Bộ vẫn né hướng dẫn phân công giáo viên môn Khoa học tự nhiên

20/09/2021 06:47
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, việc phân công bộ môn Khoa học tự nhiên ở các trường trung học cơ sở mỗi nơi một kiểu.

Ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19. Công văn kèm theo phụ lục hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học đối với từng môn, từng lớp ở 2 cấp học này. [1]

Nội dung công văn yêu cầu giữ lại nội dung tối thiểu các môn học; không kiểm tra, đánh giá đối với nội dung không dạy, không học, học sinh tự học,…

Đây là lần hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục lần thứ 3 trong năm học này, sau các Công văn 2613 và Công văn 3699; còn về hướng dẫn giảm tải thì đây là công văn thay thế công văn 3280/BGDĐT-GDTrH (năm 2020).

Việc hướng dẫn thứ 3 trong một năm học, khiến giáo viên vô cùng vất vả, phải thay đổi kế hoạch thường xuyên.

Nhưng điều mà tôi và nhiều giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học bậc trung học cơ sở mong là Bộ hướng dẫn phân công giảng dạy, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên lớp 6 năm học này (gồm 3 "phân môn" Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì vẫn không thấy, điều đó khiến các trường vô cùng bối rối, giáo viên hoang mang.

(Ảnh minh hoạ: Baophuyen.com.vn)

(Ảnh minh hoạ: Baophuyen.com.vn)

Thưa Bộ, tóm lại môn Khoa học tự nhiên là 1 giáo viên dạy hay 3 giáo viên dạy?

Hiện nay, việc phân công bộ môn Khoa học tự nhiên ở các trường trung học cơ sở mỗi nơi một kiểu.

Có nơi thì phân công cho 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng lại không đảm bảo chuyên môn, giáo viên khá vất vả đối với những kiến thức của các "phân môn" còn lại nên dạy qua loa, đối phó,…

Có trường thì lại phân công cả 3 giáo viên vào một môn, dạy đồng thời, song song các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học với nhau thì lại gặp khó về việc ra đề kiểm tra, chấm bài, vào điểm, báo cáo, ghi hồ sơ sổ sách,…

Nói chung là mỗi nơi một kiểu, trăm hoa đua nở.

Qua 3 lần hướng dẫn nhưng vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể cho bộ môn trên.

Ở lần thứ nhất, ngày 23/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022, trong đó Bộ hướng dẫn đối với 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí:

“Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.”

Công văn 2613 cũng nêu các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí được sắp xếp thành các chủ đề, có logic, hỗ trợ lẫn nhau.

Như vậy ở môn tích hợp này, Công văn 2613 xác định môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí một môn học, có logic tuyến tính nhau, là một môn có nội dung tích hợp thiết kế thành các chủ đề và tiến đến 1 giáo viên đảm nhận cả môn học (tức dạy được 2, 3 phân môn trong môn học).

Lần thứ 2, vào ngày 27/8 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số: 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Đối với việc thực hiện môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật công văn có hướng dẫn như sau:

“Đối với học môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật, trong quá trình tổ chức dạy học, các nhà trường cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lí (đối với môn Lịch sử và Địa lí), các nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật (đối với môn Nghệ thuật), bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.”

Tại hướng dẫn lần thứ 2 này chỉ hướng dẫn các môn Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) sắp xếp dạy đồng thời, không có bất kỳ hướng dẫn gì cho môn Khoa học tự nhiên mặc dù lúc này các địa phương đã lên kế hoạch cho việc dạy học, dạy học trực tuyến.

Lần thứ 3, tại Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có sự kế thừa các văn bản trước đây của Bộ: “Nội dung yêu cầu học sinh thực hiện mang tính logic, đảm bảo mạch kiến thức và tính logic của kiến thức; đồng thờ bảo đảm tính phù hợp trong điều kiện giãn cách các em phải thực hiện nhiệm vụ học tập thông qua giảng dạy trực tuyến và dạy học trên truyền hình.”

Có thể thấy rõ lần mới nhất này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có yêu cầu việc dạy phải mang tính logic, đảm bảo mạch kiến thức,… có thể hiểu là dạy theo mạch kiến thức thì không thể dạy đồng thời mà phải dạy theo tuần tự từ chủ đề 1 rồi đến 2, 3,…

Như vậy liệu các trường phân công 3 giáo viên dạy đồng thời 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là có trái với việc xây dựng các chủ đề mang tính logic, tương hỗ lẫn nhau, có trái với quan điểm xuất phát của việc xây dựng chương trình mới gồm các chủ đề liên thông, logic,..?

Chương trình môn Khoa học tự nhiên được tổ chức theo 4 chủ đề khoa học chính, gồm: Chất và sự biến đổi của chất; Vật sống; Năng lượng và sự biến đổi năng lượng; Trái Đất và bầu trời.

Nội dung các chủ đề khoa học được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Nội dung các chủ đề được sắp xếp theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm,… mà phân công giáo viên dạy đồng thời tức có thể dạy chủ đề 4, 5 trước chủ đề 2 là quá vô lý.

Còn để giáo viên dạy cả 3 phân môn thì liệu sau khi đào tạo, bồi dưỡng tốn một khoản kinh phí vô cùng lớn thì sẽ được bao nhiêu giáo viên đủ kiến thức để dạy được cả 3 phân môn trên? Một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Xây dựng một chương trình mới, xuất hiện các môn học mới tích hợp nhưng lại giao cho các trường “tự bơi”, không hướng dẫn rõ ràng, không có căn cứ pháp lý đầy đủ; việc đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp thì để một số cơ sở giáo dục chiêu sinh; quyết định ban hành về việc bồi dưỡng thì mục kinh phí lại quy định kinh phí có thể do giáo viên tự đóng góp,… các trường và giáo viên lo lắng, hoang mang là đúng.

Rất nhiều ý kiến thắc mắc của giáo viên về việc triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên về phân công, ra đề kiểm tra, chấm điểm, báo cáo,… thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không có hướng dẫn, vẫn như “ném đá ao bèo”.

Tinh giảm chương trình nhưng lại không tinh giảm thời gian

Tại Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH lần này thì hầu hết các nội dung trong chương trình được tinh giản theo hướng giảm nội dung trong bài, nhiều nội dung được đưa vào mục học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm và không được kiểm tra học sinh các nội dung này.

Tuy nhiên, giáo viên thắc mắc là tại sao Bộ đã tinh giảm chương trình, nội dung nhưng thời gian lại không tinh giảm, việc này sẽ gây khó khăn cho các cơ sở trong việc xây dựng khung thời gian của đơn vị, khiến cho việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch giáo dục gặp nhiều khó khăn, thực hiện nhiều lần.

Khá nhiều bài đã được cắt giảm nội dung hoặc đã không đưa vào giảng dạy, tuy nhiên khung thời gian thì không thay đổi là chưa phù hợp.

Một lần nữa, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 hiện nay và nêu rõ định hướng trong thời gian sắp tới, nêu rõ việc học chứng chỉ tích hợp theo hình thức nào, và kinh phí là do ai chi trả.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=751

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM