếng Anh trung bình trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của Thanh Hóa đứng thứ 56, 57 trong số 63 tỉnh thành.
Trong khi, Thanh Hóa là một vùng quê hiếu học và có thành tích các môn học khác rất tốt”.
Vị này còn cho rằng: “Trường hợp khi khảo sát đánh giá nếu giáo viên đạt yêu cầu thì tiếp tục được dạy học. Còn nếu chưa đạt yêu cầu thì bắt buộc phải tiếp tục học bồi dưỡng tiếp sau đó khảo sát đánh giá lại”.
Trước sự mâu thuẫn khó thể lý giải này, vậy giữa báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa cái nào đáng tin cậy hơn?
Tài liệu tham khảo:
1. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hai-Duong-con-hon-20-giao-vien-tieng-Anh-chua-dat-chuan-post193661.gd
2. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chat-luong-day-tieng-Anh-bet-bang-Thanh-Hoa-quyet-sang-loc-giao-vien-post195681.gd