LTS: Đưa ra câu hỏi, nếu sinh chỉ học kiến thức trong nhà trường thì chất lượng thật và điểm thi của môn Anh văn sẽ đến mức nào, tác giả Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo thống kê điểm tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, trong 814.779 bài thi tiếng Anh chỉ có 76 bài đạt điểm 10, điểm nhiều nhất là 3.
Nhưng, lại có tới 78,22% thí sinh điểm dưới trung bình. Điểm trung bình môn tiếng Anh chỉ là 3,91, thấp hơn khá nhiều so với năm 2017.
Môn tiếng Anh là môn học mà gia đình đầu tư cho con em mình nhiều nhất. Nếu thống kê phạm vi trong một lớp học thì số lượng học sinh đi học thêm môn Anh văn phải chiếm đến con số 90%.
Một tiết học tiếng Anh của học sinh tiểu học (Ảnh minh họa: giaoduc.edu.vn). |
Đầu tư lớn, học thêm nhiều mà chất lượng thi vẫn thấp như vậy. Thử hỏi, nếu tất cả học sinh chỉ học kiến thức trong nhà trường thì chất lượng thật của môn Anh văn sẽ đến mức nào?
Các trung tâm dạy thêm đã cứu chất lượng môn Anh văn trong nhà trường thế nào?
Một thị xã nhỏ vùng ven biển nơi tôi đang sinh sống nhưng đã có tới hàng chục trung tâm ngoại ngữ liên kết nước ngoài.
Dù học phí nơi này không hề rẻ, khoảng 800 ngàn đồng/tháng, nhưng số lượng học sinh theo học nơi đây khá đông.
Nếu so với mức thu nhập bình quân của người dân quê tôi thì học phí như thế là rất cao.
Nhiều phụ huynh nói rằng phải "bấm bụng" ăn cho con đi học. Nếu chỉ học Anh văn ở trường con sẽ chẳng thể nào có đủ kiến thức để thi.
Điều này chẳng phải là không có lý, có những học sinh đã không có điều kiện đi học thêm nên điểm tổng kết môn Anh văn ở lớp chỉ vượt qua điểm liệt dù đã được thầy cô đánh giá khá nhẹ tay.
Điểm thi quốc gia môn Ngoại ngữ thấp và thách thức của Đề án mới |
Những gia đình khá giả thường cho con đi học tại các trung tâm tiếng Anh từ tuổi mẫu giáo.
Gia đình nào khó khăn hơn thì các em sẽ đi học vào cấp 2 hoặc cấp 3.
Số khác, gia đình không có điều kiện cũng phải cho con theo học ở các trung tâm có yếu tố nước ngoài thì chọn học thêm tại nhà thầy cô giáo.
Công bằng mà nói, những học sinh được học tiếng Anh từ nhỏ ở các trung tâm thì sức học môn tiếng Anh của các em nổi trội rõ rệt so với những bạn bè khác về kiến thức, về kĩ năng giao tiếp.
Có ai tự hỏi vì sao lại có sự khác biệt giữa dạy học trong và ngoài nhà trường như thế?
Trong khi chất lượng giáo viên ở những trung tâm này cũng không hơn những giáo viên đang giảng dạy trong nhiều trường học.
Đem thắc mắc hỏi một số thầy cô dạy học tại trung tâm thì được biết, sĩ số cao, cơ sở vật chất thiếu thốn và cách dạy học theo quy trình đang là nguyên nhân giết chết chất lượng học Anh văn ở các trường học hiện nay.
Sự khác biệt giữa học Anh văn ngoài trung tâm và trong nhà trường
Tác giả bài viết đã xin vào dự vài tiết học ngoại ngữ của một trung tâm tiếng Anh ở địa phương. Lớp học hôm ấy là lớp 1 và lớp 3.
Xin nói rằng, giáo viên dạy học hôm ấy chỉ vừa tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm khoa tiếng Anh nhưng chưa xin được việc làm ở trường học.
Sĩ số học sinh chỉ khoảng 10 em trong lớp 1. Lớp học không có bàn ghế, bục giảng. Cô và trò ngồi quây quần bên nhau.
Dạy tiếng Anh ở các trường sẽ khó thành công vì những lý do này |
Học sinh được nghe nhạc, nghe kể chuyện trên màn hình lớn, được tập hát, nhún nhảy theo. Phần học từ, học theo hình ảnh trực quan.
Giáo viên cho các em vẽ, tô màu một số đồ vật như cái ghế, cái bàn, quyển sách… sau đó, cung cấp từ, học sinh sẽ học thuộc lòng và trả lời khi cô giáo hỏi.
Tiết học lớp 3 (sĩ số 13 em) các em được đeo tai nghe để luyện nghe và nói. Mỗi em một máy nghe, một cuốn vở. Giáo viên cung cấp từ vựng và kiểm tra từng em về cách đọc và viết.
Học sinh cũng được vào thư viện điện tử để tìm tư liệu như những câu chuyện, bài hát bằng tiếng Anh nghe, học và trả lời theo câu hỏi.
Bên cạnh những giờ học trên lớp, học sinh còn được tham gia những hoạt động ngoại khóa bổ ích, giúp tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh thông thạo và khơi gợi phản xạ tự nhiên nơi mỗi người.
Các giáo viên, bên cạnh việc giảng dạy năng động, linh hoạt, còn luôn tận tình hướng dẫn, theo sát từng học sinh để kịp thời hỗ trợ các em tốt nhất.
Điều góp phần tạo chất lượng cho học sinh là cơ sở vật chất tốt nơi đây rất đầy đủ. Đây là yếu tố quan trọng giúp các em luôn cảm thấy hứng thú và thoải mái khi tiếp thu kiến thức.
Ngoài chương trình học trên lớp, các trung tâm còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích như tập nói trước đám đông, luyện nghe các kỹ năng nói, luyện nói theo chủ đề, chủ điểm…
Còn dạy học Anh văn trong nhà trường thì sao?
Ngoài số ít trường học ở thành phố có phòng học Anh văn đúng chuẩn thì nhiều trường học ở vùng thôn quê học sinh học Anh văn trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vất chất.
Lớp học trên 50 học sinh với thời lượng học quá ngắn (tiểu học có 35 phút, hai bậc học còn lại 45 phút) giáo viên chỉ kịp ổn định, cung cấp kiến thức và giảng giải là hết giờ.
Học sinh ít được thực hành, càng không được thể hiện. Đồ dùng học tập giờ Anh văn chỉ là chiếc máy cát sét (nhiều lớp dùng chung) mà phát âm thì kêu rè rè.
Nhiều lần con gái của chính người viết về than phiền: “Cứ mỗi lần đến tiết nghe là con chán lắm. Nghe trên máy rè quá nên không hiểu nổi người ta nói gì và chẳng thể trả lời được”.
Theo chương trình môn Anh văn có các tiết: đọc - nghe - nói - viết. Thế nhưng ngay trong tiết đọc, nhiều em cũng không có cơ hội được phát âm lấy một lần. Với sĩ số đông như thế thì bao giờ mới đến lượt?
Học trong trường như thế đương nhiên cũng không thể đủ kiến thức tối thiểu. Không ít học sinh ngoài giờ học chính khóa phải đi học thêm Anh văn, không chỉ học một giáo viên mà học tới 2 thầy cô cùng lúc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rất quan tâm đến chuyện dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường.
Vài năm nay, giáo viên đã được đi học tập bồi dưỡng và nâng cao trình độ giảng dạy.
Trong trường học đã xuất hiện ngày càng nhiều giáo viên có bằng thạc sĩ, có bằng chuẩn ngoại ngữ Châu Âu. Thế nhưng chất lượng học ngoại ngữ của học sinh vẫn cứ dậm chân tại chỗ.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Anh văn
Có thể nói khác biệt lớn nhất giữa dạy Anh văn trong nhà trường và ngoài trung tâm không phải là trình độ giáo viên mà là sĩ số học sinh và điều kiện vật chất.
Hai yếu tố này hiện nay đều thiếu trong nhiều trường học. Bởi thế để khắc phục, chúng ta cần:
Diệt giặc dốt tiếng Anh của người Việt và giấc mơ giáo dục thời 4.0 |
Giảm sĩ số học sinh trong các tiết học Anh văn (hoặc tăng 2 giáo viên phụ trong tiết học).
Trang bị máy vi tính, tai nghe đảm bảo chất lượng để học sinh được luyện nghe, luyện nói trong tiết học.
Giảm việc học lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, tạo điều kiện giao tiếp cho các em thể hiện bản thân.
Không cứng nhắc quy trình lên lớp theo quy định mà để giáo viên chủ động, linh hoạt trong giờ dạy của mình.
Đánh giá tiết dạy phải dựa trên chất lượng học tập của học sinh chứ không phải xem thầy cô phân bố thời gian từng phần có đúng quy định không như kiểu đánh giá hiện nay các trường đang áp dụng.
Chừng nào sĩ số học sinh vẫn cao, trang thiết bị trong phòng học Anh văn vẫn nghèo nàn như hiện nay thì chừng đó chất lượng học tập môn học này vẫn sẽ còn thấp.